Dấu ấn nông sản Việt trên kệ hàng quốc tế

Bên cạnh một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, cơ hội cho nông sản Việt Nam được phân phối tại nhiều thị trường mới, đặc biệt là ở châu Âu, đang ngày càng rộng mở, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang cả hai phân khúc thị trường này.
0:00 / 0:00
0:00
Nông sản Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phân phối, người tiêu dùng tại Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2022.
Nông sản Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phân phối, người tiêu dùng tại Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2022.

Là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với các loại nông sản, nhất là nông sản, trái cây nhiệt đới. Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, những năm qua, Việt Nam-Trung Quốc duy trì trao đổi thương mại nông sản qua cả kênh biên mậu và xuất nhập khẩu chính ngạch. Các loại nông sản, trái cây nhiệt đới Việt Nam được doanh nghiệp nhập khẩu, đại lý tiêu thụ và người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận tích cực.

Với bốn nghị định thư về xuất nhập khẩu nông sản được ký kết, năm 2022 được coi là một năm thắng lợi của ngành nông nghiệp Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Đến nay, có tổng cộng 13 loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào; trong đó, sầu riêng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Đạt kim ngạch 188 triệu USD chỉ trong ba tháng cuối năm 2022, sầu riêng được kỳ vọng trở thành loại trái cây đạt giá trị xuất khẩu một tỷ USD sang thị trường Trung Quốc trong năm 2023.

Tại sự kiện Lễ hội Trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam tổ chức đầu năm 2023, ông Dương Binh - Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân đánh giá cao chất lượng hàng hóa, nhất là các loại nông sản, trái cây của Việt Nam. Ông cũng cho biết, thành phố này sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở nhập khẩu trái cây lớn nhất miền bắc Trung Quốc, làm tốt công tác hậu cần, bảo đảm cho việc nhập khẩu và tiêu thụ trái cây Việt Nam.

Hay như, những năm gần đây, nông sản Việt Nam thu hút sự quan tâm và ưa chuộng tại thị trường Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Nông sản Việt Nam như cà-phê, hạt điều, tiêu, gạo và các loại trái cây, rau, củ đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Pháp. Xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam sang Pháp đạt tăng trưởng ổn định với mức trung bình 7,1% trong 10 năm qua. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng này tăng gấp đôi sau 10 năm, từ hơn 200 triệu USD năm 2012, đã đạt hơn 400 triệu USD trong năm 2022. Đặc biệt, trong năm 2022, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, lần đầu gạo thương hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện trên kệ hàng của các đại siêu thị tại Pháp. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho sự phân phối rộng khắp các sản phẩm gạo và nông sản tại Pháp và tiến tới sự phổ biến hơn nữa tại khắp châu Âu.

Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp cho biết: "Sự ưa chuộng nông sản Việt Nam tại Pháp có thể được giải thích bởi sự tăng trưởng của thị trường nông sản hữu cơ và sự quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp bền vững và chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và có giá cả cạnh tranh".

Theo ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc: Tiềm năng và dư địa để nông sản Việt thâm nhập thị trường này là rất lớn. Song, trong bối cảnh nông sản của nhiều nước, nhất là các nước Đông Nam Á cạnh tranh thị phần tại Trung Quốc, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quy hoạch vườn trồng hợp lý dựa trên nhu cầu thị trường, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kiểm dịch, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá trên các kênh khác nhau, để có chỗ đứng lâu dài tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này.

Nhận định nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tốt để phát triển tại Pháp bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường này rất cao, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này bằng cách tìm kiếm đối tác, mở rộng kênh phân phối và quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam tại Pháp, tuy nhiên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp lưu ý rằng: Khách hàng châu Âu, đặc biệt khách tiêu dùng Pháp, có những yêu cầu rất khắt khe đối với nông sản, nhất là chất lượng (hương vị, mẫu mã, độ tươi mới…), an toàn thực phẩm và tính bền vững với môi trường. Các sản phẩm nông nghiệp phải không chứa chất cấm, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn nữa, yêu cầu và tiêu chuẩn có thể thay đổi theo thời gian và xu hướng tiêu dùng. Do đó, việc nắm bắt và tuân thủ các tiêu chuẩn này là rất quan trọng để thành công trong việc xuất khẩu nông sản sang Pháp.

Một trong những điểm yếu lớn từ trước đến nay mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải là những lô hàng đầu tiên thường có chất lượng rất tốt, nhưng theo thời gian, lại không giữ được sự ổn định, nhất là khi nhu cầu thị trường tăng cao và nhanh. Theo ông Ngô Minh Đường - Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình Jeune, chuyên bán hàng Việt Nam ở Paris (Pháp), để khẳng định thương hiệu và thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm soát chất lượng để bảo đảm uy tín. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có ý thức dẫn hướng người tiêu dùng với việc thường xuyên có mẫu sản phẩm mới; xây dựng quan hệ đối tác; quảng bá thương hiệu nhằm bảo đảm thị phần lâu dài của mình. Việc khai thác xu hướng sử dụng các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao của người tiêu dùng tại Pháp cần được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Những sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ, như chứng nhận EU Organic hoặc AB (Agriculture Biologique) sẽ giúp tăng sự tin cậy và ưa thích từ người tiêu dùng.