Đào tạo gắn với thực tiễn
Trường ĐH Thương mại luôn cập nhật đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn để tiếp cận với nhu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra. Ths Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh cho hay, năm 2025, trường phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, nhằm trang bị cho sinh viên khi ra trường vừa có kỹ năng chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ, tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, trường dự kiến có thêm 2 chương trình song bằng quốc tế Marketing và Quản trị kinh doanh, 1 chương trình chuyển giao công nghệ tiên tiến.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng vừa ra mắt chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù Kỹ thuật ô-tô số (Digital Automotive Engineering) đầu tiên tại Việt Nam. TS Ngô Lam Trung, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cho hay, chương trình đào tạo Kỹ thuật ô-tô số được thiết kế nhằm cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam và khu vực những kỹ sư có năng lực vượt trội trong hai lĩnh vực chính: Phát triển phần mềm ô-tô và thiết kế, mô phỏng, kiểm thử cơ khí ô-tô, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực mới - tương lai của ngành công nghiệp ô-tô số.
Chương trình đào tạo sau đại học hệ kỹ sư (1,5 năm) chuyên ngành Kỹ thuật ô-tô số, hướng tới đào tạo chuyên sâu liên ngành về Digital Automotive Engineering. Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân các ngành phù hợp như Kỹ thuật ô-tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô-tô, Kỹ thuật cơ khí điện lực... đều có thể đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, chương trình mở rộng cho cử nhân từ các trường đại học khác, với điều kiện đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đầu vào.
PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các lĩnh vực công nghệ mới và công nghệ tương lai, luôn là ưu tiên hàng đầu của đơn vị. Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành những đại sứ tiêu biểu, khẳng định thành công cho định hướng phát triển của nhà trường. “Chúng tôi tự hào cung cấp cho thị trường lao động những chuyên gia giỏi, nhiệt huyết nhất, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực, từ Thái Lan đến Malaysia”, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Tương tự, theo thông báo của ĐH Kinh tế quốc dân, năm 2025, đơn vị dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo. Trong đó có 2 chương trình mới là Quan hệ lao động và Luật Thương mại quốc tế.
Trường đại học FPT dự kiến mở chuyên ngành đang khát nhân lực, có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật Kinh tế, Luật Thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.
Thông tin về kế hoạch đào tạo năm 2025, PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong năm 2025, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước như: Năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân), logistics mới (phục vụ vận hành metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc)…”. Năm nay, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ có thêm một số liên ngành mới như: Công nghệ giáo dục, kinh tế đất đai, công nghệ nông nghiệp số, kinh doanh nông nghiệp số, công nghệ y - dược.
Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến tuyển sinh thêm 2 chương trình mới trong năm 2025 gồm: Phân tích dữ liệu và quản trị doanh nghiệp bền vững.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở thêm 6 ngành đào tạo mới trong năm nay: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); công nghệ tài chính; quản trị kinh doanh; vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện).
Trường ĐH Cần Thơ cũng dự kiến mở 7 ngành mới trong năm 2025: Bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; trí tuệ nhân tạo; thú y (chất lượng cao); mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chất lượng cao); tâm lý giáo dục; thương mại điện tử; luật dân sự và tố tụng dân sự.
Phải lựa chọn các lĩnh vực công nghệ chiến lược
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mở ngành/chương trình đào tạo mới đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực là xu thế tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học. Bởi trong xã hội hiện đại và vận động không ngừng, xu hướng ngành, nghề ngày càng phát triển đa dạng, phong phú và có thể dịch chuyển để phù hợp thực tiễn. Do đó, cơ sở đào tạo phải đổi mới, sáng tạo; thậm chí “đi trước, đón đầu” xu thế.
Qua quan sát, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận thấy, năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục ĐH mở ngành/chương trình mới. Trong đó chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính, đô thị, giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng mới và lĩnh vực công nghiệp chiến lược nền tảng như: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học…
Đơn cử như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này rất lớn nhưng số lượng đào tạo còn hạn chế. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động và tích cực đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo nhân lực AI theo các hình thức như: Đào tạo một ngành học mới hay tích hợp nội dung AI vào các ngành có sẵn; mở ngành đào tạo ở bậc sau ĐH…
Thực tế cho thấy, bất cứ lĩnh vực công nghiệp hay công nghệ nào đều có nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực. Vì thế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc đầu tiên là phải lựa chọn những lĩnh vực công nghệ để ưu tiên phát triển, không nên dàn trải. Chúng ta cũng không đủ tiềm lực và không thể cạnh tranh với thế giới trong tất cả lĩnh vực. Do đó, phải lựa chọn các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Bên cạnh đó, đã là nguồn nhân lực thì rất đa dạng, từ trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau ĐH; do đó, chúng ta phải chọn những ngành đào tạo nào cốt yếu để tập trung đầu tư. Ngoài ra, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là để phục vụ phát triển công nghệ cao.
Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh với những ngành công nghệ cao - công nghệ chiến lược. Do đó, xu hướng các trường ĐH tập trung vào một số nhóm ngành khoa học kỹ thuật công nghệ là điều dễ hiểu. Việc lựa chọn ngành, nhóm ngành trọng điểm phát triển sẽ không quá phụ thuộc vào biến động của thị trường. Thứ trưởng gợi mở, chúng ta cần tập trung vào đào tạo cốt lõi, mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực STEM; trong đó đội ngũ nhân lực tài năng. Nghĩa là, chúng ta đào tạo rộng và đào tạo lực lượng nòng cốt là nhân tài. Như vậy sẽ ít rủi ro và ít phụ thuộc vào sự biến động của thị trường nhân lực công nghệ cao.
Thực tế, các cơ sở giáo dục ĐH mở thêm ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều em thí sinh lo lắng do chưa đủ khả năng nắm bắt cơ hội để lựa chọn ngành học phù hợp.
Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới khi xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực rất lớn. Nhiều ngành nghề phải kết hợp với công nghệ để tồn tại và phát triển. Mặt khác, hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của xã hội hiện đại. Hầu hết các ngành nghề đều cần sự hợp tác quốc tế để có sự phát triển bền vững. Từ những phân tích điển hình trên, thí sinh có thể lập danh sách các ngành học liên quan, tìm hiểu và đưa ra quyết định cho tương lai.
“Bên cạnh việc xác định năng lực để chọn ngành, chọn nghề phù hợp, thí sinh cần khai phóng chính bản thân mình. Nếu chỉ nằm trong vùng an toàn thì không thể tìm ra những điểm mạnh và giới hạn của bản thân. Phải bứt phá, vượt qua khả năng của chính mình mới có thể tồn tại và phát triển trong tương lai”, TS Trần Khắc Thạc lưu ý thí sinh.