“Đáp án” cho Vườn Chuối

Với việc Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch) thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về khai quật, bảo tồn Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, tương lai của di chỉ đặc biệt quan trọng này đã được “định hình”: Bảo tồn một nửa, khai quật một nửa, sau đó cho phép xây dựng các công trình phục vụ phát triển. Song, đáng ra, chúng ta đã có thể làm tốt hơn thế. 

Chưa được xếp hạng di tích, nên Di chỉ Vườn Chuối vẫn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.
Chưa được xếp hạng di tích, nên Di chỉ Vườn Chuối vẫn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

 Hồi kết “chưa hoàn hảo”

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một di chỉ gây ra nhiều tranh luận nhất trong những năm gần đây. Đó là di chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất của nước ta, đánh dấu quá trình phát triển của cộng đồng người Việt cổ cách đây 3.500 năm và kéo dài suốt 15 thế kỷ sau đó. Năm 1959, lần đầu di chỉ được khai quật và đã phát lộ nhiều hiện vật khảo cổ quan trọng. Từ đó đến nay, nhiều cuộc khai quật khảo cổ khác đã được triển khai. Kết quả là càng đào… càng thấy quý. 

Với đủ loại hiện vật trong lao động, sinh hoạt, chiến đấu… được làm từ nhiều chất liệu: đồng, đá, gốm, xương, sắt…, chúng ta có thể “dựng lại” nhiều nét về đời sống xã hội của người Việt cổ thời đại Hùng Vương. Song, điều gây tranh luận kéo dài chính là ứng xử với di chỉ. Ngay trước thời điểm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, chính quyền tỉnh Hà Tây (trước đây) quyết định biến khu vực này thành khu đô thị. Tiếp đó, một phần của di chỉ lại được đưa vào dự án xây dựng đường nối quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long (đường vành đai 3,5). 

Nhiều lần, các đơn vị thi công cho máy ủi, máy xúc san gạt, khiến di chỉ bị xâm hại nghiêm trọng. Nhưng di chỉ đặc biệt này, đáng ngạc nhiên là, vẫn chưa được công nhận di tích, nên không có cơ chế bảo vệ. Thậm chí, một nhóm nhà khoa học, đứng đầu là PGS Nguyễn Văn Huy từng phải viết đơn kêu cứu. 

Trong hai năm 2020 - 2021, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục tiến hành khai quật di chỉ Vườn Chuối. Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, trên diện tích 150m2 các hố khai quật đã cung cấp 613 hiện vật, hơn 106 nghìn mảnh gốm cổ và 19 mộ táng Ðông Sơn. Giá trị của di chỉ tiếp tục được khẳng định và việc bảo tồn là hết sức cần thiết. 

Từ những kết quả này, kết hợp ý kiến của các nhà khoa học, TP Hà Nội đề xuất với Cục Di sản văn hóa đề xuất hai phương án bảo tồn. Phương án 1: Bảo tồn khu vực phía đông di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Khu vực phía tây (khoảng 6.000m2) sẽ khai quật, di dời di tích, di vật rồi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình. Phương án 2: Bảo tồn toàn bộ khu vực (cả phía đông và phía tây, diện tích 12.000m2), thực hiện xếp hạng di tích, khai quật khảo cổ, xây dựng công trình phụ trợ. 

Tuyến đường 3,5 sẽ làm theo hình thức cầu cạn. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất “nghiêng” về phương án 1, với lý do hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, do khu vực phía đông mang những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho toàn bộ di chỉ. 

Mới đây, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản hồi đáp, thống nhất đề xuất phương án 1 của TP Hà Nội. Cục cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương tiến hành lập danh mục, xây dựng hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối để bảo vệ và phát huy giá trị. Vậy là, những tranh luận kéo dài quanh di chỉ Vườn Chuối đã có hồi kết khả dĩ, dù chưa như mong muốn của nhiều nhà khoa học. PGS, TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, nếu bảo tồn được diện tích lớn hơn là đáng quý, nhưng với việc bảo tồn 6.000m2 theo phương án được thống nhất cũng là “chấp nhận được”.

Bài học gì cho các di chỉ khác?

Khác với các di sản “nổi” khác như: đình, đền, chùa, phủ…, giá trị của di chỉ khảo cổ ít được công chúng biết đến. Những di vật, hiện vật mang những thông điệp mà thường chỉ các nhà nghiên cứu mới “giải mã” được. Do đó, sự quan tâm dành cho các di chỉ khảo cổ cũng ít hơn. Nhiều di chỉ trong tình trạng bị bỏ quên, từng bước bị hủy hoại bởi thời gian cũng như bàn tay con người. 

Với di chỉ Vườn Chuối, câu chuyện có thể “rẽ” sang một hướng khác, nếu được quan tâm sớm hơn. Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân Lai Xá, một “tình nguyện viên” nhiều năm bảo vệ di chỉ trước hành động xâm phạm của những kẻ đào trộm cổ vật ở Vườn Chuối cho biết: “Ngày trước, người dân đi làm đồng cũng có thể đào phải hiện vật. 

Khu vực mà chúng tôi phát hiện hiện vật khảo cổ rộng hơn khu mà nhà nước khoanh vùng 12.000 m2 bây giờ rất nhiều. Nhưng mỗi lúc bị cắt xén đi một ít. Bản thân chúng tôi không chỉ phải đối phó bọn trộm cổ vật mà cả những đơn vị xây dựng. Cứ mỗi khi họ san ủi, chúng tôi lại kêu cứu. Nếu không giờ không biết hiện trạng khu vực còn như thế nào”.

Gốc gác của vấn đề chính là việc thiếu hành lang bảo vệ cho di chỉ. Dù quan trọng đến mức PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá là thuộc diện “độc bản”, nhưng các cơ quan chức năng đã “quên” làm hồ sơ xếp hạng cho di tích này. Đến bây giờ, di chỉ vẫn chỉ là di chỉ, và vẫn chưa có cơ chế nào để bảo vệ theo luật. Rõ ràng, sự trù trừ, chậm trễ khiến di chỉ “bơ vơ”. Dù chỉ bảo tồn 6.000m2, nhưng nếu không vào cuộc nghiêm túc, thì di chỉ Vườn Chuối vẫn đứng trước nguy cơ bị xâm hại, thu hẹp trước tốc độ xây dựng của các công trình bê-tông, nhà cao tầng.