Đặc sắc phong tục người Kumyk ở Bắc Kavkaz

Kumyk là một trong những dân tộc lớn nhất ở Dagestan, nước cộng hòa đa sắc tộc nằm ở Bắc Kavkaz, phần đất xa xôi nhất phía nam nước Nga.
0:00 / 0:00
0:00
Người Kumyk nhảy truyền thống tại lễ hội địa phương. Ảnh: NAZACCENT.RU
Người Kumyk nhảy truyền thống tại lễ hội địa phương. Ảnh: NAZACCENT.RU

Theo số liệu thống kê của trang Nazaccent.ru, hiện có hơn 503 nghìn người Kumyk đang sinh sống ở Nga, chủ yếu tập trung ở Dagestan với khoảng 432 nghìn người, chiếm 14,9% tổng dân số của nước cộng hòa.

Người Kumyk thuộc nhóm các dân tộc Turk. Từ xa xưa, họ là những cư dân đồng bằng, định cư dọc theo bờ tây của biển Caspi, quanh chân núi Dagestan, trong thung lũng sông Terek và ở chân dãy Terek. Từ “kumyk” trong ngôn ngữ địa phương có nghĩa là “cư dân thung lũng, đồng bằng ven sông”.

Văn hóa Kumyk có sự hòa trộn giữa một nền văn hóa nông nghiệp định cư với những nét đặc trưng của người vùng cao Kavkaz. Dân tộc Kumyk có một hệ thống các quy tắc ứng xử dân gian, gọi là “adats”. Những ai không tuân thủ, sẽ bị cả cộng đồng lên án và trừng phạt.

Người Kumyk đặc biệt hiếu khách. Các vị khách luôn được dành cho sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Chủ nhà không thể hiện sự hiếu khách sẽ bị coi là trái đạo đức và bị lên án nghiêm khắc. Gia chủ không được hỏi khách về mục đích của chuyến thăm. Người Kumyk cư xử thân thiện với người lạ, luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, nhất là đối với trẻ mồ côi. Trong mỗi ngôi nhà, dù tồi tàn đến đâu vẫn phải có một căn phòng đặc biệt dành cho những vị khách, được trang bị đồ đạc tốt nhất, trang trí bằng thảm.

Tục lệ kết hôn cũng mang những nét riêng. Nam, nữ có thể gặp gỡ trong các hoạt động tập thể hay các đám cưới, nhưng tiếng nói quyết định trong việc chọn cô dâu hay chú rể luôn thuộc về cha mẹ. Theo phong tục, sau khi bà mối đến thăm nhà gái vài lần, nhà trai bắt buộc phải trả một khoản tiền cho nhà gái. Cô dâu được tặng của hồi môn, thường là đồ dùng sinh hoạt và gia súc. Trước khi đám cưới diễn ra, cô dâu và chú rể không được công khai gặp gỡ. Đám cưới kéo dài trong ba ngày với những bàn tiệc được chuẩn bị riêng biệt cho nam và nữ. Khách mời đều mang theo quà tặng, cùng nhau nhảy múa và ca hát. Cô dâu được rước về nhà trai vào ngày thứ hai của lễ cưới.

Mỗi đứa trẻ ra đời đều là một sự kiện quan trọng, nhất là đối với các bé trai. Sinh càng nhiều con, gia đình càng được coi là hạnh phúc. Tuy nhiên, cha mẹ thường không thể hiện tình cảm với con cái trước mặt người lạ. Thậm chí, đến một độ tuổi nhất định, người cha không tham gia vào quá trình nuôi dạy con.

Trong gia đình, bổn phận của các thành viên luôn được phân chia rõ ràng. Tất cả những công việc ở bên ngoài ngôi nhà đều thuộc về trách nhiệm của người đàn ông. Còn những công việc trong nhà, xây dựng tổ ấm gia đình, được giao cho người phụ nữ. Nét đặc trưng này được thể hiện trong văn hóa dân gian Kumyk và được lưu giữ cho đến tận ngày nay. Người Kumyk có câu tục ngữ “Vợ nói, chồng nghe”, hàm ý nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong bảo vệ mái ấm, là người bạn đời chung thủy và người cố vấn cho chồng mình.

Bên trong mỗi căn nhà, dụng cụ ăn uống không chỉ là những vật dụng đơn thuần. Càng sở hữu nhiều đồ dùng bằng đồng, thì gia đình càng có được sự tôn trọng. Ngày nay, khi bước vào mỗi ngôi nhà của người Kumyk, có thể dễ dàng trông thấy những chiếc đĩa bằng đồng được treo một cách ngay ngắn trên tường.

Trong lịch nông nghiệp của người Kumyk, một năm được chia thành bốn mùa. Người dân địa phương cho rằng, nếu có sương giá vào mùa xuân thì đó là hậu quả của cuộc “chiến tranh” giữa mùa đông và mùa hè. Hằng năm, công việc đồng áng được khởi đầu bằng nghi lễ “đốt mùa đông” diễn ra vào ngày 20/3. Những đống lửa lớn được đốt lên ở khắp nơi, thanh niên quây quần chung quanh, chơi đùa, múa hát và nhảy qua đống lửa.

Bên cạnh đó, dân tộc Kumyk còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, nhất là văn học dân gian với những bài hát nghi lễ, thơ sử thi, truyện cổ tích, tục ngữ, câu đố… mang đậm những đặc sắc của cộng đồng, đang tiếp tục được gìn giữ và bảo tồn.