Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật

Lời tòa soạn - Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Nhân Dân cuối tuần tổ chức chuyên đề về quyền được tham gia của trẻ em đối với những vấn đề được quan tâm hiện nay. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả một số bài viết từ những học sinh tham gia Dự án "Phóng viên nhí kể chuyện năng lượng". Đây là dự án do nhóm Chiếc lá kể chuyện thực hiện, được vận hành với sự bảo trợ của Quỹ Sáng kiến Green Youth Labs cùng sự hỗ trợ từ một số cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước… Hiện có 120 học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 ở mọi miền Tổ quốc được dự án tuyển chọn và đào tạo những kiến thức, kỹ năng viết, vẽ, truyền thông về vấn đề năng lượng… Mục tiêu hướng đến của dự án là tạo ra đội ngũ phóng viên nhí nòng cốt từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của trẻ em nhằm giúp bảo vệ ngôi nhà Trái đất từ những hành động thiết thực trong tiết kiệm năng lượng.
Ảnh: Đăng Khoa
Ảnh: Đăng Khoa

Tiết kiệm điện vì thế hệ tương lai

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 1

Minh họa: Hồng Ánh

Phỏng vấn nhanh học sinh ở các miền khác nhau của đất nước về thời tiết mùa hè, nhóm phóng viên nhí đều nhận được các câu trả lời gần giống nhau. Các bạn đều cảm thấy nóng hơn, khắc nghiệt hơn. Bạn Nguyễn Bảo Khánh, đang học lớp 6, Trường THCS Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Mình cảm thấy mùa hè năm nay nóng lên, chỗ mình còn có nhiều lúc bị mất điện, mất nước nữa!".

Mọi người dù già hay trẻ cũng thở than. Những bác làm nông thì kêu thiếu nước để cấy cày. Nhiều bạn nhỏ chỉ cần chạy nhảy chút là áo đã ướt đẫm mồ hôi, đi học về dưới cái nắng gắt thì bị say nắng. Ở thành phố, có tình trạng không ít bạn học sinh trốn vào phòng có điều hòa bất kể thời gian...

Tại xóm Yên Bình (Nghệ An), sau khi nhận những ý kiến đóng góp, kêu than của người dân về thường xuyên mất điện ở địa phương, bác Nguyễn Văn Minh - xóm trưởng - đã mở một cuộc họp tại nhà văn hóa xóm. Bác mở đầu buổi họp bằng việc lý giải nguyên nhân mất điện. Đó là do lượng điện sử dụng đang bị quá tải trong mùa hè. "Muốn có nguồn điện dùng ổn định, mỗi hộ gia đình cần phải cố gắng tiết kiệm, không thể dùng vô tội vạ vì nghĩ rằng năng lượng điện là vô hạn. Sử dụng lãng phí không những tốn tiền điện mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu, Trái đất sẽ ngày càng nóng lên. Nó sẽ là một vòng luẩn quẩn, càng nóng lại càng dùng nhiều điện, càng dùng nhiều điện, Trái đất lại càng nóng… Người dân xóm ta phải có ý thức, chung tay đoàn kết vì chính cuộc sống của mình trước", bác Minh nói.

Sau phần trình bày của bác Minh, người dân trong xóm cùng bàn nhau về những cách tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý hơn. Đây cũng là cách để góp phần bảo vệ môi trường. Xóm Yên Bình cũng nhất trí, sẽ cùng nhau hưởng ứng Giờ Trái đất được tổ chức hằng năm. Câu chuyện của xóm nhỏ ở Nghệ An này có thể mở rộng ra ở nhiều vùng, miền khác nữa. Vì ở đâu, người dân cũng có thể tận dụng các cách để sử dụng điện hợp lý, tránh lãng phí, tốt cho mình và tốt cho Trái đất này.

Nhiệm vụ của những người đang sống ở thời đại chúng ta không chỉ là tiếp quản mà còn phải duy trì một tương lai tốt đẹp cho mai sau. Nếu muốn thế hệ tương lai được sinh sống khỏe mạnh và phát triển tốt, chúng ta cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện ngay từ bây giờ.

Vĩnh Thụy (Lớp 6, Trường THCS Võ Thị Sáu, Cà Mau); Hồng Ánh (Lớp 7, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)

Chàng trai thích tìm hiểu về năng lượng

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 2

Minh họa: Gia Hân

Trong nhóm phóng viên nhí đang sinh hoạt, tôi rất ấn tượng với sở thích và những kiến thức trong lĩnh vực năng lượng của anh Trần Ngọc Vĩnh Thụy, học sinh lớp 6, Trường THCS Võ Thị Sáu, Tỉnh Cà Mau. Anh có chia sẻ rằng ai cũng nên tìm hiểu về năng lượng càng sớm càng tốt vì không chỉ để lấy kiến thức mà còn hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống.

- Anh ơi, từ khi nào anh nhận thấy mình có sở thích tìm hiểu về năng lượng?

- Mình bắt đầu tìm hiểu về năng lượng từ năm lớp 4. Đó là hôm mình được học một bài học mà ở cuối bài có hai câu hỏi: "Vì sao chúng ta chạy được?" và "Vì sao chúng ta thấy mệt?". Mình bỗng muốn tìm câu trả lời. Khi về nhà, mình đã xin phép mẹ mượn máy tính, điện thoại để tìm hiểu. Mình thấy có rất nhiều nguồn thông tin giải thích về những vấn đề mình cần, mỗi nơi đều có những lý giải khác nhau. Mình cứ đọc mãi vì càng đọc càng muốn biết nhiều hơn.

- Kiến thức về năng lượng đã giúp ích cho anh như thế nào trong học tập và cuộc sống?

- Do có tìm hiểu về năng lượng từ trước nên khi lên lớp 5 và lớp 6, mình đã có thể tiếp nhận những kiến thức liên quan tới năng lượng trong chương trình học một cách dễ dàng hơn. Thí dụ như trong môn Hóa học lớp 6, mình có thể nhanh chóng nhận biết những loại năng lượng cơ bản và cách nhận ra chúng ở dạng nào… Còn trong cuộc sống, mỗi khi có ai hỏi về vấn đề năng lượng, mình cũng dễ dàng trả lời được. Mình quan sát chung quanh, tự tìm cách lý giải cho các hiện tượng, có vô số điều thú vị và thấy vui hơn.

- Anh thích nhất là nguồn năng lượng nào, vì sao?

- Đó là nguồn năng lượng mặt trời vì vừa sạch, lại có thể giảm chi phí cho sản xuất điện. Không những thế, năng lượng mặt trời còn vô hạn. Mình có thể sử dụng trực tiếp trong sinh hoạt như phơi khô thóc lúa, làm muối, làm khô áo quần, giúp cây cối tươi tốt… Hoặc cũng có thể sử dụng dưới dạng điện năng. Ông bà ngoại mình thường sử dụng năng lượng mặt trời cho các thiết bị điện ở gia đình.

- Anh có kỷ niệm nào vui khi tìm hiểu về năng lượng không?

- Có một thí nghiệm mà mình đã làm đi làm lại rất nhiều lần vì thấy vui. Đó là chế tạo tên lửa bằng cồn khô. Nhưng phải lưu ý là khi làm thí nghiệm gì cũng phải tìm hiểu thật kỹ. Vì nếu không bảo đảm số liệu kỹ thuật, sẽ có nhiều sự cố xảy ra. Thí dụ, trong thí nghiệm này, không tính toán kỹ thì năng lượng nhiệt tạo ra mạnh, cồn sẽ bị văng ra và đốt cháy tay mình…

- Thích tìm hiểu về năng lượng, vậy ước mơ của anh có liên quan đến lĩnh vực này không?

- Ước mơ của mình là có thể làm trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giống như ba của mình. Mình không biết tên vị trí công việc là gì nhưng nó sẽ không liên quan đến lĩnh vực năng lượng nhiều mà tập trung vào những hoạt động nghiên cứu liên quan đến hóa năng, thí dụ cần lấy chất này để tạo ra những chất khác phục vụ cho nhà máy.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ! Chúc cho anh sẽ tiếp tục tìm hiểu được nhiều kiến thức về năng lượng và thực hiện được ước mơ của mình.

Gia Hân (Lớp 4, Trường tiểu học Chu Văn An, TP Hồ Chí Minh); Thảo Ngọc (Lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thái Hà (Lớp 9, Trường Edison, Hà Nội)

Một buổi tối mất điện

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 3

Minh họa: Cao Ngọc Nhã Uyên

Giữa muôn ngàn ánh đèn lung linh với những tiếng cười, tiếng nói rộn ràng, với những bước chân tấp nập của bao người qua lại, tiếng nhạc vang lên khắp nơi, thành phố như một bức tranh sống động. Khung cảnh này trái ngược hoàn toàn ngày thành phố mất điện.

Đó là một buổi chiều hè muộn, khi mặt trời chỉ còn là những tia sáng yếu ớt hắt lên những vạt mây, bố mẹ tôi đã trở về sau một buổi làm việc vất vả, chị em tôi thì đang say mê với những cuốn sách của mình. Bỗng nhiên, đèn vụt tắt! Cả khu phố tĩnh lặng, không còn tiếng máy móc của nhà bác làm đá đầu ngõ, không còn tiếng luyện đàn du dương của em bé hàng xóm, nồi cơm mẹ đang nấu dở cũng chưa kịp chín, chúng tôi cũng không còn điện sáng để đọc sách nữa. Dường như mọi thứ chung quanh đều bị ngưng lại khi không có điện, từ sản xuất, kinh doanh đến cuộc sống thường ngày như của gia đình tôi.

Trong khi một vài gia đình đã đưa nhau đi ăn quán thì mẹ tôi vẫn bình tĩnh chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Mẹ vừa nấu, vừa bảo tôi: "Điện đúng là một phần thiết yếu, không có điện chúng ta thật khó để sinh hoạt hay làm việc, con nhỉ?". Mẹ phải thổi cơm bằng bếp ga, nấu ăn trong bóng tối. Mẹ kể ngày xưa, những năm tháng tuổi thơ, khi làng quê còn nghèo khó, mẹ phải nấu cơm bằng bếp rơm. Làng quê ngày ấy thường xuyên mất điện nên mẹ đã quen với cuộc sống cùng ông bà trong bóng tối và biết sử dụng những năng lượng tự nhiên như rơm, củi, vỏ trấu để nấu. Loáng một cái, gia đình tôi đã chuẩn bị xong bữa tối. Cả nhà tôi quây quần bên nhau trong ánh nến dịu nhẹ, nhỏ mà ấm cúng với bữa ăn giản dị từ bàn tay của mẹ. Ngoài hiên nhà, trăng đã nhô lên từ khi nào, ánh trăng bàng bạc như chảy khắp xóm ngõ, ánh sáng ngập tràn qua từng cành cây, kẽ lá. Trong lúc chờ có điện trở lại, cả nhà tôi cùng ngồi bên nhau đợi trăng lên và cùng kể chuyện vui đã trải qua trong ngày. Bố mẹ cho chúng tôi một vé cùng về tuổi thơ của bố mẹ khi được nghe kể về những bữa cơm không ánh điện, chỉ có ánh trăng trước sân nhà. Những đêm hè, bố mẹ và các bạn tụ họp khắp xóm, chơi vui đủ trò. Rồi bố mẹ cũng kể rằng, bây giờ vẫn còn rất nhiều nơi không có đủ điện để dùng, nhiều gia đình thường xuyên sống trong bóng tối như chúng tôi lúc này.

Tôi hiểu rằng điện thật sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, điện chính là nguồn năng lượng không thể thiếu, cung cấp sức mạnh cho thiết bị, máy móc và hoạt động sản xuất hằng ngày. Nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại, mang lại sự tiện lợi và đáp ứng nhu cầu của con người. Nhưng đôi khi chúng ta cứ thản nhiên sử dụng mà quên mất rằng điện không phải là năng lượng vô hạn, không để ý đến những người đang thiếu thốn nguồn điện. Buổi tối mất điện giúp tôi nhận ra nhiều bài học. Khi sử dụng điện, tôi sẽ tắt các thiết bị điện khi không dùng đến, đo lường và giảm sử dụng điện, tận dụng ánh sáng tự nhiên nhiều hơn… Tôi mong những bản làng xa xôi vẫn bừng sáng ánh điện khi màn đêm buông xuống và bên cửa sổ, tối tối sẽ ê a tiếng đọc bài của các bạn nhỏ vùng cao mà không bị ngắt quãng vì thiếu điện.

Cao Ngọc Nhã Uyên (Lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Quý Đức, Hà Nội)

Ba sáng kiến thú vị về năng lượng

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 4

Minh họa: Bảo Ngọc

Thế giới liên tục phát triển và con người dần tìm ra nhiều giải pháp sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tiến hành tìm ra những giải pháp năng lượng có khả năng tái tạo để thay thế các nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm.

Kính pin mặt trời

Một nhóm nhà khoa học tại Ulsan National Institute of Science and Technology (Hàn Quốc) - UNIST, đứng đầu là Kwanyong Seo đã sáng chế ra những tấm kính pin mặt trời vô cùng sáng tạo. Những nhà khoa học Hàn Quốc tin rằng, những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ còn mở ra những đột phá trong lĩnh vực ứng dụng khoa học của nhân loại. Bằng cách đục lỗ theo chiều ngang trên những tấm kính, các nhà khoa học đã tìm ra cách để biến những tấm kính thành một tấm lưới trong suốt có những lỗ đục vừa đủ to để ánh sáng lọt qua. Với ý tưởng này, các nhà khoa học đang hướng tới việc tăng hiệu quả của tấm kính pin mặt trời này lên tới 15%, một sự vượt bậc khó tin.

Mái ngói pin mặt trời

Công ty Dyaqua (Italy) đã vượt qua lệnh cấm pin mặt trời trong những công trình kiến trúc lịch sử của Italy để hướng tới một giải pháp vừa không làm mất thẩm mỹ, vừa hướng tới một dạng năng lượng xanh. Họ đã chế tạo ra "mái ngói pin mặt trời". Ánh sáng tiếp xúc với bề mặt của những miếng ngói để truyền năng lượng vào những chiếc pin mặt trời được ẩn sâu bên trong. Từ đây, các nhà khoa học của Công ty Dyaqua thu thập ánh sáng mặt trời để tạo thành năng lượng điện. Tuy hiệu suất điện năng bị hạn chế bởi hình dạng và thiết kế của tấm ngói nhưng khá nhiều dự án trùng tu di tích lịch sử châu Âu chọn áp dụng loại mái ngói này.

Pin biết "thở"

Phát minh pin biết "thở" của Công ty Form Energy (Mỹ) có thể là một trong những sáng chế nổi bật nhất. Những cục pin lithium (một loại pin sạc) bình thường sau một thời gian sẽ bị gỉ, quá trình chuyển hóa điện bị hao phí dần. Tuy nhiên, những cục pin của Công ty Form Energy thì khác. Các cục pin "hít" oxy vào, cố tình khiến sắt bị gỉ và sinh ra năng lượng (electron). Sau khi các bộ máy thu hoạch năng lượng xong, các cục pin lọc phân tử oxy khỏi sắt - còn được gọi là "thở ra" - để quay ngược dòng quá trình sắt bị gỉ, và bắt đầu lại từ đầu. Những cục pin này có thời gian hoạt động lâu hơn, 100 giờ đồng hồ và bằng khoảng bốn ngày liên tiếp - thời gian chịu đựng lâu hơn pin lithium bình thường.

Ngoài ba sáng kiến khoa học thú vị mang tới giải pháp về năng lượng xanh được nhắc đến ở trên, bạn còn biết thêm những sáng kiến nào khác nữa không?

Bảo Ngọc (Lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh)

Ðèn chạy bằng nước mặn

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 5

Minh họa: Bảo Khánh

Là một người rất quan tâm đến môi trường và những phát minh xanh, em đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về nó. Trong đó, phát minh em thích nhất là đèn chạy bằng nước mặn.

Ở đất liền, việc sử dụng điện rất phổ biến nhưng có những vùng đảo xa xôi, người ta hầu như không có điện để sử dụng và vì vậy mọi việc diễn ra vào buổi tối rất khó khăn. Mong muốn giải quyết vấn đề này, Aisa Mijeno - một người dân Philippines và một nhóm kỹ thuật viên đã chung tay phát minh ra đèn chạy bằng nước mặn. Phát minh của Aisa rất đơn giản, chỉ cần đổ 500 ml nước mặn từ biển vào đèn vì trong nước mặn có chất điện giải còn trong đèn có chứa đồng và kẽm để điện phân ra điện tích âm, điện tích dương. Nó giống như một cục pin có khả năng tích điện, có thể chiếu sáng đèn và các thiết bị điện khác. Việc tạo ra năng lượng từ nước mặn này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn giúp bảo vệ môi trường. Bình thường, để tạo ra năng lượng điện, chúng ta phải đốt cháy than hoặc dầu mỏ, từ đó tạo ra khói độc CO2 có hại cho môi trường và gây ra biến đổi khí hậu. Vì vậy, nếu đèn năng lượng nước mặn được sử dụng rộng rãi, chúng ta có thể giảm khí thải nhà kính một cách đáng kể.

Phát minh của Aisa đã thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân vùng đảo và những vùng chung quanh. Em mong phát minh đèn nước biển sẽ được nhiều người biết, sử dụng và ngày càng có nhiều phát minh xanh như vậy.

Vũ Ngọc Bảo Hân (Lớp 6, Trường THCS Phan Tây Hồ, Thành phố Hồ Chí Minh)

Một trải nghiệm đặc biệt

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 6

Minh họa: Ánh Dương

Một cuối tuần, mẹ rủ cả nhà tôi đi đến một xưởng gốm rất đặc biệt. Đây là nơi mà cô Cao Thanh Thà sáng tác nghệ thuật và cũng đang thực hiện dự án lớn - làm 1.000 con rùa biển bằng gốm. Mẹ chỉ nói thông tin vậy và muốn chị em tôi tự khám phá thêm khi đến nơi.

Sau hơn 30 phút đi xe, cái nắng gắt của trưa tháng 5 cuối cùng cũng dịu đi khi chúng tôi đặt chân lên một con ngõ nhỏ rất bình yên với dây leo, hoa chung quanh. Ngay khi chúng tôi bước vào, cô Thà đã đón tiếp rất nhiệt tình. Những con rùa ở đây được tạo hình không con nào giống con nào nhưng được cô Thà chia thành ba loại: loại rùa chui ra từ trứng, rùa đã trưởng thành và rùa đột biến như có hai hoặc ba đầu chẳng hạn. Tôi chọn một con rùa vừa chui ra từ trứng để bắt đầu.

Suốt một giờ rưỡi đồng hồ, tôi say mê ngồi tô và nghe cô Thà, các tình nguyện viên chung quanh nói về dự án. "Sau khi những con rùa này được tô xong, cô sẽ mang nó đi nung và tráng men. Cô sẽ tổ chức một triển lãm 1.000 con rùa biển con và một con rùa biển mẹ vào ngày 16/6 - Ngày Rùa biển thế giới. Kết thúc triển lãm, cô muốn gây quỹ để ủng hộ công việc của các nhà bảo tồn rùa biển", cô Thà nói với chúng tôi.

Đến đây, tôi được biết, rùa biển đang rất nguy cấp khi phải đối diện nguy cơ bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và cũng do ô nhiễm môi trường biển. Tỷ lệ sống của rùa biển hiện nay rất thấp chỉ 1:1.000 thôi, nghĩa là nếu có 1.000 quả trứng thì chỉ một chú rùa nở ra có thể sống sót được. Vì khi nước biển nóng lên và ô nhiễm, trứng rùa có thể bị ung, những con rùa nở ra cũng dễ bị đột biến, môi trường sống không bảo đảm… Xưởng của cô Thà ở Hà Nội nhưng có các tình nguyện viên từ khắp mọi miền như các anh chị ở Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)… cũng đến đây giúp sức. Mọi người đều làm việc rất say sưa, nhiệt tình.

Ở đây còn vui nhộn hơn vì có những bảy con vẹt với rất nhiều mầu sắc và có cả những chú chó rất dễ thương nữa. Khi tôi đang cố làm quen với một chú vẹt thì bị chú ta cắn một phát đau điếng. Vậy mà thằng em tôi lại làm thân với con vẹt ấy một cách dễ dàng, em tôi đã cho con vẹt bim bim của nó. Con vẹt cũng chứng minh mình tham ăn, ăn liền mấy miếng bim bim rồi mới bay đi chỗ khác. Nhưng cuối cùng thì cô Thà là người thân với những chú vẹt nhất vì cô đã nuôi chúng mấy năm rồi cơ mà.

Cô Thà gọi tôi là tình nguyện viên làm tôi rất vui. Tôi cảm thấy mình cũng được góp một phần nhỏ bé để chung tay bảo vệ những chú rùa biển. Tôi mong mọi người sẽ tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải để giữ nhiệt độ ổn định cho đại dương - ngôi nhà của những chú rùa biển bình thường nhưng rất kỳ diệu.

Ánh Dương (Lớp 5, Trường tiểu học Kiến Hưng, Hà Nội)

Giải pháp cho rác thải nhựa trong trường học

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 7

Minh họa: Khánh Minh

Trạm Xanh" workshop: "Life your way" hay "Genesis"… với những hoạt động như tái chế nhằm giáo dục ý thức học sinh về tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường là những hoạt động thường niên của Đoàn trường Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp, tỉnh Quảng Bình. Đi đầu trong các hoạt động đó là phong trào thu gom, phân loại, tái chế rác nhằm gây quỹ trao tặng cho các bạn học sinh nghèo vươn lên học giỏi của Chi đoàn lớp 11 Sinh.

Để triển khai phong trào này, các bạn học sinh đã bắt đầu từ việc tạo ra những chiếc thùng rác tái chế từ bìa carton và trang trí chúng một cách sáng tạo, đẹp mắt. Những chiếc thùng rác ấy sẽ được các bạn học sinh đặt ở cuối mỗi lớp học trong trường. Các bạn học sinh hưởng ứng bằng cách bỏ các chai nhựa vào thùng sau khi đã sử dụng. Đến thứ bảy hằng tuần, các bạn học sinh sẽ thu gom lại, sắp xếp đóng gói rồi bán cho các cơ sở thu mua phế liệu để gây quỹ.

Từ góc nhìn của các bạn, việc tái chế thùng rác sẽ mang ý nghĩa trong việc tiết kiệm năng lượng tiêu thụ hơn là sản xuất những chiếc thùng rác nhựa. Ngoài ra, các vỏ chai nhựa, vỏ lon… sau khi được thu gom và bán cho các cơ sở thu gom phế liệu sẽ được đem tới các nhà máy sản xuất và tạo thành những vật liệu mới có thể sử dụng được. Quá trình tái sử dụng này cũng sẽ giúp giảm năng lượng hơn so với quá trình sản xuất mới từ đầu.

Hằng tuần, Chi đoàn lớp 11 Sinh mở ra một buổi sinh hoạt để thảo luận kế hoạch hoạt động với các nội dung: công bố tiền quỹ, đưa ra những ý tưởng, nội dung cần làm và hướng hoạt động trong thời gian tới.

Bạn Nguyễn Thúy Hà - một trong những thành viên nòng cốt của hoạt động chia sẻ: "Những ngày đầu tiên khi phong trào được đưa vào thực tiễn, thùng rác giấy vẫn còn khá xa lạ và nhiều bạn vẫn chưa chấp nhận nó. Nhưng sau một khoảng thời gian tuyên truyền và vận động, thùng rác giấy, phân loại rác dần trở nên quen thuộc, đi vào nếp sống của mỗi lớp học".

Thông qua hoạt động thiết thực này, Chi đoàn 11 Sinh đã tiết kiệm được số tiền hơn 1,5 triệu đồng trao cho ba bạn học sinh vào cuối năm học 2022-2023. Đồng thời, phong trào tạo cơ hội để các bạn học sinh cùng nhau làm việc ý nghĩa, xây dựng tinh thần đoàn kết và hình thành lối sống xanh. Nhờ những hành động nhỏ nhưng kiên trì, Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp đã trở thành một ngôi trường đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Cô Trần Thị Lành, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Sinh cho biết: "Cuối năm 2022, cô cùng hai bạn trong lớp đã tuyên truyền về hoạt động này trong chuyến đi giao lưu ở tỉnh Lào Cai. Tại địa bàn tỉnh, có một số trường ở huyện đã hưởng ứng và đưa phong trào thực hiện tại Liên đội mình".

Khánh Minh (Lớp 10, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình)

Dòng sông đang khóc

Để trẻ em được cất tiếng nói chân thật ảnh 8

Minh họa: Trương Anh Khoa

Nhiều năm về trước, gần như cả nhà họ ngoại nhà tôi đều sống quây quần ở làng Cổ Nhuế (Hà Nội). Ông thường kể cho tôi rằng, con sông trước cửa nhà thời ấy trong xanh lắm, trong đến mức còn nhìn thấy đàn cá bơi nhởn nhơ dưới nước. Hai bên bờ cũng vô cùng sạch đẹp với những hàng cây rậm rạp, xanh rì. Mọi người thường hay xuống đó tắm và chơi đùa trong làn nước trong xanh.

Dần dần, khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người càng không để tâm đến việc gìn giữ những điều tốt đẹp có sẵn quanh mình nữa. Mọi hành động con người làm thường ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại mang đến những hậu quả vô cùng khó tin. Giờ nhìn lại con sông chạy qua làng, thật chẳng thể nhận ra nổi vì ô nhiễm. Con sông ấy giờ thành một cái cống, chảy ra thứ nước đen ngòm, thối hoắc. Nhiều thứ thối rữa trôi nổi lềnh phềnh nhìn thật kinh khủng. Hai bên bờ sông và con dốc chất hàng trăm cân rác thải đủ loại. Hơn nữa, ý thức của người dân cũng vô cùng tệ. Mọi thứ rác thải đều được thẳng tay đổ xuống sông, hàng thùng, hàng xô rác cứ thế mỗi ngày khiến dòng sông trở nên ô nhiễm hơn bao giờ hết.

Con sông ấy hay nhiều con sông ở những ngôi làng, khu phố khác mà tôi biết đều cùng chung số phận nghiệt ngã. Từng là dòng sông giúp “điều hòa tự nhiên”, giữ cho nhiệt độ của xóm làng mát mẻ tự nhiên, là môi trường sống của bao nhiêu loài sinh vật nay chỉ còn là nơi mà mọi người phải bịt mũi khi đi qua.

Gần đây, tôi được biết thành phố Hà Nội đang có dự án làm sạch sông Tô Lịch. Dòng sông ô nhiễm suốt mấy chục năm nay, không biết liệu có thể hồi sinh lại được hay không. Nhưng tôi vẫn chờ mong. Tôi không biết đến bao giờ, những con sông như ở quê ngoại tôi hay những nơi khác mới được đầu tư để làm sạch lại. Nhưng chắc chắn là có những thứ sẽ không bao giờ trở lại như xưa được. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng biện minh cho những hành động vô tâm của mình nữa, bởi ai mà biết được đến lúc nào, ta lại thấy hối hận vì những việc nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn đến vậy. Nếu quanh nơi chúng ta sống, có dòng sông nào, có hàng cây nào, có bãi đất trống nào, có ngọn núi nào… thì cũng hãy gìn giữ và bảo vệ nó. Những sự vật tưởng chừng như vô tri đó lại là những người bạn đang làm đẹp, làm dịu mát cuộc sống của chúng ta!

Trương Anh Khoa (Lớp 6, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)