Thích ứng khi giá vé máy bay tăng

Giá vé máy bay các chặng trong nước đắt đỏ, xu hướng du lịch của người dân bắt đầu chuyển hướng và có nhiều thay đổi trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và hè năm nay. Theo đó, số lượng du khách đặt tour đường bộ, tour đi du lịch nước ngoài đang chiếm ưu thế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã đưa ra các sản phẩm đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã đưa ra các sản phẩm đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Ảnh: HẢI NAM

Khảo sát tại các website của các hãng hàng không cho thấy, các chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc là đường bay có giá vé đắt nhất khi trung bình lên tới hơn 5,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, chuyến bay của Vietnam Airlines đang hiển thị giá vé hạng thương gia lên tới 13 triệu đồng, đắt hơn cả đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2024 khi vé từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội hơn 10 triệu đồng.

Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 28/4, về ngày 3/5 có giá từ hơn 5 triệu đến hơn 7 triệu đồng (mức giá này cao hơn 2,5 triệu đồng so với hiện tại). Đường bay Hà Nội - Quy Nhơn là một trong những chặng có mức tăng cao nhất cho thời gian từ ngày 27 đến 30/4 (ở thời điểm trước đây một tháng có giá 5 triệu đồng). Từ Hà Nội đi Đà Nẵng thời điểm từ ngày 27 đến 30/4 có mức giá gần 5 triệu đồng/vé khứ hồi (cao gấp 1,6 lần so với một tuần sau đó). Trong khi đó, với chặng bay Hà Nội - Nha Trang đi ngày 28/4 và về ngày 3/5, mức giá tốt nhất mấy ngày qua là hơn 4 triệu đồng/vé khứ hồi và cao nhất là gần 8 triệu đồng (cao hơn khoảng 1,5 triệu đồng so với thời điểm hiện tại).

Còn giá vé các chặng khởi hành từ TP Hồ Chí Minh trong khoảng từ ngày 30/4 đến 3/5 thấp hơn chút so từ nơi khác. Cụ thể, giá vé khứ hồi TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc của Vietravel Airlines thấp nhất là 3 triệu đồng; Vietjet Air là 3,3 triệu đồng; Vietnam Airlines là 3,9 triệu đồng.

Người dân chuyển hướng du lịch

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới, gia đình chị Lan ở Hà Nội có kế hoạch đi du lịch Phú Quốc. Tuy nhiên, khi tham khảo giá vé của nhiều hãng hàng không khác nhau, chị Yến không khỏi bất ngờ vì giá vé quá cao. Vì vậy, thay vì đi Phú Quốc, chị Lan đã quyết định đi du lịch bằng ô-tô của gia đình tại Quảng Ninh để tiết kiệm chi phí.

“Vào dịp lễ, dù vào buổi đêm, giá vé máy bay thấp nhất là 5 triệu đồng/người, tức là sẽ phải chi khoảng 20 triệu đồng tiền vé máy bay cho gia đình 4 người, chưa kể tiền ăn ở, vui chơi, mua sắm”, chị Lan chia sẻ.

Không chỉ chọn các điểm đến gần để tiết kiệm chi phí di chuyển, anh Tuấn Anh cho biết, vừa mua 5 vé máy bay chặng Hà Nội - Bangkok, Thailand với giá khoảng 3,8 triệu đồng/vé khứ hồi, rẻ hơn cả vé Hà Nội - Phú Quốc hay Hà Nội - Nha Trang.

“Gia đình tôi chọn tour nước ngoài vì giá máy bay ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn trong nước”, anh Tuấn Anh cho hay.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, từ trước đến nay, đối với sản phẩm du lịch tuyến xa, vượt vùng, đi bằng đường hàng không, ngành du lịch thường sử dụng vé máy bay giá thấp của các hãng hàng không, riêng chi phí cho giá vé máy bay chiếm 50% tổng giá tour. Khi giá vé máy bay tăng cao, riêng chi phí giá vé máy bay đã chiếm 60 - 70% giá tour và đương nhiên giá tour du lịch tăng cao.

Khi giá tour tăng cao thì sẽ xảy ra ba tình huống. Thứ nhất là khách không đi nữa. Thứ hai là khách vẫn đi nhưng thay đổi hình thức di chuyển, thay vì đi máy bay thì di chuyển bằng tàu hỏa, ô-tô. Thứ ba là khách chọn địa điểm khác, thí dụ, thay vì đi biển ở miền trung và miền nam thì khách ở miền bắc sẽ chọn đi biển ở miền bắc và ngược lại; hay thay vì đi du lịch trong nước thì họ đi du lịch nước ngoài. Trong khi đó, giá vé máy bay tăng ở đường bay nội địa, còn đường bay đi nước ngoài có sự tham gia của các hãng hàng không nước ngoài nên giá vé cạnh tranh vẫn hấp dẫn.

“Nếu giá vé máy bay nội địa cứ tăng cao, khách sẽ chọn đi du lịch nước ngoài, thay vì đi trong nước”, ông Hoan quan ngại.

Thích ứng khi giá vé máy bay tăng ảnh 1

Tư vấn cho khách hàng lựa chọn kỳ nghỉ phù hợp. Ảnh: SONG ANH

Doanh nghiệp tìm cách thích ứng

Để thích ứng khi giá vé máy bay tăng, ông Hoan cho biết, Flamingo Redtours đã chuyển sang xây dựng các sản phẩm du lịch nội vùng, sử dụng phương tiện bằng ô-tô, tập trung vào các tuyến, điểm như: khu vực nghỉ dưỡng quanh vùng, các tuyến biển gần như: Hạ Long, Cát Bà, Hải Tiến, Cửa Lò… Hay những tuyến du lịch miền trung như vào Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, phương tiện di chuyển được thay thế từ máy bay sang tàu hỏa.

“Nguyên nhân việc thay đổi này, ngoài lý do giá vé máy bay cao thì ngành đường sắt đã điều chỉnh nhiều chính sách, từ giá vé đến trang thiết bị, cải tạo lại phương tiện cho đẹp đáp ứng nhu cầu du khách”, ông Hoan chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ lữ hành SaigonTourist tại Hà Nội, bên cạnh việc tính toán cân đối điều chỉnh giá tour nội địa, hiện nay đơn vị lữ hành cũng buộc phải thay đổi chương trình tour, cũng như kết hợp nhiều loại hình phương tiện vận chuyển như đường bộ, đường sắt thay thế máy bay. Cụ thể, doanh nghiệp đã phát triển hơn 10 sản phẩm du lịch đường bộ với mức giá ưu đãi từ 20 - 30%, đồng thời doanh nghiệp cũng thiết kế các gói du lịch đa dạng để tăng thêm sự lựa chọn cho du khách.

Tuy vậy, xét về lâu dài, nếu giá máy bay không điều chỉnh thì chắc chắn giá tour trong nước sẽ tăng từ 10 - 15%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2024.

“Hy vọng thời gian tới, ngành hàng không sẽ có những điều chỉnh về giá vé nhằm chia sẻ với doanh nghiệp lữ hành và người dân. Khi giá vé hợp lý thì người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn, đồng nghĩa các doanh nghiệp có doanh thu cao, từ đó có thêm nhiều biện pháp kích cầu du lịch”, bà Thu kỳ vọng.

Ngày 12/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và làm bù vào thứ bảy (ngày 4/5). Với dự báo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, mới đây, Vietnam Airlines cho biết, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, hãng chốt phương án tăng cường năng lực khai thác cho dịp cao điểm trên cơ sở tối ưu hóa sử dụng đội tàu bay hiện có và mở mới các chuyến bay vào khung giờ sáng sớm, tối muộn trên một số đường bay có nhu cầu lớn. Cụ thể, hãng sẽ tăng hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, từ đó cung ứng thêm hơn 15 nghìn chỗ.

Trong khi đó, hãng bay Vietravel Airlines cho biết, sẽ bổ sung thêm khoảng 1-2 chuyến bay chặng bay đi/đến các điểm như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bangkok (Thailand). Hãng vẫn tiếp tục lên kế hoạch để có thể tăng giờ bay và tăng chuyến bay đêm đến mức cao nhất.

Với ngành đường sắt, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30/4 - 1/5, ngoài các chuyến tàu đang hoạt động hằng ngày như SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, SE11/12 (TP Hồ Chí Minh - Hà Nội), SE21/22 (TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng), SNT1/2 (TP Hồ Chí Minh - Nha Trang), SPT1/2 (TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết), Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn còn tổ chức chạy thêm 34 đoàn tàu từ TP Hồ Chí Minh đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.