Họa sĩ Hồ Hưng:

Đi để thấm và vẽ được vẻ đẹp xứ sở

Chuyến xe chở nhóm họa sĩ mầu nước từ TP Hồ Chí Minh ra bắc, ghé qua những địa chỉ quen mà lạ ở Quảng Ngãi, Huế (Thừa Thiên Huế), Nghệ An, ngược lên Tây Bắc rồi xuôi Thủ đô Hà Nội đã đem tới cho mỗi cá nhân thật nhiều trải nghiệm đặc biệt. Người khởi xướng, họa sĩ Hồ Hưng, trò chuyện cùng chúng tôi về hành trình đáng nhớ này.
0:00 / 0:00
0:00
Các họa sĩ vui cùng bà con Hang Táu sau một ngày trực họa. Ảnh: NVCC
Các họa sĩ vui cùng bà con Hang Táu sau một ngày trực họa. Ảnh: NVCC

Càng đi càng thấy quê hương luôn mới

- Có thể coi chuyến đi lần này của các anh là chuyến "xông đất" miền bắc của nhóm họa sĩ miền nam được chứ nhỉ? Mọi sự bắt đầu như thế nào, thưa anh?

- Đối với một người chuyên vẽ mầu nước như chúng tôi, việc luyện kỹ thuật hằng ngày là rất quan trọng, bởi chất liệu này có những đặc thù khác với các chất liệu hội họa khác, không dễ biến báo, khỏa lấp trình độ kỹ thuật bằng việc tạo chất bề mặt hay nội dung câu chuyện của bức tranh. Và không gì tốt hơn bằng việc luyện tay, luyện mắt thông qua trực họa. Chúng tôi đi với nhau nhiều nhưng với các chuyến đi xa hàng trăm cây số, thường là đi xe khách. Năm nay, một bạn trong nhóm có xe riêng và thế là chúng tôi quyết định xuyên Việt cùng nhau. Nhóm ban đầu có năm thành viên, sau hai bạn phải về lại TP Hồ Chí Minh trước vì công việc, chỉ còn ba người rong ruổi đến cuối hành trình. Tùy duyên, chúng tôi dừng ở những nơi thuận cho việc nghỉ lại và dựng giá vẽ, như có anh em bạn hữu hậu thuẫn hay gắn liền với ký ức, cuộc sống cá nhân của mỗi thành viên để có sự kết nối cảm xúc, cảm hứng. Như ở Quảng Ngãi là quê của một vài thành viên, Huế là nơi tôi từng theo học đại học mỹ thuật,...

- Thường, ai đó sẽ nghĩ: nếu chỉ để luyện kỹ thuật hay trực họa thì có lẽ, không nhất thiết phải đi xa, đi lâu và tốn kém kinh phí đến vậy?

- Vâng, đúng vậy. Nhất là hiện nay, phương tiện kỹ thuật cung cấp hình ảnh nhiều và đẹp vô cùng, ngồi nhà cũng có thể "trực họa" theo một cách nào đó. Nhưng tất cả dù có tiện nghi đến đâu cũng không thể nào bằng việc ta được thật sự cảm nhận cái không gian, không khí, thời tiết, âm thanh cuộc sống, trạng thái rộn ràng hay bình yên của nơi ta đến. Chỉ có thể đi tới đó, ở trong đó mới có thể cảm nhận được và cảm nhận rõ ràng hơn hết vẻ đẹp xứ sở và tâm hồn đồng bào mình - điều mà không từ ngữ nào có thể tả được đủ đầy.

Hai ngày ở Hang Táu (Mộc Châu, Sơn La), khi khách du lịch rút đi hết, ánh nắng chiều dần tắt, trong thung lũng thanh bình ấy, chỉ còn tiếng gió thổi, tiếng vật nuôi và chim chóc chứ không có bất cứ một thanh âm nào khác mang dấu vết của cuộc sống tiện nghi phố phường... Chúng tôi thật sự cảm thấy tâm trí, đầu óc mình được thanh lọc, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, nằm dài trong gió trên mỏm đá...

Gần như không còn địa phương, địa danh nào ở Việt Nam mà tôi chưa từng đặt chân. Nhưng, quả thật, một nơi như Hang Táu - thung lũng xanh mướt lọt giữa các triền núi đá, nơi chưa có điện và sóng điện thoại, đã đem tới cho cá nhân tôi và bạn đồng hành những xúc cảm hoàn toàn mới mẻ. Có ngày mà chẳng ai màng chuyện ăn uống, mỗi người một góc mải mê vẽ, đến tối, mãi 18 giờ 15 phút mới tìm lại nhau để cùng về...

Đi để thấm và vẽ được vẻ đẹp xứ sở ảnh 1

Họa sĩ Hồ Hưng

Mong muốn thúc đẩy tính chuyên nghiệp

- Hẳn những ký ức ấy không chỉ đơn thuần là ký ức mà gợi nhắc anh thêm những ý tưởng mới, tôi đoán vậy.

- Tôi ước gì đất nước mình luôn giữ được nhiều nhất có thể những cảnh đẹp ban sơ ấy vì đó là linh hồn của xứ sở, của quê hương Việt Nam mình. Chúng ta có thể phát triển kinh tế, du lịch nhưng đừng đánh mất đi vẻ đẹp riêng có của từng nơi chốn. Chuyến đi này để lại trong tôi nhiều cảm xúc đặc biệt, khác với tất cả các chuyến đi trước và chắc chắn, là tiền đề cho một vài tác phẩm tốt về đất nước mình.

- Nhưng thường ở nước mình, một tác phẩm hội họa được cho là có tầm vóc thường gắn liền với một số chất liệu như sơn dầu, sơn mài, cùng lắm là lụa, còn mầu nước vẫn được coi là chất liệu cho các sơ phác thảo ban đầu, ký họa, trực họa. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi biết đó là một định kiến và cá nhân tôi rất nỗ lực trong sáng tác mầu nước chuyên nghiệp để góp phần xóa bỏ định kiến ấy. Chất liệu chỉ là phương tiện, còn tầm vóc của sáng tác hoàn toàn bởi tư duy nội dung và tài nghệ biểu đạt của họa sĩ. Chất liệu mầu nước có đặc thù là độ loang, mỏng, không dập xóa, phủ được như sơn dầu, acrylic hay thêm sơn và thêm lớp mài như sơn mài, lại phải "đi" từ mầu sáng đến mầu trung tính rồi mầu tối chứ khó có thể ngược lại hay dễ xoay trở như các chất liệu khác. Vì vậy, để khắc chế được nó, làm chủ được nó, họa sĩ mầu nước không có cách nào khác là phải sử dụng vật liệu chuyên nghiệp và rèn luyện kỹ thuật hằng ngày.

- Việc sử dụng vật liệu chuyên nghiệp làm gia tăng chi phí sáng tác trong khi việc bán tác phẩm, sống bằng tác phẩm hội họa ở Việt Nam nhìn chung cũng chưa phải dễ dàng. Anh và các đồng nghiệp chuyên chú với chất liệu mầu nước đã làm gì để vượt qua thực tế này và đầu tư tốt cho sáng tác?

- Từ năm 2013, tôi dừng công việc cho một công ty sản xuất phim hoạt hình của Nhật Bản, dù có vị trí và thu nhập tốt để toàn tâm toàn ý với công việc sáng tác của cá nhân. Trên thế giới có những tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, họa sĩ chuyên nghiệp về chất liệu mầu nước nên tôi rất mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác này ở nước mình, đặc biệt là trong thế hệ các đồng nghiệp trẻ. Tôi đăng ký làm thành viên chi nhánh tại Việt Nam của Hiệp hội Mầu nước quốc tế (International Watercolor Society Vietnam-IWS Vietnam) và năm 2015, chúng tôi cùng nhau tham gia tổ chức Triển lãm Tranh mầu nước quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều thành viên IWS, đến từ khắp các châu lục. Từ đó, sự kiện được tổ chức định kỳ tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, đã có những nhà sưu tập Việt Nam mua tranh của họa sĩ quốc tế tham gia triển lãm, khiến họ rất vui, góp phần khuyến khích chúng tôi tiếp tục đóng góp sức mình cho một môi trường làm nghề chuyên nghiệp hơn.

Nhiều năm trước, khi mới chỉ có rất ít họa sĩ trong nước xác định theo đuổi chất liệu này một cách chuyên nghiệp, tôi đã từng trao đổi với một số cửa hàng bán họa phẩm là hãy nhập thêm số lượng sản phẩm dành cho họa sĩ mầu nước chuyên nghiệp, tôi sẽ làm video clip đánh giá chất lượng từng món đồ, hoàn toàn công tâm và miễn phí, để khuyến khích đồng nghiệp trẻ làm quen với việc sử dụng chất liệu tiêu chuẩn quốc tế.

Khi phong trào vẽ tranh mầu nước được khuấy động theo hướng chuyên nghiệp hơn, chúng tôi tiếp tục nhận được hậu thuẫn từ Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, bảo trợ cho Câu lạc bộ Mầu nước Sài Gòn ra đời năm 2017, mỗi năm, Hội hỗ trợ cho Câu lạc bộ một chuyến đi thực tế sáng tác với ít nhất khoảng 20 thành viên, bên cạnh việc tổ chức triển lãm và trao giải thưởng. Tôi được biết là Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đang quan tâm đến những hoạt động chuyên ngành mầu nước và đang tính tới thành lập một nhóm/câu lạc bộ mầu nước trực thuộc Hội.

- Trở lại với chuyến đi trực họa xuyên Việt lần này, đó có phải là chuyến đi xuyên Việt đầu tiên của anh cùng các họa sĩ mầu nước đồng nghiệp nên nó mới để lại trong cá nhân anh nhiều cảm xúc đặc biệt?

- Hang Táu đẹp ban sơ làm tôi rất cảm động, làng cổ Đường Lâm, làng Cựu, nhiều góc phố cổ Hà Nội là những kết nối với quá khứ, những vệt rêu phong lưu bao dấu tích thời gian... Cảm nhận được cái đẹp của quê hương mình, được đứng trong đó hít hà khiến tôi nhớ lại những tháng ngày lang bạt qua hơn 10 nước châu Âu (năm 2012-2013), và hai năm tu nghiệp về vẽ phối cảnh tranh mầu nước cho phim hoạt hình ở Nhật Bản (2006-2007), đối diện với nỗi cô độc... Tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết: Không đâu như quê hương mình, như đất trời xứ sở của mình và tôi sẽ cố gắng vẽ nhiều, vẽ tốt hơn nữa.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ấm áp!


Họa sĩ Hồ Hưng hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mầu nước Sài Gòn, trực thuộc Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, quy tụ hơn 100 họa sĩ xác định đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp với chất liệu mầu nước, trong đó có 40 họa sĩ nòng cốt.

Anh từng giành giải ba-Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020; giải nhì-Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2021, giải nhất-Giải thưởng Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2022.