Kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2024

Công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng cho thí sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Quyết định số 1139/QĐ-BGDĐT ngày 15/4/2024 kèm theo kế hoạch về triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: TTXVN
Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: TTXVN

Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần

Kế hoạch được ban hành để cơ sở đào tạo, thí sinh và các bên liên quan triển khai đồng bộ, chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể của đơn vị, cá nhân; bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh thực hiện đúng quy định hiện hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, bảo đảm công tác tuyển sinh năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế và các văn bản liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cơ sở đào tạo.

Theo kế hoạch, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17 giờ ngày 30/7. Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn với khối ngành sức khỏe và sư phạm. Thời gian xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8. Trước 17 giờ ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1, sớm hơn so với năm ngoái ba ngày. Đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.

Căn cứ kế hoạch được ban hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của cơ sở đào tạo, trong đó phải bảo đảm thống nhất với Kế hoạch chung và được công khai, minh bạch, để xã hội, cơ quan quản lý giám sát; bảo đảm công bằng đối với tất cả các thí sinh tham gia dự tuyển.

Thí sinh được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu. Thí sinh được cung cấp thông tin chuẩn xác, hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Đối với các Sở GD&ĐT, cần xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường phổ thông, các đơn vị khác thuộc phạm vi quản lý triển khai công tác tuyển sinh theo quy định. Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện Quy chế tuyển sinh và quy định của pháp luật theo chức năng nhiệm vụ. Đối với các cơ sở đào tạo, phải ban hành quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo để cụ thể hóa những quy định của Quy chế tuyển sinh cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo đề án đã công bố, tuân thủ các quy định của Quy chế tuyển sinh và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện trách nhiệm giải trình với Bộ GD&ĐT, các cơ quan có thẩm quyền và xã hội về toàn bộ công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Thí sinh chọn ngành học nào cho phù hợp

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kế hoạch tuyển sinh, cũng là thời điểm, các thí sinh và gia đình cũng cần phải có ngay phương án chọn ngành học cho phù hợp. Những ngành học này nhiều năm qua có điểm chuẩn cao ở các trường phải kể đến: Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Dịch vụ y tế, Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Luật, Báo chí, Sư phạm....

Nắm bắt nhanh nhu cầu việc làm ở thời đại 4.0, Nguyễn Mạnh Thắng lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chọn ngành học về Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano. Thắng cho biết, công nghệ nano được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe, công nghiệp điện tử, công nghiệp hóa học cho đến năng lượng, môi trường, hàng không vũ trụ và vật liệu xây dựng… góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Dù biết đây là ngành “hot”, điểm đầu vào cao nhưng Thắng sẽ cố gắng ôn tập để thi đỗ.

Qua tìm hiểu thông tin, gia đình chị Lê Thanh Hà có con đang học lớp 12 tại THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã định hướng cho con thi vào ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân. “Đây là ngành học nghiên cứu, quản trị và phát triển các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Mấy năm trở lại đây, việc cung cấp các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ đúng khách hàng, đúng thời điểm, đúng địa điểm, đúng số lượng và chất lượng đang được chú trọng trong nền kinh tế”, chị Hà nói.

Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh về việc có nên chạy theo ngành “hot”, lãnh đạo các trường ĐH cho rằng, thí sinh cần xác định việc chọn nghề liên quan đến tương lai rất dài trong khi ngành “hot” lại chỉ mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, cần dựa trên năng lực và sở thích của mình. GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng. “Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm, nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên để theo đuổi ngành mình yêu thích”, ông Thảo nói.

Đây cũng là chia sẻ của TS Phan Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Thương mại. Theo ông Quyết, ngành được xã hội quan tâm nhiều chỉ là xu hướng mang tính thời điểm và sẽ có sự thay đổi trong khoảng 5 - 10 năm. Nếu học ngành mình thích, các em sẽ học với tâm thế đam mê nên kết quả học tập sẽ tốt.

PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa có lời khuyên thêm dành cho thí sinh: Đừng thấy ngành nào đang có nhu cầu cao mà thi nhau vào. Ngành học được quan tâm nhiều, nhưng bản thân mình có quan tâm không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. “Tôi nghĩ, các em không nên chạy theo ngành được quan tâm nhiều. Trước khi chọn ngành nghề, cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành không? Ngành có phát triển không? Học phí ngành có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với năng lực học tập”, ông Khánh chia sẻ.

Khảo sát về xu hướng chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH những năm gần đây cho thấy, phần lớn hồ sơ xét tuyển sớm của thí sinh đều nộp vào nhóm ngành được quan tâm nhiều. Số hồ sơ quan tâm đến ngành đặc thù, chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, thủy sản, môi trường, khoa học tự nhiên không nhiều, dù nhóm ngành này có cơ hội việc làm cao.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó trưởng Khoa Địa lý, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản thường khó tuyển sinh. Như ngành Hải dương học năm trước chỉ tuyển được hai sinh viên. Ngành Khí tượng thủy văn cũng tuyển được khoảng 10 em. Trong khí đó, khoa học cơ bản là nền tảng của một quốc gia nhưng do đặc thù nằm trong hệ thống nhà nước nên cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp không cao. Với suy nghĩ học khó, việc làm ít, thu nhập thấp khiến nhiều thí sinh quay đầu chọn ngành được cho là việc nhẹ, lương cao hơn.

Sinh viên Nguyễn Đức Trí, đang theo học Khoa Địa chất, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, em lựa chọn ngành này ngoài sở thích còn quan tâm đến cơ hội việc làm, khả năng đỗ vào trường cùng những học bổng, ưu đãi học tập. Học phí của trường không lớn, lại kèm theo học bổng là một số tiền lớn có thể trang trải trong hơn một năm. Còn Lê Hữu Nghĩa, cựu sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải chọn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - ngành học kém hấp dẫn thí sinh và có điểm đầu vào không cao. Nhưng Nghĩa cho rằng, đây là lựa chọn đúng vì hiện nay nhu cầu nhân lực của ngành cao. Từ năm thứ 3, nghĩa đã được đi thực tế tại doanh nghiệp và có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương 17 triệu đồng/tháng.

Khí tượng thủy văn là ngành học tưởng như có ít cơ hội việc làm nhưng lại đang là mục tiêu săn đón, tuyển dụng của nhiều công ty với mức lương khá cao. Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Cung cấp ứng dụng thời tiết WeatherPlus Service (Hà Nội) cho biết rất cần tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành này với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là ngành có ít sinh viên theo học và doanh nghiệp luôn phải đến tận trường để trực tiếp tuyển dụng.

Ông Trần Phương, chuyên gia hướng nghiệp đến từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Những năm qua, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đã đi vào chiều sâu và phát huy được giá trị trong công tác định hướng ngành nghề phù hợp cho học sinh. Tuy nhiên, việc chọn lựa ngành học của phụ huynh và học sinh vẫn còn thiên về ngành được quan tâm nhiều, có tiếng. Do đó, phải nêu rõ được nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của ngành học, bên cạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, mới mong giải quyết được độ vênh trong tuyển sinh như hiện nay.