Làn sóng hiện đại hóa ở Nam bán cầu

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) năm 2024 diễn ra tại Bắc Kinh đã kết thúc, với cam kết của Trung Quốc tài trợ 50 tỷ USD cho “lục địa đen” trong 3 năm tới. Việc Trung Quốc và châu Phi cùng thúc đẩy hiện đại hóa sẽ khởi động làn sóng hiện đại hóa ở Nam bán cầu và mở ra chương mới cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: XIA QING
Biếm họa: XIA QING

FOCAC 2024 diễn ra từ ngày 4 đến 6/9 với sự tham dự của lãnh đạo Trung Quốc và hơn 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres. Đây là sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức trong nhiều năm qua.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, qua gần 70 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi hiện ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề xuất nâng cấp quan hệ song phương giữa Trung Quốc với tất cả các nước châu Phi có quan hệ với nước này lên mức quan hệ chiến lược. Theo ông, hai bên đã duy trì hợp tác và phối hợp trong các vấn đề lớn của khu vực và thế giới, cũng như cùng đưa tiếng nói của các nước Nam bán cầu trở nên mạnh mẽ hơn. Ông tin tưởng với sự hợp tác chặt chẽ, hai bên sẽ gặt hái được những thành quả mới.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, khoảng 30% dân số thế giới sinh sống tại Trung Quốc và châu Phi, do đó hiện đại hóa tại hai khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa toàn cầu. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ châu Phi xây dựng động cơ tăng trưởng xanh, thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận năng lượng, tuân thủ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, cùng thúc đẩy chuyển đổi xanh và carbon thấp toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình cho biết, trong 3 năm tới, Trung Quốc cam kết tài trợ 50 tỷ USD cho châu Phi, tạo ra 1 triệu việc làm tại lục địa này và cùng châu Phi triển khai 10 hành động đối tác lớn thúc đẩy hiện đại hóa. Kế hoạch hành động đối tác giữa Trung Quốc và châu Phi tập trung vào 10 lĩnh vực, bao gồm học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh, thịnh vượng thương mại, hợp tác chuỗi công nghiệp, kết nối, hợp tác phát triển, y tế, nông nghiệp và sinh kế, giao lưu nhân dân và văn hóa, phát triển xanh và an ninh chung.

Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng hối thúc các nhà lãnh đạo châu Phi giải quyết những bất công còn tồn tại, đồng thời kêu gọi dành một ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cho khu vực này. Ông Guterres nêu bật những thách thức đang diễn ra tại “lục địa đen”, trong đó có tình trạng thiếu nguồn tài trợ cho phát triển bền vững. Người đứng đầu LHQ cho rằng, việc các nước châu Phi không được tiếp cận đầy đủ các biện pháp xóa nợ, cùng với tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên, là nguyên nhân gây bất ổn xã hội ở lục địa này. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở châu Phi đặt ra những thách thức đáng kể về tài chính, đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tiện ích xã hội để đáp ứng dân số đô thị ngày càng tăng.

Ông Guterres nhận định, các sáng kiến của Trung Quốc hỗ trợ châu Phi có thể thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, giúp ổn định hệ thống lương thực, tăng cường kết nối kỹ thuật số, thương mại và công nghệ. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với LHQ vì hòa bình, ổn định, phát triển và phục hồi của châu Phi, đồng thời đánh giá cao sự tập trung nhất quán của LHQ dành cho khu vực này. Các nước châu Phi kêu gọi tìm ra giải pháp sáng tạo cho các thành phố ở châu lục này phát triển thành trung tâm của "hy vọng, tăng trưởng và thịnh vượng".

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi, các nước tham gia đã thông qua tuyên bố về xây dựng cộng đồng Trung Quốc - châu Phi chia sẻ tương lai cho kỷ nguyên mới. Bên lề hội nghị, Trung Quốc thông báo thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Libya và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Cameroon.