Dự luật trợ giúp trị giá 61 tỷ USD
Trong phiên họp ngày 20/4 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật trợ giúp trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Theo đó, gần 14 tỷ USD sẽ được chi cho hoạt động đào tạo, trang bị phục vụ các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng “các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả” để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Gói dự luật trên sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét thông qua. Cơ quan này sẽ bắt đầu xem xét gói dự luật vào ngày 23/4. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện đều bày tỏ sẵn sàng nhanh chóng thông qua gói dự luật này. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ ký ban hành dự luật ngay khi ông nhận được.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng dự luật sẽ được Thượng viện Mỹ ủng hộ và chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Biden”. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel cũng bày tỏ ủng hộ gói viện trợ trên của Mỹ.
Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh quân sự này đang gấp rút tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine và tập trung vào các hệ thống tên lửa Patriot. Tổng Thư ký NATO cho rằng, Patriot là hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất mà liên minh quân sự này có thể tin cậy. Theo ông, NATO cũng có thể cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng thủ khác, kể cả hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng kêu gọi các quốc gia thành viên trong khối chuyển các hệ thống chống tên lửa để tăng cường phòng không cho Ukraine.
Nga chỉ trích gói viện trợ của Mỹ
Trong một động thái liên quan, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện trên chiến trường mà Nga cho là “đang bất lợi cho phía Ukraine”. Moscow cho rằng, gói viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến tổn thất và thiệt hại nhiều hơn và làm thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng.
Trả lời hãng thông tấn TASS của Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine chỉ khiến kéo dài cuộc xung đột. Đồng thời Nga chỉ trích gói dự luật, ngoài việc viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine còn bao gồm dự luật liên quan việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa tại các ngân hàng Mỹ. Về dự luật quy định tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga, ông Peskov cho biết, phía Nga sẽ xác minh những chi tiết của dự luật, đồng thời cảnh báo sẽ hành động để bảo đảm những lợi ích của Nga. Theo thống kê, hơn 6 tỷ USD trong số 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga nằm ở các ngân hàng Mỹ, số còn lại bị phong tỏa tại Đức, Pháp và Bỉ.
Liên quan đến kế hoạch đàm phán về Ukraine vào tháng 6 tới, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng, bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về vấn đề Ukraine mà không có sự tham gia của Nga đều là “vô nghĩa”. Đại sứ quán Nga tại Bern cũng cho rằng, hội nghị về Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai sẽ lãng phí thời gian nếu không có sự tham gia của Nga. Theo Đại sứ quán, Thụy Sĩ đã không mời Nga tham dự sự kiện này và nếu không có sự tham gia của Nga, hội nghị có thể không đạt kết quả cụ thể nào.
Trước đó, Thụy Sĩ cho biết, nước này sẽ tổ chức hội nghị cấp cao về cuộc xung đột ở Ukraine vào ngày 15-16/6 tới, nhưng không có sự tham gia của Nga. Ukraine và khoảng 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, đã được mời tham gia sự kiện do Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd chủ trì tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock.