Trong trường hợp đang sử dụng Windows bình thường cùng với một số ứng dụng cơ bản, nhưng một ngày máy tính bỗng trở nên chậm hẳn thì bạn có lý do nghi ngờ khả năng máy bị nhiễm virus.
Virus máy tính có khả năng tự sao chép chính nó từ đối tượng lây nhiễm này sang đối tượng lây nhiễm khác (có thể là các file chương trình, văn bản…). Sau khi lây nhiễm vào máy, phần mềm độc hại có thể khiến máy tính hoạt động chậm, làm hỏng các file bị lây nhiễm, làm mất dữ liệu, gây lỗi hệ thống.
Phần mềm độc hại và virus thường có xu hướng làm chậm toàn bộ hệ thống, khiến máy tính khởi động lâu hơn. Bạn có thể thấy rõ điều này khi chuyển đổi tập tin qua lại giữa nhiều thiết bị hoặc khi truy cập internet, truy xuất tập tin, mở các chương trình ứng dụng. Khi đó, máy tính thường xuyên bị “treo”, đóng băng hoặc bất thình lình xuất hiện lỗi, xuất hiện các thông báo, hoặc các chương trình ngoài ý muốn tự chạy.
Khi thấy những âm thanh hoặc đoạn nhạc không bình thường được bật một cách ngẫu nhiên, trang quảng cáo tự động (pop-up) hiện ra, màn hình desktop bị thay đổi, ổ đĩa CD-ROM của bạn đóng mở bất thường, xuất hiện file lạ tự động sinh ra trong máy, có thể máy tính bạn đã bị virus tiến công. Các phần mềm độc hại tiến công người dùng bằng các cửa sổ, trang pop-up quảng cáo, đôi khi chúng quảng cáo cho các sản phẩm hợp pháp nhưng nhiều lúc chúng lại chứa đường dẫn tới các trang web độc hại và hậu quả là máy tính của bạn sẽ bị lây nhiễm virus.
Lúc nghi ngờ máy đã bị nhiễm virus cần sao lưu dữ liệu và dùng phần mềm diệt virus để quét. Có rất nhiều phần mềm chống virus (antivirus) có khả năng phát hiện và tiêu diệt các phần mềm độc hại (malware). Do đó, bạn nên lựa chọn, cài đặt một phần mềm antivirus và cập nhật thường xuyên để có thể tự bảo vệ máy tính khỏi những xâm nhập bất hợp pháp gây thiệt hại nghiêm trọng. Không nên click vào những đường dẫn hay những pop-up quảng cáo không đáng tin cậy, cũng như không nên truy cập những trang web có khả năng lây nhiễm malware cao. Tuy đây là cách khá cơ bản nhưng cũng nên được xem là một cách hiệu quả để bảo vệ máy tính của mình.
Bên cạnh đó, để bảo vệ những dữ liệu quan trọng, bạn có thể sao lưu dữ liệu vào các bộ nhớ lưu trữ khác như ổ đĩa cứng di động, lưu trên server. Hiện nay, có rất nhiều bộ nhớ lưu trữ trực tuyến như Google Drive, Dropbox… giúp bạn bảo vệ dữ liệu khá tốt.
Ngoài ra, nếu phần mềm diệt virus trên máy tính không thể làm việc hiệu quả thì một giải pháp đơn giản khác là tháo ổ đĩa cứng trên máy tính bị nhiễm, sau đó gắn sang một máy tính khác có sẵn phần mềm diệt virus mới hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Nên nhớ bất cứ hệ điều hành trên máy tính nào, như Windows, Linux hoặc thậm chí là Mac OS X cũng cài được phần mềm chống virus, hãy dùng phần mềm đó để quét ổ đĩa cứng khác kết nối vào máy tính. Các phần mềm độc hại nếu được tìm thấy nên gỡ bỏ khỏi hệ điều hành.