Để ngành du lịch khởi sắc

Nhìn lại kỳ nghỉ lễ vừa qua, có thể thấy du lịch Việt đã bộc lộ không ít điểm yếu, nhất là ở một số điểm đến nổi tiếng. Để kích cầu du lịch nội địa cho mùa hè này, nếu không sớm thay đổi cách làm, du lịch Việt sẽ rất khó cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Cần sớm thay đổi cách làm để du lịch Việt tăng khả năng cạnh tranh.
Cần sớm thay đổi cách làm để du lịch Việt tăng khả năng cạnh tranh.

Hãy chú ý nhu cầu của khách

Kỳ nghỉ lễ vừa qua dù dài ngày nhưng những người làm du lịch ở Phú Quốc (Kiên Giang) khá hụt hẫng vì không bùng nổ như kỳ vọng. Nhiều khách sạn tại đây dù đã đầu tư trùng tu từ vài tháng trước để thu hút khách du lịch, tuy nhiên sát lễ nhưng phòng vẫn bị bỏ trống do lượng khách giảm đáng kể.

Anh Nguyễn Viết Hải (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, giá vé máy bay đến Phú Quốc dịp lễ vừa rồi khá cao, gần như tương đương đi các nước lân cận như ThaiLand, Lào. Tôi cho rằng, kích cầu du lịch phải liên kết giữa các nhà hàng, khách sạn với các hãng máy bay để biết được giá như thế nào cho phù hợp nhu cầu du khách. Gia đình tôi mua vé đi chặng Hà Nội-Phú Quốc từ đầu tháng 3, đến sát kỳ nghỉ giá vé giảm khiến tôi khá thất vọng, nhưng đã mua rồi thì phải đi thôi. Dẫu vậy, việc bỗng dưng mất cả chục triệu đồng đã làm cho kỳ nghỉ mất vui.

Trên mạng xã hội, không ít người sau khi đi du lịch Phú Quốc về đã chia sẻ nhiều ý kiến không hài lòng, phổ biến là giá cả dịch vụ ăn uống đắt đỏ. “Sáu người ăn hải sản có bốn món, không uống bia mà hóa đơn hơn 3 triệu đồng, giá này cao hơn nơi khác từ hai đến ba lần; mang tiếng ra đảo mà không thấy biển, chỉ thấy nhà cửa, xe cộ, bê-tông dày đặc thì còn gì gọi là du lịch đảo nữa; nơi đây giờ có khác gì đô thị trong đất liền đâu…” là một trong số những ý kiến thu hút nhiều lượt xem, bình luận và chia sẻ. Và hầu hết người đăng status phản ánh chất lượng du lịch giảm sút, giá cả quá cao rồi chốt đại ý “chỉ đi một lần cho biết”.

Trước những thông tin trên, lãnh đạo TP Phú Quốc giải thích rằng, thời gian qua, các ngành chức năng, các doanh nghiệp Phú Quốc đã nhiều lần bàn với các hãng hàng không về giải pháp giảm giá vé, nhưng mọi thứ vẫn chưa như mong muốn. Ngoài ra, giá cả dịch vụ cao hơn nơi khác hai đến ba lần là chưa đúng. Vì để kiểm soát giá cả, tại các xã, phường, điểm tham quan, ăn uống ở Phú Quốc đều có thông tin đường dây nóng để du khách phản ánh nhưng chưa thấy ai gọi phản ánh lần nào (!?).

Một số địa điểm du lịch nổi tiếng thường có tâm lý “mài dao chín tháng, dùng một ngày” khi lượng khách đổ về nhiều. Tuy nhiên, cách làm du lịch kiểu này đến nay đã không còn phù hợp nữa, bởi giờ đây hầu như ở địa phương nào cũng có một vài điểm đến nghỉ dưỡng. Từ vùng cao đến miền biển đều đang được tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Do đó, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn, nên nơi nào không đáp ứng nhu cầu từ nơi ăn, chốn nghỉ đến giá cả, dịch vụ, chất lượng chăm sóc… tất yếu sẽ bị tẩy chay. Thế nên, không chỉ riêng Phú Quốc mà một số địa phương khác muốn chú trọng đầu tư du lịch nhưng lại không chịu nâng cấp chất lượng hoặc lắng nghe ý kiến của khách hàng thì sẽ còn ế ẩm dài dài. Nhất là khi du lịch nước ngoài còn rẻ hơn trong nước thì du lịch nội địa khó mà cạnh tranh nổi.

Cần sự đổi thay

Năm 2023, du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Vào mùa du lịch năm ngoái, Việt Nam chứng kiến mùa hè bùng nổ với lượng khách tăng vọt vào các ngày nghỉ lễ và dịp hè. Nhưng năm nay, ngay từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, cú sốc tăng giá vé máy bay đã khiến ngành du lịch chao đảo, còn các hãng hàng không cũng rơi vào cảnh ế ẩm.

Việc giá vé máy bay thất thường, giá vé tàu cũng tăng, bên cạnh đó giá phòng và dịch vụ ăn uống cũng lợi dụng để “té nước theo mưa” đang khiến ngành du lịch Việt gặp những phản ứng tiêu cực. Đó là chưa kể sản phẩm du lịch ở các địa phương chưa được đầu tư làm mới nên có cảm giác nơi nào cũng giống nơi nào. Đại diện hãng lữ hành Vietluxtour nhìn nhận, ngày nay, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn trước khi sử dụng dịch vụ, nên chỉ cần thấy giá cả tăng là họ có thể hủy luôn chuyến đi. Như vậy, những người làm du lịch phải luôn khắc phục nhược điểm, xốc lại thị trường để đạt mục tiêu đề ra.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, du lịch nội địa mới được chú ý đến nhưng chưa thật sự được tôn trọng do tính chất tự phát và không được điều tiết. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì du lịch nội địa mới bắt đầu “bùng nổ” trở lại. Tuy nhiên, để ngành du lịch thật sự khởi sắc thì trước hết các địa phương phải đưa ra nhiều giải pháp từ việc kiểm soát giá cả, nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như làm mới các sản phẩm du lịch địa phương thì ngành du lịch mới phát triển ổn định và bền vững.