Theo dữ liệu từ Fiintrade, dư nợ margin quý III/2024 đạt hơn 228.000 tỷ đồng và tăng 4% so với quý liền trước. Khi nói đến margin, suy nghĩ ban đầu sẽ là tiền “bơm” cho hoạt động lướt sóng ngắn hạn, mua bán từng ngày, nhưng thực chất trong khoảng nửa thập kỷ gần đây, margin còn chảy vào những “phân khúc” khác trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Thông tin có thể thấy rõ nhất chính là “sếp” của doanh nghiệp (DN) niêm yết nào đó, bị công ty chứng khoán (CTCK) bán giải chấp cổ phiếu (CP), và đây cũng chính là một “nguồn” ăn nên làm ra của margin. Chẳng hạn, lãnh đạo hay cổ đông lớn của DN niêm yết có trong tay 1 triệu CP với giá thị trường khoảng 30.000 đồng/CP, tức giá trị tài sản 30 tỷ đồng. Nếu “sếp” này đem 1 triệu CP làm tài sản thì có thể vay số tiền lên đến 30 tỷ đồng để mua thêm CP và tăng sở hữu lên gấp đôi. Tất nhiên khách hàng margin kiểu này được xem như khách hàng VIP của CTCK và thường nhóm này cũng mua và giữ trong dài hạn. Càng nhiều cổ đông lớn, lãnh đạo DN vay margin dạng này thì CTCK sẽ có nhiều thu nhập từ lãi cho vay, dù rằng giá trị giao dịch hằng ngày không tăng.
Ngoài nhóm khách VIP kể trên, thực tế ngay trong nhóm NĐT cá nhân cũng có thể thay đổi trong chiến lược giao dịch. Ngoài dùng margin lướt sóng ngắn hạn tính theo ngày thì mua và giữ theo tháng và theo quý cũng là cách thức mà không ít NĐT cá nhân sử dụng. Thử đặt ra tình huống nếu lãi suất vay margin trung bình là 10%/năm, tương đương lãi margin trong I quý là 2,5%, nếu trong quý đó CP chỉ cần tăng khoảng 5-7% thì phần lãi thực tế sẽ dư sức bù đắp cho chi phí lãi vay. Khi TTCK ngày một biến động trong ngắn hạn, rất khó để “ăn sóng ngắn” thì việc lựa chọn CP có nền tảng tốt, tiềm năng phát triển trong dài hạn, mua ở mức giá tốt và ít nhất nắm giữ theo quý cũng là một lựa chọn phù hợp.
Tất nhiên, khi margin tăng cao cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, và đó cũng là lý do, khi thị trường có khoảng hai phiên giảm mạnh trở lên luôn xuất hiện những nhận định kiểu như có thể dẫn đến áp lực giải chấp. Mà nếu điều này xảy ra luôn có những thiệt hại nhất định và đòi hỏi CTCK sẽ phải có giải pháp quản trị rủi ro để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Mặt khác, NĐT cá nhân cũng phải sẵn sàng đưa yếu tố rủi ro margin vào kinh nghiệm phân tích của mình, để nếu có dấu hiệu xảy ra, sẽ kịp nhận định, tính toán và phân tích phù hợp.