Đẩy nhanh tiến độ di dời nhà “ổ chuột” ven kênh rạch

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ di dời được 6.500 nhà “ổ chuột” ven kênh rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, nhưng việc giải “bài toán” này đang gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của tuyến rạch Xuyên Tâm khiến cuộc sống của người dân chung quanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng ô nhiễm nước và rác thải.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của tuyến rạch Xuyên Tâm khiến cuộc sống của người dân chung quanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng ô nhiễm nước và rác thải.

Cần vốn nhưng nhà đầu tư không mặn mà

Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch giải tỏa, tái định cư hàng chục nghìn căn nhà tạm ven và trên các kênh rạch. Thế nhưng, kế hoạch này triển khai rất chậm và gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn. Theo Sở Xây dựng thành phố, tính đến tháng 7/2022, thành phố mới di dời được tổng cộng 2.479 trong số gần 20.000 nhà tạm ven và trên kênh rạch, đạt tỷ lệ 12,4%.

Về phía địa phương, UBND quận 8 thông tin, trên 28 tuyến kênh rạch dài 54km tại 16 phường của quận đang có hơn 12.300 căn nhà tạm. Phần lớn trong số này có diện tích nhỏ, không có pháp lý đầy đủ, không có các tiện nghi căn bản như điện, nước, người dân xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường... Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết, từ năm 2015 đến nay, UBND quận đã phối hợp các sở, ngành mời gọi nhà đầu tư, nhưng hiệu quả thấp do chi phí đầu tư cao. Đơn cử, để giải tỏa 2.600 căn nhà tạm ven bờ nam kênh Đôi và xây kè, cần đến 9.000 tỷ đồng.

Hay như dọc theo dòng kênh Tẻ (quận 4) có hàng nghìn căn nhà chỉ che chắn tạm bợ bằng vật liệu như tôn, ván gỗ đã xuống cấp. Người dân sống chung với mùi hôi nồng nặc, nhất là vào mùa nắng nóng.

Tương tự, dọc con rạch Xuyên Tâm dài hơn 8km, chảy qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp đang có hơn 2.200 căn nhà tạm. Sống trong căn nhà lụp xụp rộng hơn 15m2 ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), bà Đỗ Thị Von rầu rĩ nói: “Người dân như chúng tôi sống trong điều kiện thiếu thốn và ô nhiễm này hơn 20 năm qua rồi. Ở đây nắng hay mưa gì cũng hôi, nhất là vào mùa triều cường lên. Tôi có nghe thông tin chính quyền sẽ làm dự án nâng cấp, cải tạo môi trường nơi đây, nhưng mãi chưa thấy làm. Không biết khi nào mới thoát cảnh hôi thối, ngập rác”.

Nhiều người dân sống ở khu vực quận 8, quận Bình Thạnh, quận 4, Gò Vấp… cũng mong hai bên bờ các con kênh không còn cảnh nhếch nhác. Tuy nhiên, việc chỉnh trang đô thị dọc các kênh rạch không phải là “bài toán” đơn giản.

Theo TS, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, thực trạng xây dựng lấn chiếm nhà ven kênh rạch đã diễn ra từ trước năm 1975. Theo thời gian làm cho các dòng kênh vốn nhỏ hẹp lại càng nhỏ hẹp hơn, giảm lưu lượng dòng chảy, ùn ứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ngập úng, mất mỹ quan đô thị. “Với góc độ chuyên môn về xây dựng, chúng tôi nhận thấy dạng nhà ở trên và ven kênh rạch này có kết cấu tạm bợ, hầu hết không có chủ quyền. Gần như những nhà xây dựng kiểu này đều trên nền đất yếu nên tiềm ẩn nguy cơ đổ sụp xuống sông, kênh rạch bất cứ lúc nào”, TS, KTS Võ Kim Cương nhìn nhận.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, khó khăn chủ yếu cho việc giải tỏa nhà tạm ven và trên kênh rạch là cần số vốn rất lớn, nhưng ngân sách đang phải ưu tiên các dự án hạ tầng, xã hội cấp thiết. Trong khi đó, rất khó thu hút vốn xã hội hóa vì nhà đầu tư chưa thấy lợi ích rõ ràng khi tham gia các dự án này.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết nhìn nhận, chương trình đang bị chậm, dù thành phố đã có nhiều văn bản ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện công tác di dời nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Phần lớn các căn nhà có diện tích mặt đất rất nhỏ, phần còn lại cơi nới, lấn chiếm trên mặt nước. Mặt khác, việc di dời bằng vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ. Đặc biệt hình thức hợp tác công - tư hiện vẫn còn trục trặc, trong khi hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hiện đã bị tạm dừng. Điều này khiến việc kêu gọi đầu tư khó khăn.

Cần cách làm mới

Theo Phòng Phát triển đô thị (thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố tập trung thực hiện ba dự án giải quyết mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu tiêu thoát nước để chống ngập vừa di dời nhà ven kênh để chỉnh trang đô thị. Đó là dự án rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình).

Song song đó, các địa phương và các cấp, các ngành của TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực thực hiện kế hoạch giải tỏa, di dời nhà tạm ven và trên kênh rạch từ nay đến năm 2025, theo hướng cấp thành phố tập trung đầu tư cải tạo những dự án lớn, cấp địa phương chủ động triển khai giải tỏa, chỉnh trang nhà tạm ven các kênh rạch quy mô nhỏ.

Đơn cử, tại quận 12, từ năm 2019 đến nay, quận đã hoàn thành nạo vét, kiên cố hóa 18 tuyến kênh rạch nhỏ với tổng chiều dài 19,1km và đầu tư 29,8km đường ven rạch. “Chúng tôi vận động người dân hiến đất làm đường ven kênh rạch để giải tỏa nhà tạm và chỉnh trang đô thị”, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết.

Trên quy mô toàn thành phố, ba dự án rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh và kênh Hy Vọng đều đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Thành phố sẽ triển khai các bước thủ tục để sớm triển khai thủ tục đầu tư dự án. Trong đó, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỷ đồng, di dời 2.196 căn nhà; dự án cải tạo kênh Hy Vọng có tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỷ đồng, di dời 190 căn nhà; dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh có tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, di dời 834 căn nhà.

Thế nhưng, việc thực hiện cũng không hề dễ dàng, bởi theo Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) Nguyễn Chí Thiện, có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đến những dự án nhà ven kênh. Tuy vậy, qua quá trình triển khai, do vướng cơ chế với những dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật di dời nhà ven kênh có nhiều vướng mắc nên các dự án không kêu gọi được đầu tư.

Để gỡ bài toán này, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã có giải pháp tham mưu cho UBND thành phố kêu gọi xã hội hóa đầu tư như mở rộng biên chỉnh trang hành lang kênh. Cụ thể, mở biên thu hồi đất rộng ra, tăng chỉ tiêu hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch công trình lên để tạo ra quỹ đất có thể khai thác thương mại hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, thực hiện các dự án giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, tái định cư cho bà con, vấn đề quan trọng nhất là GPMB. “Cho nên chúng tôi đề nghị với UBND thành phố là làm sao để được tách dự án bồi thường GPMB ra thành dự án độc lập. Sau khi đã có mặt bằng thì thành phố có thể thực hiện cơ chế đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời 3.250 căn nhà với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.154 tỷ đồng từ nay đến năm 2025.

Để có thể huy động vốn ngoài ngân sách cho các dự án xóa nhà tạm, chỉnh trang kênh rạch, cuối tháng 7/2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, đề xuất một số cách làm mới. Theo đó, thành phố đề xuất dùng vốn đầu tư công giải tỏa mặt bằng, kè bờ tạo cảnh quan và quỹ đất đủ rộng để thu hút các doanh nghiệp đấu thầu quyền sử dụng đất; đề xuất bố trí tái định cư cho người dân đang sống tạm ven kênh rạch bằng quỹ nhà có sẵn… “Hiện nay, vốn đầu tư các dự án này chủ yếu bằng ngân sách nhà nước nhưng cũng rất khó khăn. Chúng tôi đề xuất cần có chính sách điều chỉnh hành lang an toàn kênh rạch theo hướng mở rộng và dùng quỹ đất này bán đấu giá để tạo nguồn vốn tái đầu tư dự án. Thành phố đã chấp thuận thuê đơn vị tư vấn của Bộ Xây dựng để nghiên cứu cơ chế, chính sách cho nhóm này”, ông Trần Hoàng Quân nói thêm.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố đang rất quyết tâm thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó có di dời nhà ven và trên kênh rạch. Thành phố đang tính toán các giải pháp để thực hiện dự án thay vì ngồi chờ ngân sách, trong đó tính toán điều chỉnh quy hoạch để khai thác quỹ đất ven sông, đấu giá lấy kinh phí thực hiện. “Thành phố phấn đấu đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (năm 2025) sẽ hoàn thành và khởi công 50% trong tổng số 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch”, ông Phan Văn Mãi nêu rõ.