Khó khăn chồng chất của người Palestine

Các cơ quan của LHQ tiếp tục bày tỏ lo ngại về những thách thức nghiêm trọng mà người Palestine phải đối mặt khi xung đột leo thang ở Dải Gaza và bạo lực gia tăng ở khu Bờ Tây, sau vụ tấn công của Iran vào Israel. LHQ nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp về ngừng bắn, giảm căng thẳng và tăng cường hỗ trợ nhân đạo tới các vùng lãnh thổ Palestine.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Dải Gaza đang trong tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Ảnh: THE INDEPENDENT
Người dân Dải Gaza đang trong tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Ảnh: THE INDEPENDENT

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza

Trong báo cáo ngày 16/4, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, 6 tháng sau khi xung đột nổ ra, gần 10.000 phụ nữ Palestine ở Gaza đã thiệt mạng, trong đó có khoảng 6.000 bà mẹ, khiến khoảng 19.000 trẻ em mồ côi. UN Women ước tính cứ 10 phút lại có một trẻ em chết hoặc bị thương. Hơn 1 triệu phụ nữ và trẻ em gái hầu như không có thức ăn, không được tiếp cận nước sạch, nhà vệ sinh và đối mặt dịch bệnh hằng ngày.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo động thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Gaza bị phá hủy nghiêm trọng. Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic nêu rõ, chỉ một phần ba trong số 36 bệnh viện tại Gaza còn hoạt động và mục tiêu cấp bách phải bảo vệ những gì còn lại của hệ thống y tế tại đây. Trong khi có hàng chục nghìn người bị thương cần chữa trị.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cũng lo ngại về tình trạng xung đột lan cả đến các cơ sở y tế, nhất là cuộc tấn công mới đây đã khiến bệnh viện Al-Shifa ở Gaza tê liệt hoàn toàn. Trong khi đó, phần lớn các trường học bị phá hủy, không còn trường đại học nào hoạt động ở Gaza và sẽ mất rất nhiều năm nữa để có thể đưa học sinh trở lại các cơ sở học tập.

Tuy nhiên, viện trợ cho Gaza vẫn gặp thách thức lớn. Người đứng đầu văn phòng OCHA tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Andrea de Domenico nêu rõ, việc đưa viện trợ vào Gaza còn hạn chế do nhiều trở ngại. Các tổ chức nhân đạo kêu gọi Israel thực hiện cam kết tạo thuận lợi cho hoạt động viện trợ ở Gaza.

Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic cho biết, hơn một nửa số dự án nhân đạo đang phải trì hoãn vì bị từ chối hoặc gặp trở ngại. WHO đề nghị các bên thống nhất cơ chế giảm xung đột một cách hiệu quả, minh bạch và khả thi, tạo thuận lợi đưa hàng cứu trợ khẩn cấp vào Gaza.

Làn sóng bạo lực mới ở Bờ Tây

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) cũng bày tỏ quan ngại về hoàn cảnh khó khăn của người Palestine tại Gaza, đồng thời nêu bật lo ngại trước tình trạng bạo lực gia tăng, nhất là làn sóng tấn công gần đây chống người Palestine ở Bờ Tây. Người đứng đầu OHCHR Volker Turk cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của các hành động trả đũa lẫn nhau giữa người định cư Israel và người Palestine ở Bờ Tây.

Tuần trước, làn sóng bạo lực bùng lên ở Bờ Tây sau vụ một thiếu niên Israel 14 tuổi bị sát hại, kéo theo hành động trả thù của người định cư khiến 4 người Palestine thiệt mạng và nhiều tài sản của các gia đình Palestine bị hủy hoại. OHCHR cho biết, đã nhận được báo cáo về các vụ bạo lực và đụng độ giữa người định cư và lực lượng an ninh Israel với người Palestine. Người đứng đầu văn phòng OCHA ở Palestine cho biết, kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza, hơn 700 vụ tấn công cũng đã xảy ra tại Bờ Tây. Thủ tướng Chính quyền Palestine đã kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực nhằm vào người Palestine.

LHQ ước tính, kể từ tháng 10/2023, nhiều rào cản mới được dựng lên ở Bờ Tây, như các trạm kiểm soát, rào chắn, cổng an ninh… đã ảnh hưởng đáng kể đến việc đi lại cũng như sinh kế của người Palestine, khiến hàng trăm gia đình phải di dời.

Trong báo cáo mới nhất, Ủy ban điều tra độc lập về các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đã nêu rõ: Cuộc bao vây hoàn toàn Gaza kể từ tháng 10 năm ngoái đã dẫn đến thảm họa nhân đạo không thể tưởng tượng, nạn đói đã thành hiện thực, cơ sở hạ tầng bị phá hủy làm tổn hại nghiêm trọng khả năng viện trợ nhân đạo tới người dân vùng lãnh thổ này.