Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước quyết định cử hành trọng thể tang lễ đồng chí trong hai ngày (25 và 26/7) với nghi thức cao nhất: Quốc tang.
Trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân" đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhấn mạnh: "Xuyên suốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới... Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn".
Trả lời báo chí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo ưu tú tiêu biểu. Đồng chí là nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta và cũng là một nhà hoạt động thực tiễn phong phú, sâu sắc. Cả cuộc đời của đồng chí luôn luôn đau đáu sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Nhìn nhận thành tựu của người đứng đầu Đảng ta, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết những thành tựu phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bằng những lập luận khoa học, sắc sảo, đầy sức thuyết phục".
Với bài viết "Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng" đăng tải trên trang nhất Báo Nhân Dân ngày 22/7, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: "Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", nhất quán giữa nói và làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"...
Trang "Tri thức chuyên sâu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" trên Báo Nhân Dân điện tử được ra mắt sáng 20/7/2024. Tính đến ngày 24/7, chuyên trang cập nhật hơn 250 tin, bài, ảnh, video, thu hút hơn 10 triệu pageview, trong đó nhiều tin, bài đạt kỷ lục cao về lượt truy cập. Chuyên trang cũng nhận phản hồi tích cực của bạn đọc trên mạng xã hội với hàng nghìn ý kiến chia sẻ, bày tỏ tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua Fanpage của Báo Nhân Dân. |
Ngay sau Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, tạm dừng một số sự kiện quan trọng, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí.
Tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người lấy hình ảnh Quốc kỳ mang dải băng tang làm hình nền, để ảnh đại diện mầu đen như để tưởng nhớ một người thân trong gia đình qua đời. Niềm kính trọng và yêu mến của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến một cách tự nhiên, dung dị như thế, từ trái tim mỗi người.
Có lẽ, người dân thôn Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) mang nhiều hồi ức nhất về tuổi thơ gian khó của người con quê hương, người bạn, người học trò ưu tú Nguyễn Phú Trọng. Gắn bó với "bạn Trọng", "ông Trọng", cách gọi vừa trìu mến vừa trân trọng về người bạn thân suốt thời học phổ thông trường làng, rồi những tháng ngày ở trọ khi theo học Trường cấp 2-3 Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội), cụ Ngô Bá Dục (xóm 7, thôn Lại Đà) bùi ngùi nhớ từng kỷ niệm: "Hành trang đi học hồi ấy của tôi hay anh Trọng chỉ là 15 đấu gạo (tương đương 15 kg) thôi, còn chuyện tiền để tiêu phải tự lo lấy. Khi ấy, chúng tôi thuê trọ ở cùng nhau. Để tiết kiệm, chúng tôi phải vớt những cành củi dạt trên sông Hồng, đem về phơi khô để đun nấu. Bữa cơm cũng chỉ có gạo cùng rau. Buổi chiều học xong lại tranh thủ đi nhờ xe vào khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân, kiếm thêm tiền mua sách vở, đồ dùng cá nhân. Cả hai chúng tôi đều quyết tâm phải học cho bằng được".
Ham học lại thông minh nên hết lớp 10, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thi đỗ Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, còn người bạn học Ngô Bá Dục thi đỗ Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Cụ giáo Ngô Bá Dục cho biết: "Bạn Trọng là một con người khiêm tốn, liêm khiết; dù chức vụ có cao nhưng chẳng hề quan cách. Nhiều lần nói chuyện, tôi chỉ biết công việc của ông ấy rất bận nhưng cứ hễ về đến thôn nhà là lại tay bắt mặt mừng với tất cả bà con chòm xóm. Ngày mẹ tôi mất, dù bận việc như thế, nhá nhem tối, ông Trọng vẫn tìm về. Ông ấy sống rất tình cảm".
Cụ Dục kể thêm: "Anh em chúng tôi có ban liên lạc riêng, mỗi năm lại tổ chức họp lớp với nhau. Tôi nhớ như in, thời ông Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, có lần, chúng tôi họp lớp tại phố Đặng Tất, ông đi xe ôm đến khiến nhiều người ngỡ ngàng. Khi ấy, có ông cán bộ gần đó nhìn thấy, giật mình tưởng xảy ra chuyện gì để lãnh đạo Thành phố phải đến".
Mỗi người có dịp may mắn được gặp gỡ, làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều ghi nhớ những ấn tượng khó quên.
Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều nhớ mãi lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp đưa thư mời bác dự kỷ niệm 70 năm thành lập trường (năm 2020). Qua nhiều thủ tục, ông đã được gặp Tổng Bí thư suốt 45 phút. Nhắc lại cuộc gặp ấy, thầy giáo Kiên xúc động: Tôi rất bất ngờ khi Tổng Bí thư chào và gọi tôi là “thầy”, xưng “em”. Suốt cuộc trò chuyện, cách gọi ấy của bác không hề thay đổi. Tôi thưa rằng, tôi biết bác rất bận rộn việc Đảng, việc nước song vẫn mạn phép gửi tới bác lời mời về trường cũ dự lễ kỷ niệm. Bác nói với tôi: “Thưa thầy, đối với em, đây là việc rất quan trọng. Giấy mời em đã nhận và đã xem. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép và nếu Bộ Chính trị không có việc đột xuất, em sẽ về dự”. Bác còn hỏi, nhà trường có mời các thầy cô giáo cũ không? Có mời các học sinh cũ không? Chỉ với hai câu hỏi đó, tôi đã nhận thấy ở bác sự tế nhị, khiêm cung hiếm có”.
Nhớ lại thời gian được sinh hoạt cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2016-2021) với đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chia sẻ: “Được gặp gỡ, tiếp xúc với bác trước đó hơn chục năm, từ khi bác đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhưng nay, tôi được gặp bác thường xuyên hơn, có cơ hội học hỏi từ bác nhiều hơn. Điều cảm nhận chung của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn về bác, đó là bác rất gần gũi, quan tâm, thấu hiểu các thành viên và anh chị em văn phòng làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ; gương mẫu chấp hành nội quy, quy chế của Đoàn. Kỷ niệm với đồng chí Tổng Bí thư đã giúp tôi có được bài học lớn, dù ở cương vị nào, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải luôn gương mẫu chấp hành quyết định của tập thể, của tổ chức”...
Với thế hệ trẻ, được gặp và được vị lãnh đạo cao nhất của Đảng căn dặn, động viên, khích lệ vừa là vinh dự lớn vừa là kỷ niệm khó phai mờ. Anh Phạm Đức Anh, 24 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hai lần. Lần đầu là vào cuối năm 2018, khi ấy, bác đang giữ chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, Đức Anh và các học sinh, sinh viên đạt thành tích đặc biệt trong học tập được tuyên dương tại Phủ Chủ tịch. Lần thứ hai là vào đầu năm 2021, Đức Anh được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trực tiếp nghe Tổng Bí thư phát biểu tại cả hai phiên khai mạc và bế mạc.
“Biết bao lần thấy bác qua chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi luôn ấn tượng, kính trọng phong cách lãnh đạo giản dị và gần gũi với nhân dân của bác. Cảm giác đó trở nên chân thực hơn bao giờ hết khi tôi được trực tiếp gặp bác. Tôi vẫn cảm thấy rất xúc động khi nhớ lại cái bắt tay ấm áp cùng những lời khích lệ ân cần của bác. Trong buổi gặp mặt đó, lớp trẻ chúng tôi luôn được bác nhắc đến đầu tiên. Bác dạy chúng tôi, rằng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, và thế hệ trẻ chúng tôi đã góp phần không nhỏ để nước Việt Nam ta “có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay”. Bên cạnh đó, bác cũng nhấn mạnh rằng, chúng tôi cần lấy những thành tích đã có làm bàn đạp để nỗ lực phấn đấu hơn nữa, tiếp tục trau dồi cả “đức” và “tài”. Đức Anh chia sẻ thêm, anh luôn cảm nhận được sự quan tâm của bác Tổng Bí thư dành cho tuổi trẻ Việt Nam, bác mong muốn thanh niên phấn đấu trở thành những người ưu tú, nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sáng 20/1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Cứ thế, những câu chuyện cảm động về đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn được kể mãi. Suốt chặng dài 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, cả một đời học tập và làm việc, tận hiến vì nước vì dân, kinh qua rất nhiều vị trí công tác khác nhau, nắm giữ các cương vị lãnh đạo quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đồng chí Tổng Bí thư đã để lại trong tâm khảm cộng sự, đồng nghiệp, đồng bào biết bao kỷ niệm sâu sắc về một nhân cách và một trí tuệ lớn.
Chúng tôi, những người thực hiện số báo đặc biệt này, cũng thật sự xúc động, khi lần giở từng trang tài liệu, nghe lại từng đoạn ghi âm, xem lại những thước phim có hình ảnh và giọng nói của Tổng Bí thư... Còn đó vẹn nguyên lời của đồng chí: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; “dựa vào nhân dân mà làm việc”; “phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu nhân dân”…
Trong gần 60 năm cống hiến, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có hơn 13 năm giữ chức Tổng Bí thư, có gần ba năm đồng thời đảm nhiệm chức Chủ tịch nước, hai khóa là Chủ tịch Quốc hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn trong mọi lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá,... trở thành hình mẫu về phong cách sống, làm việc để các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo.