Đã đến lúc chuyển sang cạnh tranh bằng giá trị

Sự chuyển mình từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị là con đường để Việt Nam gia tăng vai trò như một đối tác thương mại quan trọng đối với Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ tiên tiến để vươn lên thứ bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: TIÊN GIANG
Các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ tiên tiến để vươn lên thứ bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: TIÊN GIANG

Trong cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 2/2025 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper đã khẳng định, phía Hoa Kỳ mong muốn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Sự bổ trợ của hai nền kinh tế

Theo dữ liệu từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng gần 18% mỗi năm. Riêng năm 2024, con số này là 20%, tương ứng quy mô 123,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Hoa Kỳ, sau Trung Quốc và Mexico. Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ; cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp, mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước này trên thị trường nội địa, nên còn tạo điều kiện để người tiêu dùng sở tại được sử dụng hàng hóa giá rẻ của Việt Nam.

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP, dù Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ rất nhiều, nhưng nước này không có biện pháp hạn chế và chính sách thương mại của Hoa Kỳ cũng không quá căng thẳng với Việt Nam. Hoa Kỳ đang coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao kinh tế nên kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội.

Chia sẻ quan điểm này, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Quỹ đầu tư VinaCapital tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu ổn định trước những biến động về chính sách thuế quan của nhiều quốc gia. Có được điều này chính là nhờ chính sách ngoại giao của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới. Do vậy, dù có thể Hoa Kỳ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy vậy, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị, việc tăng trưởng nóng tại thị trường này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng hơn việc tuân thủ các quy định trong thương mại, tránh nguy cơ bị khởi kiện điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế cũng như các hạn chế khác mà Mỹ có thể đặt ra để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Cần tái cơ cấu một cách sâu rộng, toàn diện

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, trong bốn năm tới, chính quyền mới của Mỹ dự kiến sẽ giảm bớt sự tham gia vào các mô hình hợp tác kinh tế đa phương, coi đây là yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia này. Thay vào đó, Hoa Kỳ sẽ ưu tiên hợp tác song phương với từng đối tác, dễ dàng trong đàm phán, quản lý và thực hiện các hiệp định bảo đảm lợi ích kinh tế của mình.

Để ứng phó các biến động thuế quan, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, tránh phụ thuộc vào một thị trường, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và cần chủ động điều chỉnh linh hoạt hướng đi. Đặc biệt, ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu cần duy trì kế hoạch sản xuất hợp lý để tối ưu công suất, giảm giá thành và tái cơ cấu toàn diện cả về lượng và chất. Đồng thời doanh nghiệp phải linh hoạt điều chỉnh chính sách bán hàng, đổi mới sản xuất và theo dõi sát sao chính sách thương mại của Hoa Kỳ để kịp thời điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Sự chuyển mình này, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị, có thể làm nổi bật vai trò của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ trong tương lai. Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, các cơ quan quản lý trong nước có thể cân nhắc một số biện pháp chính sách tức thời nhằm duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Việc cung cấp ưu đãi thuế tạm thời hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu là giải pháp giúp bù đắp cho mức gia tăng chi phí mà biến động tỷ giá hối đoái và giá nhập khẩu tăng có thể gây ra. Mặc dù vấn đề thuế quan đặt ra nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội chuyển mình thúc đẩy làn sóng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng trong các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam.