Phấp phỏng lo đầu vào
Năm học 2015-2016 là mùa tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai nhiều giải pháp đổi mới. Các phương thức xét tuyển đã linh hoạt, chủ động hơn; thí sinh (TS) cũng có điều kiện tự lựa chọn, quyết định tương lai một cách rõ ràng hơn. Trước kỳ thi năm ngoái, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng tuyên bố, với phương thức tuyển sinh mới, nguồn tuyển sẽ dồi dào và giảm ảo hơn; các trường sẽ có được lượng TS phù hợp với mình. Tuy nhiên, một thực tế “đắng chát” bao năm vẫn cứ xảy ra: trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) vẫn khó thu hút TS.
Những tưởng năm qua, “thị phần” của các trường nghề, TCCN được rộng mở khi nguồn TS có điểm thi THPT quốc gia dưới điểm sàn cao đẳng (CĐ) là 12 điểm khá dồi dào, thế nhưng các TS vẫn không chịu “lọt sàn xuống… trung cấp”.
Ths Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Đại Việt, tâm tư: “Tôi không hiểu nguồn tuyển của năm 2015 chảy đi đâu, tại sao các em không chịu theo học nghề và hệ TCCN (nguồn tuyển cả nước có đến hơn 500 nghìn TS). Tôi đồng ý xu hướng lựa chọn ngành nghề, bậc học nơi học sinh có thay đổi; nhưng chắc chắn lỗi còn nằm ở công tác hướng nghiệp, phân luồng kém. Đây thật sự là vấn đề đáng báo động”.
Theo tìm hiểu, chỉ riêng nguồn tuyển của các trường nghề và TCCN hiện nay tại khu vực TP Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ hai nhánh. Nhánh thứ nhất là số học sinh rơi ra (20%) trong tổng số khoảng 75 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không vào được lớp 10 công lập. Tuy vậy, thống kê nhanh cho thấy năm học vừa qua chỉ có hơn nghìn em theo học nghề. Nguồn tuyển thứ hai chính là đối tượng học sinh đã tốt nghiệp THPT (ước chừng sáu đến bảy trăm ngàn học sinh mỗi năm), nhưng đối tượng này chủ yếu cũng lại có xu hướng học ĐH, CĐ.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Năm 2015, cả nước có khoảng 165 trường ĐH, CĐ xét tuyển từ kết quả THPT. Theo đó, bậc ĐH xét TS có kết quả từ 6 điểm trở lên, CĐ là 5,5 điểm (chưa tính có rất nhiều trường xét tuyển theo đề án riêng bằng học bạ). Với mức điểm xét thấp như vậy, TS nào cũng có thể vào ĐH ngay cả khi không đủ điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ khiến cho các trường nghề, TCCN cạn nguồn tuyển”.
Nhận ra những thách thức phải đối mặt, thời gian gần đây, không ít cơ sở GDNN đã tự đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ giáo viên. Một số trường cũng đã làm tốt công tác phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cử cán bộ đến tận các trường phổ thông thực hiện tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp… Ấy vậy, việc tuyển sinh vẫn cứ èo uột. Ths Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng trường Trung cấp Ánh Sáng (quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Chính suy nghĩ học nghề là bậc học thấp, cơ hội việc làm không cao, cộng thêm công tác tư vấn, phân luồng sau THPT thiếu hiệu quả, nặng tính hình thức, chưa giúp học sinh định hình rõ khái niệm ngành nghề, vị trí nhân lực trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là “rào cản” khiến học sinh e dè khi đến với trường nghề”.
Trong khi việc tuyển sinh là thách thức sống còn đối với nhiều trường nghề thì phương án tuyển sinh hiện giờ vẫn phải thực hiện theo lối cũ. Nguyên nhân là mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật lại còn thiếu. Đây cũng là điều khiến ông Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường CĐ nghề cơ điện Hà Nội, bức xúc: “Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vẫn hướng dẫn các trường nghề tiếp tục tuyển sinh đến hết tháng 12-2016 theo Luật Dạy nghề cũ. Tôi cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 với nhiều ưu điểm, phù hợp thị trường lao động và xu hướng chung. Vậy mà chưa đi vào đời sống được chỉ vì chưa có văn bản hướng dẫn!?”.
Tại buổi tọa đàm “Góp ý Khung trình độ quốc gia” vừa được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ sự sốt ruột với sự chậm trễ trong việc hoàn thiện dự thảo Khung trình độ quốc gia về giáo dục - đào tạo (VQF). Trong bối cảnh hệ thống trình độ, văn bằng, chứng chỉ hiện nay thiếu tính thống nhất, thiếu mối liên hệ chặt chẽ với các điều kiện bảo đảm chất lượng, các nhà khoa học cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sớm hoàn thiện VQF để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Từ đó, các cơ sở giáo dục lấy làm căn cứ lựa chọn hướng đi, góp phần xây dựng nguồn nhân lực nước ta đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Bấp bênh chuẩn đầu ra
Dù đã chính thức gia nhập AEC nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện được Khung trình độ quốc gia giáo dục nghề nghiệp theo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). Chính vì vậy, hoạt động dạy nghề thiếu tính định hướng. Đây cũng là điều khiến nhiều lãnh đạo cơ sở GDNN đã khó càng thêm khó. Ông Trần Quang Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Du lịch) đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này ở ngành du lịch: “Chúng tôi đang có ba bộ tiêu chuẩn mà các cơ sở giáo dục không biết dựa vào bộ nào để xây dựng chương trình của mình cho phù hợp. Một bộ tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng; một bộ của bên Tổng cục Dạy nghề; bộ thứ ba là của chúng tôi (Tổng cục Du lịch) xây dựng theo chương trình dự án EU tài trợ. Trong đó, bộ tiêu chuẩn của Bộ chủ quản ngành Du lịch đã ban hành thành Thông tư được coi như chính thức nhưng lại chưa cập nhật những kiến thức hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Chương trình do EU tài trợ, hiện đại và tích hợp được cả tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của Việt Nam thì đã hơn một năm nay chúng tôi vẫn đang phải chờ cấp trên phê duyệt”.
Vẫn biết các trường nghề phải gắn với doanh nghiệp, nhưng vì chưa có cơ chế nào ràng buộc giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN nên việc kết hợp đào tạo chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, băn khoăn: “Vấn đề cơ sở đào tạo liên kết với doanh nghiệp, chúng ta cũng đã có rất nhiều quy chế, nhưng Luật thì chưa quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia quá trình đào tạo. Thực tế chỉ dừng lại ở việc khuyến khích các doanh nghiệp mà thôi. Vì thế, cơ chế chưa đủ mạnh để có hiệu quả”.
Tuy vậy vẫn cần phải nhấn mạnh sự èo uột của hệ thống GDNN còn do chất lượng đào tạo xa rời nhu cầu đời sống, chất lượng giáo viên chưa đồng đều. Thêm vào đó, tốt nghiệp ở các cơ sở GDNN vẫn khó tìm việc khi ra trường; cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học chưa thực sự hợp lý; chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN hiện nay chưa phù hợp với lứa tuổi, đối tượng người học sau tốt nghiệp THCS, v.v.
Cơ chế chính sách và chế độ cho giáo viên dạy nghề ở nước ta hiện còn khá nhiều vướng mắc. Đổi mới chính sách đãi ngộ cũng là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn trình độ giáo viên cần phải ngày một nâng cao. Mất người lao động, thậm chí là mất giảng viên, sinh viên tay nghề cao trên chính sân nhà là điều khiến ông Phạm Xuân Khánh, hiệu trưởng Trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội, lo lắng: “Gia nhập AEC, chúng ta cũng phải lường trước thách thức của thị trường lao động. Khi đó, nước nào có chế độ đãi ngộ tốt hơn sẽ dễ dàng thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngược lại, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ phải chấp nhận những người ở lại hoặc đến nước ta làm việc có tay nghề thấp”.
Đã đến lúc không thể phó mặc công tác GDNN cho riêng ngành giáo dục, hay ngành lao động, thương binh và xã hội – mà đòi hỏi trách nhiệm tham gia của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và toàn xã hội. Cần có nhiều hơn nữa những giải pháp tuyên truyền thực chất, tôn vinh vai trò của người thợ trong bối cảnh hôm nay, đổi mới đồng bộ chất lượng đào tạo cũng như chính sách đãi ngộ trong lĩnh vực GDNN, giúp các bạn trẻ tự tin học nghề để lập thân lập nghiệp.