Đẩy nhanh chi gói hỗ trợ thuê nhà

Đến nay, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà (6.600 tỷ đồng) chỉ mới đạt 2% kế hoạch. “Với tốc độ quá chậm như vậy, người lao động chán nản, không làm thủ tục hỗ trợ nữa, gói hỗ trợ sẽ mất ý nghĩa. Mục tiêu cao nhất là giữ chân người lao động, khôi phục sản xuất sau đại dịch của gói hỗ trợ này cũng sẽ không đạt được nếu tình hình không được cải thiện”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá.
0:00 / 0:00
0:00
Khẩn trương thực hiện việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Ảnh: NAM ANH
Khẩn trương thực hiện việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Ảnh: NAM ANH

Chỉ mới giải ngân hơn 150 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động - gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng. Phó Thủ tướng nhắc, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các địa phương cần kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Tài chính để được hướng dẫn.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, đại diện Bộ LĐ-TB&XH thông tin, tính đến nay, đã có 51 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ xin hỗ trợ. Hiện, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 21.792 doanh nghiệp với 1.075.561 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 669,5 tỷ đồng. Trong đó, số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ là 8.770 doanh nghiệp, 670.259 lao động với kinh phí gần 448 tỷ đồng. 42 tỉnh, thành phố đã có quyết định phê duyệt.

Số hồ sơ đã được giải ngân là 3.391 doanh nghiệp, với 252.560 lao động, tổng kinh phí là 150,8 tỷ đồng (tương đương 2,2% toàn gói). Cụ thể, có 2.902 doanh nghiệp, với 248.517 lao động đang làm việc được hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng, tổng kinh phí hơn 146,6 tỷ đồng; và 489 doanh nghiệp, với 4.043 lao động quay trở lại làm việc được hỗ trợ mức 1.000.000 đồng/người/tháng, tổng kinh phí gần 4,2 tỷ đồng.

Số hồ sơ được hỗ trợ kể trên ở 24 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Cà Mau.

Đừng để người lao động thiệt thòi

Theo quy định, chậm nhất đến ngày 15/8 phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ này. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đã cử nhiều đoàn “đi đôn đốc” từ tuần cuối

tháng 7. “Thứ trưởng Lê Văn Thanh đang trực tiếp vào Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh - những nơi “nóng” về lao động, sau đó đi ra miền bắc”, vị đại diện nói và cho biết, đoàn sẽ nắm bắt tình hình, chính sách vướng ở đâu và cần điều chỉnh như thế nào...

Ghi nhận thực tế tại TP Hồ Chí Minh, gói hỗ trợ thuê nhà dự kiến giúp đỡ khoảng 1,1 triệu lao động với kinh phí hơn 1.777 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan Bảo hiểm xã hội mới chỉ tiếp nhận hơn 680.000 hồ sơ, các địa phương mới giải ngân cho gần 13.000 trường hợp với số tiền gần bảy tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh với địa phương này rằng: “không nên để người lao động chán nản rồi nghĩ “lên tivi nhận” tiền hỗ trợ thuê nhà”. Theo vị Thứ trưởng, nguyên nhân được cho là số lượng các doanh nghiệp lập danh sách cho người lao động hưởng chính sách ít; chậm triển khai vì muốn gộp hồ sơ một lần; một số địa phương sợ sai nên yêu cầu người lao động phải có xác nhận thuê trọ của chính quyền địa phương, dù về nguyên tắc chỉ cần chủ trọ xác nhận… Nói chung, rất nhiều lý do được đưa ra.

Do vậy, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và sở, ngành chức năng cần rốt ráo triển khai, đừng để các loại thủ tục hành chính trở thành rào cản, làm mất đi ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp, chia sẻ khó khăn với người lao động nằm trong diện hỗ trợ lần này. “Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu lao động, mà còn ảnh hưởng tới niềm tin vào cách thức triển khai chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đó mới là điều quan trọng. Bởi đây không phải là lần đầu xảy ra câu chuyện chậm trễ trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân nói chung, hỗ trợ người lao động nói riêng. Mục đích của các gói hỗ trợ đều rất ý nghĩa, song khi triển khai lại nảy sinh hàng loạt vấn đề”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói và bày tỏ, với các thủ tục rất đơn giản mà Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra khi đề xuất gói hỗ trợ, vấn đề còn lại là khâu thực hiện của các địa phương, doanh nghiệp như thế nào mà thôi.

Cuối tháng 3/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 08, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với khoảng 6.600 tỷ đồng, cho 3,4 triệu người lao động. Hai nhóm thụ hưởng gồm: Người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, đang làm việc trong doanh nghiệp; và người quay lại thị trường lao động. Họ là những lao động làm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế… ở 24 tỉnh, thành phố thuộc bốn vùng kinh tế trọng điểm.

Người lao động thuê trọ sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tháng và tối đa ba tháng. Thời gian triển khai chính sách từ ngày 1/4 đến hết 15/8. Lưu ý, nếu người lao động thuê trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến 30/6 vẫn được hưởng chính sách khi đủ điều kiện. Lao động đang nghỉ thai sản, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn có tên trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn đủ điều kiện nhận hỗ trợ.