Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

Tập trung mọi nguồn lực để kịp về đích

Đứng trước nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai suốt thời gian qua, dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) vừa được Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu triển khai các nhiệm vụ cụ thể để kịp về đích hoàn thành trong tháng 6/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Ảnh: EVN
Thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Ảnh: EVN

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 giữ vai trò rất quan trọng kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền bắc cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo đó, dự án gồm 4 dự án thành phần là: Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có chiều dài 519 km nối từ Quảng Trạch tới Phố Nối. Với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), dự án này được Thủ tướng Chính phủ ra yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6/2024.

Đồng loạt vào cuộc

Tuy nhiên, cập nhật mới đây tại phiên họp giao ban giữa Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên với đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan, chủ đầu tư cho thấy còn hàng loạt trở ngại trong quá trình triển khai, đưa dự án hoàn thành kịp mốc 30/6/2024.

Những nút thắt cơ bản gồm: Giải phóng mặt bằng, huy động máy móc, cung ứng vật tư và tài chính của nhà thầu thi công.

Cụ thể, về giải phóng mặt bằng, đến nay mới bàn giao được 252/503 khoảng néo, đạt gần 50%, tăng 34 khoảng néo so với cuộc họp giao ban ngày 26/3. Việc huy động, vận chuyển máy móc vào các vị trí thi công hố móng gặp khó khăn do đường hẹp, nền đất yếu, đường vào hiểm trở, thời tiết bất lợi.

Bên cạnh đó, các yếu tố như khó khăn về cung ứng vật tư thiết bị như cột thép, cách điện, thiết bị còn thiếu hay tài chính của một số nhà thầu thi công cũng ảnh hưởng tới tiến độ toàn dự án.

Trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các địa phương, bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng thì những kết quả trên vẫn chưa đạt tiến độ đề ra.

Để thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc đưa dự án đường dây 500 kV mạch 3 đi vào hoạt động đúng theo yêu cầu trước 30/6 năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương và EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư trước 15/4/2024.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn bằng văn bản đối với các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam trong việc sử dụng tạm đất rừng để thi công các hố móng của đường dây 220 kV từ Nậm Sun về Nông Cống, bảo đảm hoàn thành dự án trước 30/6/2024.

Đối với các tỉnh có dự án đi qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến trước 15/4/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ trưởng yêu cầu EVN và EVNNPT tăng cường kiểm tra đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành các hạng mục trước ngày 15/6 để vận hành, thử nghiệm trong khoảng 10-15 ngày và đóng điện chậm nhất vào ngày 30/6.

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo sản xuất, hoặc chỉ đạo các nhà thầu sản xuất kịp thời cột thép, cung cấp đầy đủ các vật tư cách điện và phụ kiện, hoàn thành trong tháng 4/2024, đồng thời xem xét tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trong vấn đề tài chính để thực hiện các dự án.

Được biết, những nhà thầu tham gia các công việc liên quan trực tiếp dự án truyền tải điện huyết mạch bắc - nam này đều là những đơn vị thạo nghề xây dựng, cơ điện như Alphanam E&C, Công ty CP Việt Vương, Công ty CP Sông Đà 11, Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á, Xây lắp điện 4.

Một số nhà thầu đảm đương các nội dung quan trọng có thể nhắc đến như Công ty CP Sông Đà 11 đảm nhận cung cấp 156 cột, tương đương gần 19.850 tấn thép, Công ty CP Việt Vương cung cấp 100 cột, tương đương khoảng 14.120 tấn thép. Việt Á thi công 52 vị trí móng, trong đó có 23 vị trí móng cọc, với tổng chiều dài cọc khoảng 110.000m cọc thuộc cung đoạn nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối.

Báo cáo tới Bộ trưởng Công thương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN cho biết đã ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu, còn một gói thầu cung cấp kháng điện của dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đang hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Liên quan giải phóng mặt bằng, 4 dự án thành phần đã bàn giao 100% vị trí móng cột và 50% khoảng néo. Tuy nhiên, các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên còn một số khoảng néo chưa bàn giao.

Giải bài toán thiếu điện

Được biết, tình hình bàn giao mặt bằng cho dự án mang tính cấp bách đối với an ninh năng lượng này vốn là một trong những khó khăn tồn tại từ 3 năm trước khiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải cùng xắn tay vào cuộc tháo gỡ.

Đơn cử, năm 2021, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng cần bàn giao toàn bộ mặt bằng đường dây

500 kV mạch 3 trước ngày 15/5/2021. Tuy nhiên, tới tháng 10 cùng năm, cả 7 địa phương này đều chưa hoàn thành mặt bằng cho dự án.

Đặt trong nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và kinh doanh năm 2024, tư lệnh ngành công thương cũng đề cập tới nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào đưa vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.

Theo dự báo, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc là khoảng 306 tỷ kWh. Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tua-bin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Trong kế hoạch phê duyệt ít tháng trước, Bộ Công thương nhiều lần nhấn mạnh tới các dự án lưới điện trọng điểm trong hoạt động giải tỏa công suất cũng như truyền tải liên vùng. Theo đó, EVN được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, phối hợp địa phương xử lý dứt điểm các khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Trở lại giai đoạn 2011-2020, Bộ Công thương từng thẳng thắn thừa nhận phát triển điện lực vẫn còn hạn chế dẫn đến vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, an ninh cung cấp điện bị ảnh hưởng.

Các vấn đề chủ yếu xoay quanh chậm tiến độ nhiều dự án nguồn, phát triển nguồn chưa phù hợp với phân bố và phụ tải cũng như hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới mất cân bằng cung - cầu điện xuất hiện trên cả 3 miền.

Tới nay, với việc thông qua Quy hoạch điện VIII, khung phát triển chung về nguồn điện đã rõ nét, có ý kiến cho rằng “chìa khóa” giải bài toán cung ứng điện nằm ở hệ thống truyền tải điện liên vùng.

Nhất là với miền bắc hay Thủ đô Hà Nội, vốn nằm ở vùng trũng về phát triển năng lượng tái tạo, phụ tải chủ yếu được đáp ứng bằng nhiệt điện và thủy điện, việc hoàn thành vận hành đúng hẹn 30/6/2024 đường dây

500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sẽ giải đồng thời hai nút thắt: thiếu điện ở miền bắc và nỗi khổ bị giảm phát của nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời khu vực miền trung và miền nam.