Đà phục hồi mong manh

Kết thúc hai ngày diễn ra hội nghị ở Marrakech (Morocco) vào cuối tuần qua, các quan chức tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu “không chắc chắn và không đồng đều”, đồng thời cảnh báo các vấn đề địa - chính trị và an ninh có thể gây ra những hậu quả đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: GUERRE
Biếm họa: GUERRE

Dưới sự chủ trì của Ấn Độ - nước Chủ tịch G20 năm nay, chương trình nghị sự của G20 chủ yếu nhằm giải quyết gánh nặng nợ của các nước đang phát triển, cải tổ các ngân hàng phát triển đa quốc gia và quản lý tài sản tiền kỹ thuật số. G20 bao gồm các thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7 - Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ), Liên minh châu Âu (EU) cùng với các nước đang phát triển và mới nổi như Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ...

Theo Bloomberg, trong tuyên bố chung sau, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 nhấn mạnh: “Nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trước những cú sốc gần đây, song triển vọng vẫn còn ảm đạm, không đồng đều và ngày càng phân nhánh”. Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động nghiêm trọng của các cuộc chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Các quan chức G20 nhắc lại sự cần thiết phải điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ và tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất bình đẳng, bảo đảm duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

Đây là lần đầu trong bảy cuộc họp, các quan chức tài chính G20 có thể đưa ra một tuyên bố chung do chia rẽ liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và nhiều thành viên G20 phải chật vật ứng phó tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vốn khiến giá nhiên liệu, nguyên liệu thô và vật liệu tăng cao.

Chung nhận định về triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu, Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% trong năm 2023, giảm so mức 3% của năm 2022 và ít có dấu hiệu hồi phục trong năm 2024. Trong Báo cáo Thương mại và Phát triển 2023, UNCTAD cảnh báo kinh tế toàn cầu trì trệ, tăng trưởng bắt đầu chậm lại ở hầu hết các khu vực từ năm 2022 và chỉ có một số ít các quốc gia có thể đi ngược xu hướng này. Theo báo cáo, kinh tế toàn cầu đang ở “ngã ba đường” với các hướng tăng trưởng khác nhau, bất bình đẳng gia tăng, thị trường ngày càng thu hẹp và gánh nặng nợ công chồng chất phủ bóng lên triển vọng kinh tế.

Theo báo cáo, trong bức tranh toàn cảnh kinh tế - thương mại toàn cầu trong năm 2023 chỉ có một số điểm sáng như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ còn giữ sức bền tốt, các nền kinh tế khác lại phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng. Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách, sự khác biệt này làm gia tăng quan ngại về con đường tiến về phía trước của nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cho rằng, cần có các cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, các chính sách thực tế hơn để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nợ công cũng như các biện pháp tăng cường giám sát các thị trường quan trọng. UNCTAD cũng hối thúc bảo đảm các thị trường minh bạch và được quản lý tốt để hệ thống thương mại toàn cầu công bằng hơn.

Theo Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan, để bảo vệ tốc độ hồi phục kinh tế thế giới đang khá mong manh trước những cuộc khủng hoảng hệ thống trong tương lai, thế giới cần tránh các sai lầm chính sách trong quá khứ và ủng hộ chương trình nghị sự cải cách tích cực. Thế giới cần một bộ chính sách cân bằng về tài khóa, tiền tệ và các biện pháp liên quan nguồn cung để đạt được trạng thái tài chính bền vững, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả và tạo ra những việc làm tốt hơn. Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý phù hợp để giải quyết tình trạng bất đối xứng ngày càng rõ nét giữa hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.