Độ mở của nền kinh tế

Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00

Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở lớn nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ nguy cơ dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng sức lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia chỉ ra, nhưng trong bối cảnh chung Việt Nam và thế giới hiện nay, điều này càng đòi hỏi một định hướng thích hợp. Có thể thấy, năm 2017, độ mở nền kinh tế Việt Nam mới chỉ ở mức 140%. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế thông qua chỉ số giá kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đã đạt 190%. Với độ mở lớn như vậy, Việt Nam đang trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động bên ngoài.

Vấn đề đặt ra ở đây, bên cạnh nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế, độ mở bao nhiêu sẽ là thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay. Thực tế, trong năm 2023 chúng ta đã có những thành tích nhất định nhưng vẫn đang phải chật vật để vượt qua những khó khăn sau thời kỳ đại dịch. Chưa kể, bối cảnh thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường, xung đột về kinh tế, chính trị, tôn giáo… tại nhiều khu vực và quốc gia dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng bất cứ lúc nào. Nhu cầu phải giữ được tốc độ tăng trưởng cao dường như đi ngược lại mong muốn ổn định trước các tác động bên ngoài.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, thay vì việc tìm ra một con số ấn định trần về độ mở nền kinh tế, chúng ta nên xác định mặt nào làm tốt, mặt nào làm chưa tốt, từ đó có những phương án hợp lý cân bằng lại. Công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã được tiến hành rất tốt nhiều năm qua. Nhưng việc tận dụng hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư và đạt được sự thay đổi về chất vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Trong hầu hết các ngành nghề mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào

Việt Nam, hầu hết đều dừng lại ở công đoạn gia công, giá trị gia tăng nhiều nhất ở mỗi sản phẩm không nằm lại trong nước mà lại chảy ra nước ngoài.

Hành trình gần 40 năm kể từ năm 1987, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, chúng ta đã đi rất xa khỏi điểm xuất phát, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, bộ mặt của đất nước đổi khác hoàn toàn. Đã đến lúc cần có những tính toán thận trọng, cân bằng lại các mục tiêu ưu tiên, tăng cường hơn nữa cho “sức khỏe” nền kinh tế. Trong bối cảnh mới của trong nước và quốc tế, việc đề ra các giải pháp phù hợp để bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng sẽ góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.