Động lực cho phát triển

Trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững và kết nối toàn cầu. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, công tác quy hoạch đô thị, chuyển đổi số, quản lý tài nguyên, xây dựng chính quyền phục vụ… phải được làm tốt hơn, tạo động lực để thành phố phát triển.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh đang được Thành phố Hà Nội thí điểm triển khai.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh đang được Thành phố Hà Nội thí điểm triển khai.

Xây dựng, vận hành tốt cơ sở dữ liệu đô thị

Những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng để xây dựng thành phố thông minh, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại".

Thành phố cũng xác định bốn yếu tố cơ bản quan trọng nhất cấu thành nên thành phố thông minh: tăng trưởng kinh tế; phát triển con người; đổi mới công nghệ; quản lý và tổ chức hiệu quả đô thị. Mục tiêu cốt lõi của đô thị bền vững chính là đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao của con người, hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống.

Có thể thấy, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. "Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước", ông Hải nhấn mạnh.

Theo PGS, TS Đỗ Tú Lan, chuyên gia đô thị, mục tiêu xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội là rất thiết thực, từ đó sẽ tạo động lực, sự lan tỏa cho phát triển các đô thị vùng Thủ đô. Một trong những vấn đề thành phố đã và cần tiếp tục làm tốt hơn là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, ở tất cả các lĩnh vực. Dữ liệu phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đó là các tiện ích tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội và ứng dụng công dân số. Đồng quan điểm, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho xây dựng đô thị thông minh là một nhiệm vụ quan trọng. Để xây dựng cơ sở dữ liệu này, chúng ta cần quy chế, cơ chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn hình thành bộ dữ liệu đồng bộ giúp tất cả các ngành có thể cập nhật được.

Thêm nữa, yếu tố con người đặc biệt quan trọng khi xây dựng, phát triển thành phố thông minh. Bởi con người là chủ thể vận hành của thành phố thông minh. Do vậy, Hà Nội phải đầu tư thêm nguồn lực, nâng cao trình độ về kinh tế số, năng lực chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp. Đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Quy hoạch định hướng cho các lĩnh vực

Để đạt mục tiêu đặt ra, ngoài công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, thành phố Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, như giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập, lãng phí nguồn lực đất đai, hạ tầng giao thông còn những bất cập… Đặc biệt, công tác quy hoạch phải đi đầu để định hướng phát triển cho các lĩnh vực khác. Với quy hoạch đô thị thông minh, vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, đô thị xanh, đô thị thông minh phải là đô thị phát triển bền vững, đặc biệt phải có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai và những vấn đề dịch bệnh… Hiện Hà Nội đang tiến hành phát triển khu vực phía tây (Hòa Lạc-Xuân Mai) thành đô thị khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo; xây dựng thành phố phía bắc (Mê Linh-Đông Anh-Sóc Sơn) thành đầu mối kết nối quốc tế, trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc phát triển hạ tầng khung kết nối giữa đô thị lõi (đô thị trung tâm) và phụ cận với hai thành phố trực thuộc là đặc biệt quan trọng.

Hướng tới những mục tiêu xa hơn, Hà Nội đang thực hiện Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, được Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt vào ngày 16/6/2024. Trong đó, thành phố nghiên cứu xây dựng năm trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô, xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi, xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía nam thành phố... Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội với nhiều yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, bảo đảm tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cũng cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; rà roát, hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định của pháp luật để đẩy mạnh các liên kết giữa Hà Nội với địa phương trong vùng để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai, nguồn nước.

Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để Hà Nội nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị, phát triển thành phố xanh, đáng sống, toàn diện, bền vững, theo đó, phải tích cực huy động nguồn lực từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.