Doanh nghiệp chọn lời giải đột phá

Tăng năng suất lao động để cải thiện năng lực cạnh tranh là con đường mà doanh nghiệp đang muốn chọn, dù không dễ dàng.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc trong xưởng may quần áo xuất khẩu, Tổng công ty May 10. Ảnh: Thu Cúc
Công nhân làm việc trong xưởng may quần áo xuất khẩu, Tổng công ty May 10. Ảnh: Thu Cúc

Bài toán năng suất lao động trong doanh nghiệp đang chịu thêm áp lực để có được lời giải đột phá, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định sau cuộc "di cư" kinh hoàng trong thời gian đại dịch Covid-19, khi các doanh nghiệp khu vực phía nam phải đóng cửa hàng loạt theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và tình trạng thiếu lao động tại các khu công nghiệp ở miền nam khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Cũng phải nhắc lại, trong khoảng thời gian này, thông tin chính quyền nhiều địa phương đã sát cánh với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ kinh phí đưa lao động trở lại làm việc khá dày đặc, gồm cả địa phương có đông người lao động trở về và địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như da giày, dệt may, đồ gỗ...

Song, nhiều doanh nghiệp đã không trở lại con đường cũ. Ông Cung kể, một số doanh nghiệp dệt may, chế biến gỗ... đã dành phần lớn nguồn lực để đầu tư công nghệ mới, thay đổi quy trình sản xuất. Trước dịch, có doanh nghiệp cần 500 lao động để vận hành, nhưng sau dịch, vẫn quy mô sản xuất đó, 300 lao động gánh hết. Một số doanh nghiệp dệt may, đồ gỗ đã và đang tìm cách đầu tư ra nước ngoài, phát triển mạng lưới các thầu phụ...

"Họ nói với tôi, thị trường xuất khẩu đã thay đổi nhiều, đòi hỏi xanh hơn, bền vững hơn, nếu doanh nghiệp không thay đổi, vẫn thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thì khách hàng sẽ bỏ đi. Hơn thế, trong sự dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài hiện tại, Việt Nam không còn là nơi phù hợp của các dự án cần chi phí lao động rẻ, chuyên gia công các đơn hàng đơn giản, giá trị gia tăng thấp", ông Cung nói.

Lâu nay, tìm lời giải cho bài toán tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế lấy đi nhiều sức lực và trí tuệ của cả xã hội, nhưng chưa thật sự có xoay chuyển đáng kể. Đặc biệt, các doanh nghiệp dường như không có nhiều động lực để thực hiện phần việc khó khăn này.

Tuy nhiên, với việc không trở lại con đường cũ của nhiều doanh nghiệp, tình hình đã khác. Có thể hình dung, với sự lựa chọn này, trong vòng 5-10 năm nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, trở thành người tổ chức, giống như các công ty của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Tình trạng ngồi đợi khách mang đơn hàng gia công, đợi các dòng khách giá rẻ... sẽ chấm dứt.

"Đây là điều tôi nói với những người lao động của mình khi đặt doanh nghiệp vào áp lực phải thay đổi để cạnh tranh, buộc người lao động cũng phải thay đổi, cải thiện năng suất, hiệu quả làm việc", ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Gỗ Trường Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể có nguồn lực, nhất là vốn, để thực hiện chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động dù nhận diện được vấn đề.

Trong báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thực trạng và giải pháp mà Tổng cục Thống kê vừa phát hành giữa tháng 2/2023, thiếu vốn tiếp tục được ghi nhận là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp, dẫn đến không có khả năng nhập công nghệ hiện đại và đổi mới thiết bị cũng như đầu tư lớn để cải tiến công nghệ và áp dụng công nghệ số.

Vì vậy, trong báo cáo này, khuyến nghị được đưa ra là cần có những giải pháp để hoàn thiện hệ thống tài chính, thị trường vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn để có thể vay vốn, đầu tư nhập khẩu công nghệ.

Cụ thể, minh bạch hóa các quy định liên quan cấp tín dụng gồm điều kiện, thủ tục và quy trình cấp tín dụng; thực hiện chính sách lãi suất hợp lý; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua việc chấp nhận sử dụng tài sản vô hình và nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp để bảo đảm cho các khoản vay...

Nhưng ở góc độ chuyên gia, ông Cung tìm kiếm giải pháp mang tính dài hạn, trong bối cảnh tối ưu các nguồn lực phát triển, gắn tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.

"Nếu TP Hồ Chí Minh và khu vực trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam vẫn dành đất cho các nhà máy dệt may, da giày... thì kể cả có lo đủ lao động cho các doanh nghiệp, cũng không thể cải thiện năng suất lao động. Song điều tôi băn khoăn là các kế hoạch, khát vọng phát triển khu vực này thành trung tâm tài chính, trung tâm của đổi mới, sáng tạo sẽ thực hiện thế nào khi nguồn lực đất đai, lao động không đạt chuẩn, trong khi nhiều địa phương lại thiếu lao động giản đơn do người dân địa phương đổ về các khu công nghiệp để tìm việc...", ông Cung phân tích.

Nghĩa là, tư duy và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp có lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo lao động..., phải bám theo nhu cầu, mô hình phát triển của địa phương. Khi đó, các doanh nghiệp, dự án thâm dụng lao động sẽ phải chuyển dịch ra ngoài, nhường chỗ cho các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ở các địa phương đang có lao động trở về sau dịch, các doanh nghiệp tạo được nhiều việc làm là đối tượng cần địa phương hỗ trợ, một mặt giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, mặt khác tạo môi trường thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp mới hoặc nhận các doanh nghiệp chuyển dịch tới.

Khi đó, chuyển dịch cơ cấu lao động từng bước phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đây cũng là quá trình đóng vai trò quan trọng vào tăng năng suất lao động của nền kinh tế.

Doanh nghiệp chỉ có thể tạo sự đột phá tăng năng suất lao động

khi nhận được sự hậu thuẫn của cơ chế, chính sách và hành động của chính quyền các địa phương.