Từ bài học phải cắt điện luân phiên vào mùa hè năm ngoái, ngay từ tháng 2 (ngày 14/2/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc bảo đảm cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới.
Tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ Công thương mới đây, lãnh đạo bộ này khẳng định có đủ cơ sở để tin tưởng năm nay không thiếu điện. Theo đó, Bộ Công thương không chỉ ban hành kế hoạch cung ứng điện của cả năm, mà còn ban hành riêng một kế hoạch về việc bảo đảm cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Bộ cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường, cực đoan có thể xảy ra, bảo đảm cung ứng điện.
Tiêu thụ điện cao kỷ lục
Báo cáo thực tế từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, những tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền bắc tăng trưởng khoảng 11%, dự báo có thể lên tới 13% vào tháng 5, 6, 7.
Lãnh đạo A0 nhận xét, đây là con số tăng trưởng chưa từng xảy ra kể từ năm 2018. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch cung ứng điện mùa khô năm nay đã được tính toán sớm. Ngay từ cuối năm ngoái, việc tích nước tối đa cho thủy điện đã là “mệnh lệnh” xuyên suốt. Nhờ thế, trữ lượng nước trong các hồ thủy điện hiện đạt khoảng 11 tỷ kWh điện, cao hơn 4 tỷ kWh so với cùng kỳ năm ngoái.
Với việc chủ động này, hiện chúng ta chưa thấy vấn đề gì về cung ứng điện, nhưng theo lãnh đạo A0, tầm tháng 5, 6, 7, khi nhu cầu lên cao điểm, chúng ta phải có đáp ứng cho phù hợp. Vì thế, A0 đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền, nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Đặc biệt, lần này EVN đã tính phương án đưa nguồn điện khí hóa lỏng LNG vào vận hành, dự kiến ngày 15/4. Đây là lần đầu tiên chạy LNG để phát điện. Theo đó, lượng khí LNG sẽ được cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3, trong giai đoạn tháng 4-5/2024, bổ sung khoảng 500 triệu kWh cho hệ thống điện.
Ngoài việc tính toán các nguồn điện, A0 cũng sẽ tính toán truyền tải tối đa lượng điện từ miền trung, miền nam ra miền bắc, đáp ứng cho miền bắc. Việc sửa chữa sẽ dịch chuyển sang thời gian khác; tính toán nhu cầu phụ tải để tiết kiệm điện, đem lại hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế.
Hiện, nguồn than chiếm 50% sản lượng, nếu có vấn đề gì cũng rất ảnh hưởng, vì thế, các nhà máy điện than cũng được yêu cầu rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tốt nhất cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy.
Gần 300 thủy điện nhỏ, với công suất gần 5.000 MW cũng được huy động để dự phòng cho thời điểm cao điểm và đề phòng sự cố…
Công nhân thi công tại Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Ảnh: EVN |
Khuyến khích doanh nghiệp dời sản xuất vào giờ thấp điểm
Dù vậy, lãnh đạo A0 cho biết, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền bắc bao gồm điện sinh hoạt và công nghiệp khoảng 25.000 MW; nếu tăng trưởng 10%/năm thì sẽ cần thêm 2.500 MW.
“Như vậy, mỗi năm chúng ta cần có thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới có thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía bắc. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành điện”, lãnh đạo A0 cho hay.
Trong khi chưa có nguồn điện lớn nào tại miền bắc đi vào vận hành trong thời gian tới, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN mong muốn các khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay với ngành điện để dời lịch sản xuất vào giờ thấp điểm, tránh những sự cố cho hệ thống điện vào giờ cao điểm.
Ông cũng cho biết, sau 10 năm vận hành, giờ cao điểm từ 9 giờ - 11 giờ đã chuyển sang từ 13 giờ - 15 giờ 30 phút và thêm giờ cao điểm vào 21 giờ - 23 giờ. Vì vậy, việc dịch chuyển giờ sản xuất của doanh nghiệp là rất quan trọng và cấp bách.
Trong những điều kiện như hiện nay, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Điều tiết điện lực nhấn mạnh, để chủ động đối phó với tình huống nắng nóng kéo dài liên tục và sự cố nhiều nhà máy nhiệt điện cùng một lúc, thì ngoài nỗ lực của ngành điện, rất mong sự chung tay của khách hàng sử dụng điện trong việc tham gia các chương trình tiết kiệm điện, tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện, chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực cung ứng điện trong giờ cao điểm đó…
Ông Trần Minh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhiều lần khẳng định, chắc chắn nếu không có sự chung tay của khách hàng, của nhân dân, của doanh nghiệp, của chính quyền thì chúng tôi khó “qua ải” nắng nóng năm nay.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói thêm, hiện nay, Tổng công ty đã và đang thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại, có nghĩa là khách hàng tham gia trên tinh thần hợp tác và tự nguyện là chính, đổi lại khách hàng được một số lợi ích như được miễn phí công bảo trì, được ưu tiên bảo đảm điện…
Là tỉnh có nhiều doanh nghiệp lớn, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp cam kết thực hiện, sản lượng dự kiến điều chỉnh khoảng hơn 70 MW, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã rất tích cực trong việc vận động doanh nghiệp tham gia vào điều chỉnh phụ tải. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, cả trực tuyến và trực tiếp, có làm việc với tất cả doanh nghiệp lớn, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với ngành điện, để xây dựng chương trình phụ tải điện.
Thế nhưng, ông Hoàn cũng thừa nhận, chương trình này là tự nguyện, nên việc kêu gọi doanh nghiệp chung tay cũng còn nhiều hạn chế. Vì thế, ông đề xuất có cơ chế để chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp, có lợi cho cả doanh nghiệp, cả ngành điện, cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng thừa nhận, trong trường hợp khách hàng dịch sang khung giờ giá cao sẽ phải mất thêm chi phí tiền điện, còn dịch sang khung giờ giá thấp ban đêm sẽ liên quan đến chi phí sản xuất khác bao gồm tiền điện, nhân công, ca kíp, chi phí làm thêm giờ...
“Đây là những khó khăn không dễ thuyết phục khách hàng khi cả hai đều biết cơ chế, chính sách còn không đủ hấp dẫn”, ông Dũng trăn trở.