Đồng hành với sinh viên lập thân-lập nghiệp!

Hiện nay, trên cả nước có hơn 2,1 triệu sinh viên, tương đương với hơn hai triệu lao động sắp tham gia thị trường việc làm. Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, có những chia sẻ tâm huyết với Nhân Dân cuối tuần về các hoạt động của Hội để đồng hành với sinh viên trên chặng đường lập thân, lập nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

- Với cương vị là tổ chức chính trị-xã hội dành cho sinh viên Việt Nam, gắn bó gần gũi nhất với sinh viên cả nước, xin đồng chí Bí thư chia sẻ một vài điểm chính của thế hệ sinh viên Gen Z, đặc biệt là sự khác biệt của họ so thế hệ trước?

- Sinh viên hiện nay và trong vòng 5 năm tới có năm sinh từ năm 2001 đến năm 2010. Đây là lớp sinh viên sinh ra, trưởng thành trong điều kiện đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng và thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ nên được thụ hưởng những thành tựu của quá trình phát triển và sự chăm lo của gia đình, nhà trường, xã hội. Sinh viên được học tập hoàn toàn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, được giáo dục toàn diện hơn về kiến thức, kỹ năng, năng lực ngoại ngữ, trải nghiệm thực tế.

Về đặc trưng tính cách, lối sống, lớp sinh viên của nhiệm kỳ mới có bản sắc, đề cao tính khác biệt cá nhân, có khả năng thích ứng, hội nhập tốt, tư duy phản biện, kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, có xu hướng di động cao trong cuộc sống. Phần lớn sinh viên đều mong muốn được tiếp cận điều kiện sống, giáo dục và có cơ hội việc làm tốt, ổn định tài chính, thành công trong tương lai; có tinh thần tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng; là đối tượng tích cực trong tham gia đóng góp tiếng nói, ý tưởng vào các quyết định, chính sách quan trọng của Đảng và đất nước.

Nói cách khác, các bạn ấy rất đề cao tinh thần tự quyết những vấn đề cá nhân, tự quyết tương lai, nghề nghiệp, môi trường rèn luyện, phong trào tham gia, do đó hoạt động của Hội hiện nay phải thực hiện theo hướng vừa triển khai đáp ứng nhu cầu của các bạn, vừa phải dự báo trước một bước các nhu cầu đó.

Hiện nay, cách mà chúng tôi đang làm là phân nhóm các yêu cầu của các bạn để triển khai hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu sinh viên, thí dụ như: phát triển khả năng sáng tạo, rèn luyện sức khỏe, nâng cao khả năng phản biện,… Hoặc tổ chức nhiều hoạt động theo ngành học như mảng y tế, kinh tế, khoa học-tự nhiên, khoa học-xã hội,… Khi nắm bắt, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các bạn, mới có thể tổ chức giới thiệu việc làm, giúp các bạn tiếp cận thị trường lao động, hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… một cách phù hợp.

- Xin Bí thư chia sẻ về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của Gen Z?

- Tháng 6 vừa qua, Hội thực hiện một cuộc khảo sát trên hơn 25.000 sinh viên cả nước, về "Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay", thấy rõ là: Định hướng giá trị nghề nghiệp của phần lớn sinh viên hiện nay là làm việc trong khu vực tư nhân và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên có xu hướng muốn chỉ là chính mình với phiên bản tốt nhất trong tương lai. Ba giá trị mà họ đề cao ở nghề nghiệp trong tương lai là "lãnh đạo có tầm nhìn", "thu nhập cao" và "môi trường làm việc năng động sáng tạo". Điều này cho thấy sự khác biệt của sinh viên thế hệ gen Z với các thế hệ trước, họ quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc và định hướng phát triển của tổ chức qua vai trò của người lãnh đạo.

Đồng hành với sinh viên lập thân-lập nghiệp! ảnh 1
Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động đa dạng giúp người trẻ hoàn thiện hơn các kỹ năng. Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam

- Xác định được những điểm thay đổi đó, Hội sẽ đồng hành như thế nào cùng sinh viên?

- Để bắt kịp với những xu hướng, sự thay đổi không ngừng, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu việc làm của hội viên, sinh viên; cung cấp thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực cho sinh viên. Hội cũng đóng vai trò cầu nối giữa nhu cầu của thị trường lao động và năng lực thế mạnh của sinh viên.

Và để giúp sinh viên tiếp cận thị trường lao động hiệu quả nhất, công tác Hội luôn nhấn mạnh hai yếu tố. Một là xác định được thế mạnh, điểm yếu của sinh viên, hay tố chất mà thị trường lao động đòi hỏi mà các bạn chưa đáp ứng được. Qua đó, tổ chức các hoạt động giúp các bạn tự nhìn nhận được các yếu tố này, đồng thời hỗ trợ khắc phục, trang bị thêm kỹ năng. Thứ hai, Hội liên tục cập nhật các nhu cầu của thời đại, của doanh nghiệp, sự hình thành những ngành nghề mới.

Các hoạt động thiết thực Hội đã triển khai có thể kể đến, như: Về Phát triển kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng mềm cho sinh viên, triển khai "Khung kỹ năng thực hành xã hội" cho sinh viên; thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu, năng lực sinh viên, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ năng trong nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động trang bị kỹ năng mềm; tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội theo ngành học; phát triển các câu lạc bộ kỹ năng trong các nhà trường; phát huy hiệu quả vai trò các trung tâm, nhà văn hóa sinh viên trong các hoạt động, mô hình giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên.

Các cấp bộ Hội tiếp tục duy trì và thành lập mới các câu lạc bộ tin học, ngoại ngữ, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, các cuộc thi nhằm tạo môi trường giúp sinh viên trao đổi kiến thức, phương pháp học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp; đầu tư nhiều giải pháp thống kê, theo dõi, hỗ trợ học bổng, thi thử kiểm tra trình độ tiếng Anh cho hội viên, sinh viên. Cụ thể hóa Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" của Chính phủ và Đề án "Nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018-2022" của Trung ương Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức Hội thi "Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc", thu hút sự tham gia của hơn ba triệu lượt học sinh, sinh viên.

Thúc đẩy tâm thế, kỹ năng lập nghiệp, khởi nghiệp cho sinh viên: Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng làm việc. Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động "Ngày hội việc làm", "Ngày tuyển dụng", "Tọa đàm sinh viên và nhà tuyển dụng"…

Đẩy mạnh triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ; chủ động tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Tiếp tục triển khai cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên". Thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng. Xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến, chia sẻ các mô hình khởi nghiệp thành công; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các ý tưởng khởi nghiệp trong thực tiễn.

- Gen Z mang trong mình khao khát khởi nghiệp. Vậy Hội có chương trình hành động gì để hỗ trợ thanh niên theo đuổi con đường này?

- Riêng về khởi nghiệp, có một mô hình mà chúng tôi hết sức tự hào - Học kỳ doanh nghiệp. Dự án do Hội Sinh viên địa phương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhằm hỗ trợ sinh viên có mong muốn khởi nghiệp tiếp cận được môi trường doanh nghiệp thực tế, chuẩn bị kiến thức cho hành trình lập nghiệp, khởi nghiệp trong tương lai.

Chương trình bồi dưỡng khát vọng, niềm tin, các kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho học viên tham dự. Đồng thời, kết nối học viên với các doanh nghiệp, các chuyên gia, giảng viên, doanh nhân, qua đó sinh viên có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm thực tiễn, học tập kinh nghiệm với góc nhìn cụ thể hơn, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn, kỳ vọng khởi nghiệp thành công tỷ lệ cao hơn.

- Đồng chí Bí thư có thể làm rõ hơn vai trò kết nối sinh viên với doanh nghiệp của Hội ?

- Ngay trong chương trình hoạt động của mô hình kể trên cũng thể hiện phần nào vai trò kết nối cung-cầu này rồi. Bên cạnh đó, nhiều ngày hội việc làm được tổ chức thường xuyên trên cả nước. Trong các trường đại học, Hội cũng liên kết chặt chẽ với các câu lạc bộ để giúp các bạn đến gần hơn với doanh nghiệp.

Trong đó phải kể đến mô hình Liên Câu lạc bộ Kết nối doanh nghiệp, Nghiên cứu phát triển sản phẩm, Khởi nghiệp, là sự phối hợp tổ chức giữa Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Câu lạc bộ Nguồn nhân lực, Câu lạc bộ Điện tử và Tự động hóa, Câu lạc bộ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của Trường đại học Công nghệ; Các đơn vị đồng hành là doanh nghiệp, công ty đối tác. Mô hình thực hiện chu trình khép kín với các buổi sinh hoạt thường xuyên cũng như các cuộc thi với quy mô từ cấp Câu lạc bộ tới cấp trường nhằm tìm kiếm, phát hiện các ý tưởng phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội. Những ý tưởng này sẽ được chia sẻ, thảo luận và định hướng bởi sự tư vấn hỗ trợ đến từ các thầy, cô giáo và chuyên gia của các doanh nghiệp liên kết.

Những ý tưởng của các nhóm sinh viên có tiềm năng sẽ tiếp tục được hỗ trợ và phát triển với mục tiêu sau mỗi năm học sẽ có ít nhất một ý tưởng được đầu tư và có thể thương mại hóa. Quá trình này là sự liên kết chặt chẽ giữa các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của nhà trường cũng như với các doanh nghiệp đối tác để huy động nguồn lực cả về vật chất và con người.

Và còn nhiều chương trình, dự án nữa trong khuôn khổ buổi trò chuyện này tôi chưa thể kể hết được, nhưng tựu trung lại tất cả mọi hoạt động, phong trào của Hội xét cho cùng đều hướng đến phát triển sinh viên một cách toàn diện nhất, để các bạn có thể lập thân, lập nghiệp và xây dựng đóng góp cho đất nước!

- Xin cảm ơn đồng chí!