Đòi hỏi của môi trường kinh doanh và bài toán "dám nghĩ, dám làm"

Công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh đang trông vào sức sáng tạo, tinh thần "dám nghĩ, dám làm" của từng công chức. Tuy bài toán này không hề dễ giải, song không phải không có phương án khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
Giải quyết nhanh chóng những vướng mắc trong thông quan hàng hóa là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Giải quyết nhanh chóng những vướng mắc trong thông quan hàng hóa là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phía sau lời cảm ơn của doanh nghiệp

Cuộc thảo luận về những khúc mắc, thậm chí là chững lại trong cải cách môi trường kinh doanh nhân dịp khởi động Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 giữa đại diện một số bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp trở nên trầm lắng sau khi TS Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh mang tới lời cảm ơn của một doanh nghiệp.

Chuyện là, có doanh nghiệp đã gửi tin nhắn nhờ giải cứu bởi những vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan. "Việc gấp, nên tôi đã copy tin nhắn, gửi tới lãnh đạo cơ quan hải quan. Rất ngạc nhiên là được giải quyết ngay, thay vì yêu cầu gửi văn bản theo đúng quy trình, quy định", ông Bắc kể.

Cũng phải nhắc lại, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Bắc Ninh là "cái nôi" của mô hình "bác sĩ doanh nghiệp" - nơi tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Gần 10 năm nay, kể từ năm 2016, các "bác sĩ doanh nghiệp" của Bắc Ninh vẫn tiếp nhận và chuyển tải thông tin qua tin nhắn, email... Đây cũng được coi là cách thức thể hiện rõ trách nhiệm, đặt hiệu quả xử lý lên trên hết của mô hình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chi phối nhiều hoạt động của các công chức nhà nước, thì cách thức xử lý công việc qua tin nhắn, email dường như không phải là sự lựa chọn tốt cho các bên. Vậy nên, có không ít vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư bị ách lại bởi sự cẩn trọng của các cơ quan, đơn vị quản lý.

"Đây là lý do doanh nghiệp gửi lời cảm ơn khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm từ phía công chức Nhà nước", ông Bắc chia sẻ thông tin. Vì thế, việc công bố lời cảm ơn mang hàm ý muốn nhân lên niềm tin cho việc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư.

Điều ấy hết sức cần thiết vào lúc này. Bởi cũng trong cuộc thảo luận, Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tiếp tục gửi đến những băn khoăn không thể lý giải về tình trạng trì trệ trong xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Vấn đề đã kéo dài bảy năm, đã có chỉ đạo hướng xử lý từ Chính phủ nhiều lần, nhưng chưa được thực hiện. Lần này, Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP lại đưa nội dung trên vào nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội cảm thấy khó hiểu khi trong kế hoạch hành động của Bộ Y tế thiếu vắng nhiệm vụ này!?

Thực tiễn "dám làm" không quá xa

Trong hàng loạt đề xuất từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tới các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu có giải pháp để mỗi cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương phải tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân như là lợi ích cho chính mình được đặt lên hàng ưu tiên. Thậm chí, bà Lý Kim Chi cho rằng, cơ chế giám sát thực thi công vụ sẽ quyết định hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 02/2024/NQ-CP.

"Chúng tôi kiến nghị phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ, ngành được giao, những quy định nào đã có chỉ đạo thì bắt buộc phải làm ngay, thời gian nào hoàn thành và đến hạn mà không hoàn thành thì xử lý cán bộ, công chức thực hiện và người đứng đầu như thế nào...", bà Chi khuyến nghị.

Hơn thế, trong bối cảnh không ít vấn đề doanh nghiệp, các địa phương bị vướng thủ tục, đã gõ cửa rất nhiều cơ quan ban, ngành mà không được giải quyết, bà Chi và nhiều doanh nghiệp đề nghị có số điện thoại nóng để doanh nghiệp có địa chỉ phản ánh, đề xuất phương án giải quyết...

Đáng nói là, cơ sở của những đề xuất này chính là một phần nội dung của Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP, đó là nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Bà Chi và nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm từng là một thành tố tạo nên thực tiễn tốt này, khi đã cùng các thành viên Ban soạn thảo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP kiên trì theo đuổi các kiến nghị để phá vỡ gần như toàn bộ các phiên bản dự thảo bảo thủ trước đó của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, thay đổi hoàn toàn tư duy quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

"Đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá", bà Chi đề xuất đúng theo phương thức đã tạo nên cuộc cách mạng mang tên Nghị định số 15/2018/NĐ-CP...

Thế khó của thực thi

Việc duy trì và nhân rộng thực tiễn chính sách tốt mà Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP đặt ra dù rất được trông đợi, nhưng không dễ dàng thực hiện. Vì, nguyên tắc của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính sẽ được chọn hệ thống quy định và đầu mối làm việc. Cách này sẽ gỡ được vướng mắc có thể phát sinh do sự chưa nhất quán, thiếu rõ ràng của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), trong bối cảnh thủ tục đầu tư vẫn ẩn chứa nhiều khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, việc có được cơ chế cho phép cơ quan thực thi và doanh nghiệp được lựa chọn quy định hay thủ tục phù hợp để thực hiện nếu các quy định chuyên ngành có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn sẽ giải tỏa rất nhiều ách tắc hiện hữu. Đây là mục tiêu mà khi xây dựng dự thảo Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP, thực tiễn chính sách tốt lần đầu tiên, đã được đề cập.

Chia sẻ mục tiêu này, TS Nguyễn Phương Bắc đặt kỳ vọng và gọi đây là cách thúc đẩy nguồn lực quan trọng đem lại tăng trưởng, nếu các dự án đầu tư dở dang được gỡ nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều dự án đang vướng mắc, bất cập do thể chế chưa đồng bộ, thống nhất, thậm chí ngày càng phát sinh thêm khó khăn mới do việc chỉnh sửa, hoàn thiện đang tiếp tục diễn ra.

"Trong khi chưa thực hiện giải pháp căn cơ là rà soát, sửa đổi toàn diện để bảo đảm tính thống nhất của các quy định, việc dám nghĩ dám làm trong trường hợp này là việc chọn áp dụng pháp luật như thế nào để có thể tháo gỡ. Chúng tôi rất trông đợi vào việc thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, các trường hợp "cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" vẫn chưa có quy định rõ ràng, nên rất khó thực thi", ông Bắc thẳng thắn.

Kiến tạo nền tảng từ văn hóa công vụ

Đang có những ý kiến về một nghị quyết của Quốc hội cho phép lựa chọn quy định phù hợp để áp dụng, đi kèm đó là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cụ thể, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất trong cơ chế này, trách nhiệm của cán bộ thực thi cũng như cơ quan quản lý nhà nước được đánh giá dựa trên đầu ra của công việc, chứ không phải theo tiêu chí tuân thủ đúng hay không...

"Đây cũng là cách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm một cách thực sự", ông Cường nêu quan điểm.

Chia sẻ quan điểm này, song TS Nguyễn Phương Bắc muốn đặt các giải pháp bảo vệ cán bộ trong văn hóa công vụ, bảo đảm từng công chức hiểu và chia sẻ giá trị "phục vụ người dân, doanh nghiệp" của chính quyền.

"Khi tôi đến làm việc ở Đồng Tháp, tôi phát hiện ra một điều rất đặc biệt, đó là mật khẩu đăng nhập wifi của các cơ quan ở Đồng Tháp là "chính quyền thân thiện". Mỗi lần đăng nhập, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ nhớ và chờ đợi hành động cụ thể từ chính quyền; còn các công chức sẽ không thể quên trách nhiệm, công việc của mình", ông Bắc phân tích.

Trong môi trường văn hóa công vụ, các đề xuất cơ chế, chính sách, cách thức giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, người dân sẽ bám theo định hướng của chính quyền thân thiện, đặt hiệu quả, tác động chung lên hàng ưu tiên. Khi đó, bài toán tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm hay dám nghĩ, dám làm sẽ được giải bởi sức sáng tạo, trách nhiệm của từng công chức cũng như từng doanh nghiệp, người dân.

Trong một nghiên cứu, khảo sát của Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (CIEM), việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư đòi hỏi chỉnh sửa tới 33 văn bản quy phạm pháp luật.