Để mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD là khả thi

Ông Lê Bá Ngọc (trong ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của ông về những việc cần được cải thiện sớm nhất có thể trong lĩnh vực thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng, để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lên mức 30% hằng năm, chạm mốc 10 tỷ USD trong năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Để mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD là khả thi

Hàng gia công vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn

- Vietcraft hiện có 812 thành viên, chiếm khoảng 85% tổng số các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Số lượng thành viên Hiệp hội làm chủ khâu thiết kế sản phẩm thay vì chỉ làm gia công theo mẫu của đối tác là như thế nào, thưa ông?

- Khi mới thành lập năm 2007, chúng tôi có 232 thành viên và phần lớn làm hàng gia công, có lẽ không quá 5% số doanh nghiệp có bộ phận thiết kế sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, đã có khoảng 20% số thành viên có sản phẩm tự thiết kế. Nhưng cũng phải nói rõ là hơn 50% trong số này vẫn dừng lại ở mức độ thiết kế lại (re-design), tức là thiết kế được xây dựng từ việc tham khảo, lấy chi tiết, cảm hứng từ thiết kế khác.

- Những con số rất đáng để suy ngẫm. Ông có thể chia sẻ về khoảng cách trị giá và giá trị giữa sản phẩm theo mẫu tự thiết kế và sản phẩm gia công dẫu cùng là hàng xuất khẩu?

- Có lẽ, các con số sẽ giúp ta hình dung dễ hơn. Thí dụ: sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của khách hàng của khách nước ngoài, đặc biệt của các nhà bán lẻ lớn, chỉ giúp đạt lợi nhuận dưới 10%, do các sản phẩm này được khách hàng hỏi giá toàn cầu, nhiều khi thông qua đấu giá cạnh tranh. Dễ hiểu vì sao doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, bà con làng nghề, thợ thủ công có nhiều việc làm nhưng thu nhập vẫn không cao và cũng dễ hiểu tại sao nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì hoạt động khi các chi phí đầu vào có sự biến động. Trong khi đó, với sản phẩm tự thiết kế, ta có thể có lợi nhuận thường cao đến 50% hoặc hơn. Một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội có bộ phận thiết kế độc lập đã phát triển rất ổn định và tăng trưởng nhanh ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

- Vậy vì sao, không có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho thiết kế mẫu sản phẩm, thưa ông?

- Một câu hỏi lớn! Rất khó khăn, doanh nghiệp cần người làm việc chứ ít có khả năng tự đào tạo nhân lực thiết kế. Có một thực tế đã tồn tại lâu nay, rất khó khăn trong việc tìm được sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các chuyên ngành thiết kế mà có thể làm việc ngay trong lĩnh vực này. Các sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tế và việc đào tạo lại cần rất nhiều thời gian và kinh phí. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp phải thuê nhà thiết kế nước ngoài, mặc dù chi phí thuê cũng không hề rẻ nhưng họ làm việc được luôn và đem lại lợi nhuận. Ngay Vietcraft, khi mới thành lập, chúng tôi cũng thuê các nhà thiết kế người Philippines, Thụy Điển… phát triển các mẫu sản phẩm mới.

Thiết kế là xương sống của sự phát triển

- Thưa ông, bên cạnh nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực nội địa chưa đạt yêu cầu, còn có các nguyên nhân nào khác dẫn đến việc chúng ta chưa chủ động về thiết kế mẫu hàng?

- Thay vì trả lời ngay câu hỏi này, tôi muốn đề cập một đúc rút của các nhà nghiên cứu và thực tiễn ở những quốc gia phát triển tốt về thiết kế là phải có đầy đủ năm trụ cột nền tảng cho hoạt động này: đào tạo hạ tầng cơ sở; các hoạt động hỗ trợ; quảng bá và các chính sách về thiết kế.

Soi chiếu năm trụ cột ấy trong riêng lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Việt Nam, ta có gì? Về lĩnh vực đào tạo, chúng ta có hàng chục trường đại học giảng dạy về thiết kế nhưng thực tế nhân lực cho ngành thiết kế, như tôi chia sẻ lúc trước, là đáng lo ngại; về hạ tầng cơ sở, chúng ta không có những trung tâm thiết kế và tạo mẫu được trang bị đầy đủ tài liệu liên quan xu hướng, các chất liệu mới, thiết bị máy móc luôn thay đổi trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ; về quảng bá sản phẩm, cho đến nay, cả nước chúng ta vẫn chưa có định kỳ chuỗi hoạt động quảng bá sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ, như triển lãm, cuộc thi, tuần lễ dành riêng cho lĩnh vực này ở quy mô quốc gia, vùng, chứ chưa dám nói tới mức quy mô quốc tế…

Hai trụ cột còn lại, có lẽ tôi không nên phân tích thêm mà lấy thí dụ thực tiễn: Hà Nội có 1.350 làng có nghề thủ công truyền thống, không có một thủ đô nào trên thế giới lại được hưởng may mắn này. Nếu chỉ cần chú trọng xây dựng và thực hiện tốt chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống làng nghề, tạo chuỗi kết nối giữa chúng thì tôi tin rằng, làng nghề chính là một từ khóa vô cùng hấp dẫn để thu hút thêm hàng triệu khách du lịch đến thành phố, theo đó, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại chỗ chắc chắn sẽ tăng nhanh. Nhưng thực tế lâu nay, hầu hết các làng nghề quanh Hà Nội vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, mẫu mã sản phẩm không có nhiều thay đổi và mặc dù Hà Nội đã là thành phố thiết kế sáng tạo nhưng chưa có các hoạt động tương xứng với danh hiệu này, ít nhất là riêng trong lĩnh vực làng nghề…

Để mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD là khả thi ảnh 1
Sản phẩm đan cói của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Trang tại hội chợ quốc tế Lifestyle Vietnam 2019 do Vietcraft tổ chức.

- Ông đang đề cập đến một sự hoài phí…

- Rất đáng tiếc, nhìn lại lịch sử phát triển của thiết kế nói chung, có thể thấy rằng, thiết kế đóng vai trò sống còn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ của riêng từng công ty mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành hàng và trên hết là nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Từ năm 1845, Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng chính sách thiết kế để nâng cao năng lực cạnh tranh, Phần Lan cũng bắt đầu có chính sách thiết kế từ năm 1875 trước khi Mỹ bắt đầu triển khai từ năm 1913... Năm 1944, Chính phủ Anh đã thành lập Hội đồng Thiết kế quốc gia.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đã nghiên cứu và kết luận: Quốc gia nào đầu tư cho thiết kế thì sẽ nâng cao được hình ảnh quốc gia và tính cạnh tranh của quốc gia đó trên trường quốc tế. Hiện nay, đã có 44 quốc gia đang tập trung phát triển thiết kế. Hội đồng Anh đã có nghiên cứu gần 2.000 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo của họ về giá trị của thiết kế, cho thấy kết quả: Doanh nghiệp đầu tư cho thiết kế tốt thì đem lại sự tăng doanh thu bằng 2,25 lần so doanh nghiệp không đầu tư cho thiết kế. Đến nay, Hàn Quốc được coi là thủ phủ của châu Á về thiết kế. Còn tại Thái Lan, Văn phòng Thủ tướng là đơn vị quản lý trực tiếp và hỗ trợ ngân sách cho Trung tâm thiết kế và sáng tạo quốc gia. Nhìn sang Philippines cũng đã có Trung tâm thiết kế và phát triển ngành thủ công. Gần 30 năm nay, Philippines cũng là nước xuất khẩu nhân lực thiết kế mạnh, khoảng 40 nghìn nhà thiết kế mọi lĩnh vực là người Philippines đã và đang làm việc ở Trung Quốc…

- Việt Nam chúng ta cần phải làm gì để cải thiện tình hình hoài phí tiềm năng, năng lực của chính mình, theo ông?

- Với vị thế ngành hàng thủ công của Việt Nam, với sự đa dạng về nguyên liệu và chất liệu thiết kế của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, với các kỹ năng của người thợ thủ công được duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ, với sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em…, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, nếu chúng ta đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản cho ngành thủ công ở Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cho ngành không chỉ dừng lại con số gần 3 tỷ USD như hiện nay mà có thể sớm đạt được tốc độ tăng trưởng không dưới 30% hằng năm và đạt con số 10 tỷ USD đến năm 2030. Tôi nhấn mạnh cụm từ "đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản" tức là không chỉ câu chuyện tài chính mà là câu chuyện chính sách, câu chuyện liên quan các chủ thể cụ thể đứng ra thực hiện và chịu trách nhiệm về việc phát triển hệ thống thiết kế này.

- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!