Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á:

Động lực sáng tác là luôn đối mặt với thử thách

Theo đuổi nhiều sự kiện, câu chuyện, nhân vật xã hội diễn ra trong và ngoài nước, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã cho ra mắt 16 cuốn sách ảnh có giá trị. Lựa chọn một con đường riêng không dễ dàng, Nguyễn Á "hạnh phúc" vì đóng góp một phần công sức làm lan tỏa những điều thiện, cái đẹp trong cuộc đời. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Nam Sudan chào đón Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam bằng một chương trình biểu diễn múa dân gian. Ảnh: NVCC
Người dân Nam Sudan chào đón Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam bằng một chương trình biểu diễn múa dân gian. Ảnh: NVCC

Mong muốn kể được nhiều câu chuyện xã hội

- Trước khi đến với nhiếp ảnh, anh từng là một vận động viên chuyên nghiệp?

- Năm 22 tuổi, tôi đã cầm máy ảnh để chụp ảnh dịch vụ, cộng tác với báo chí, làm lịch... Ánh đèn flash ảnh hưởng tới thị lực của tôi, phản xạ bị kém. Tôi không muốn thị lực của mình ảnh hưởng đến kết quả thi đấu chung của đội bóng ném nơi tôi làm thủ môn nên xin nghỉ hẳn khi 27 tuổi.

- Hẳn anh còn nhớ bức ảnh đầu tiên mình đoạt giải quốc tế?

- Vâng, nhớ chứ! Cái lần đầu tiên bao giờ cũng nhiều điều đáng nhớ nhất. Đó là tấm Huy chương vàng FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế) ở thể loại Tự do cho một bức ảnh nude chụp cô gái đội nón lá. Hồi đó, tôi mở studio chụp dịch vụ, có những khách hàng muốn lưu giữ hình ảnh vẻ đẹp cơ thể của họ. Giải thưởng ấy khiến tôi nghĩ, nên theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

- Nhưng lý do gì khiến anh chuyển hướng sang hẳn nhiếp ảnh báo chí, kể các câu chuyện xã hội, sẽ phải đối diện với hoàn cảnh thực tế khó biết trước?

- Tôi đã giành được không ít giải thưởng từ các bức ảnh đẹp, có tính chất nghệ thuật. Nhiếp ảnh nghệ thuật cũng tốt nhưng tôi nghĩ, nó có lẽ chỉ tốt cho một số người. Tôi thì muốn thông qua nhiếp ảnh để làm lợi cho cuộc sống, cho con người ở mức rộng hơn; không chỉ là ghi nhận, phản ánh mà còn là truyền động lực sống tới nhiều người hơn. Bản thân tôi cũng rất thích thể loại ảnh báo chí vì mỗi chuyến tác nghiệp lại mang tới cho tôi nhiều trải nghiệm, kiến thức không thể có trong trường lớp. Ở đời, sướng nhất là được làm những điều mình thích và thích những điều mình làm.

- Các dự án nhiếp ảnh báo chí của anh thường được bắt đầu thế nào?

- Rất ngẫu nhiên. Trong đầu tôi chưa mấy khi chỉ dừng lại với duy nhất một dự án, mà phải nhiều hơn một, cùng lúc (cười). Thí dụ, ra Hà Nội dịp vừa rồi, dự định làm một phần ảnh cho sách về Hồ Gươm bốn mùa, nhưng sau đó lại có thêm ý tưởng ảnh về hoạt động văn nghệ ở Bờ Hồ, Nhà hát Lớn, nhưng ngẫu nhiên gặp sự kiện Nhạc hội Cảnh sát ASEAN + 2022 tại Hồ Gươm, tôi theo chụp luôn. Lúc nào cũng vậy, cuốn sách này nối tiếp cuốn sách kia, nắm bắt nhanh các hoạt động mang tính sự kiện, không bỏ lỡ cơ hội.

- Sau nhiều năm tháng chụp thể loại này, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm cốt lõi của cá nhân về tính khả thi của một dự án nhiếp ảnh báo chí?

- Làm phóng sự ảnh để kể một câu chuyện rất phụ thuộc vào ngoại cảnh, đòi hỏi dày công. Thí dụ, vừa rồi, tôi làm hai cuốn sách ảnh về thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Nếu không có quen biết và uy tín cá nhân, tôi sẽ không thể được cấp giấy tác nghiệp tại nhiều bệnh viện, cơ sở lưu trú. Rồi bảy lần ra Trường Sa, một lần ra Hoàng Sa cũng như vậy. Những đối tác thấy việc mình làm tốt, họ mới đồng ý hỗ trợ mình dấn thân làm những điều mình thích. Vừa qua, khi nhận được giấy thông hành của Bộ Quốc phòng đi Nam Sudan, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi rút ra một kinh nghiệm, mình phải làm cho các đối tác thấy, mình đang làm việc tử tế cho xã hội, có chất lượng nghề nghiệp và không vụ lợi cho cá nhân.

Chấp nhận khó khăn để theo đuổi ước mơ

- Không ít tay máy thèm có được một hành trình ý nghĩa như đến Nam Sudan với Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam của anh khi nhìn các bức ảnh, tập sách. Nhưng có lẽ khó khăn lớn mà anh phải vượt qua trên hành trình ấy không phải ai cũng biết?

- Thì đó là lần đầu tiên, có một nghệ sĩ nhiếp ảnh đi làm việc này với sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng mà (cười) nhưng quá trình tác nghiệp thật sự khó khăn do đặc thù an ninh, không phải cứ thích thì giơ máy lên bấm, mà phải làm thế nào khiến cho các lực lượng an ninh cảm thấy yên tâm với sự xuất hiện của nhà nhiếp ảnh ở đó. Đặc biệt, khi chọn ảnh cho cuốn sách này, tôi phải làm nổi bật lên cái tình, làm cho người xem thấy cái tình giữa con người với con người tỏa sáng. Do vậy, khâu biên tập ảnh cũng rất cẩn trọng để nêu bật được chủ đề xuyên suốt của cuốn sách.

- Anh đã xoay trở bằng cách nào để có tiền theo đuổi các dự án ảnh báo chí của mình?

- Tôi nhận các đơn đặt hàng làm sách ảnh cho doanh nghiệp. Tôi cũng không có nhu cầu tiêu xài gì nhiều cho cá nhân, ở nhà chung cư và dành tiền kiếm được cho các dự án nhiếp ảnh. Một số đầu sách của tôi cũng bán được để thu lại chi phí sản xuất.

- Vậy còn gia đình của anh? Mọi người phản ứng thế nào trước một người như quên cả nghĩa vụ đóng góp thời gian cho gia đình?

- Đi nhiều nên tôi ít có điều kiện gần ba mẹ. Mà chắc chẳng có phụ nữ nào chấp nhận một người chồng theo chủ nghĩa xê dịch như vậy. Đó là những thứ không hoàn hảo, gọi là khó khăn cũng được, về cuộc sống cá nhân tôi, nhưng không sao. Quan trọng là tôi cảm thấy vui mới nhìn thấy mọi thứ chung quanh đẹp và tích cực. Còn nếu nhìn cái gì cũng thấy tiêu cực thì không làm được cái gì tích cực cho xã hội.

- Tức là anh chấp nhận mọi khó khăn để giữ giấc mơ nghề nghiệp của mình?

- Mỗi lần triển lãm, ra mắt sách ảnh, nhận được sự quan tâm của xã hội, cảm thấy động lực sống tích cực của cá nhân được lan tỏa đến nhiều người hơn, tôi rất hạnh phúc. Nhưng qua cơn mơ ấy rồi, lại phải biết đáp xuống mặt đất để lắng nghe các ý kiến chia sẻ, tìm ra cái hay, chưa hay của cuốn sách. Tôi cho rằng, cảm giác không cảm thấy hài lòng, luôn lao vào khó khăn, đối mặt với những thách thức chính là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi các dự án nhiếp ảnh.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Động lực sáng tác là luôn đối mặt với thử thách ảnh 1

16 đầu sách của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đề cập nhiều chủ đề lớn trong đời sống đất nước, từ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa, Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đến di sản, văn hóa tín ngưỡng truyền thống, các câu chuyện đẹp trong ngành y, sự vươn lên của người khuyết tật để hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng...

Anh đã được trao một số giải thưởng và tước hiệu quan trọng, như giải A - giải thưởng hằng năm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) các năm 2010, 2017, 2018, Cúp vàng VAPA năm 2014, tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc (EVAPA) của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.