Cẩn trọng với thao túng

Việc 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) được chỉ ra cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025) có thể xem là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư (NĐT). Nhưng mặt khác, chính các NĐT cũng phải có sự chung tay với cơ quan quản lý để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật cho thị trường.
0:00 / 0:00
0:00

Hành vi số 1 được xem là thao túng chứng khoán là “Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo”. NĐT dày dạn kinh nghiệm chắc chắn nhận ra hành vi kiểu này và thực tế thì không cần có quá nhiều kinh nghiệm cũng nhận diện được vì hiện nay có nhiều công cụ phân tích, số liệu, thậm chí là AI (trí tuệ nhân tạo) trợ lực.

Kịch bản làm giá cổ phiếu (CP) được xem là thô thiển bậc nhất chính là bỗng dưng khối lượng giao dịch vượt trội, từ chỗ vài chục hay vài trăm nghìn CP mỗi ngày bỗng vọt lên vài triệu CP trong cùng khoảng thời gian. Dù giao dịch CP sôi động nhưng bản chất hoạt động của doanh nghiệp (CP) không có gì đột phá thì khả năng rất cao là CP bị thao túng. Và cần nhấn mạnh là 6 hành vi được cơ quan quản lý chỉ ra đã đánh thẳng vào cốt lõi trong hoạt động thao túng chứng khoán đó là tạo nhiều tài khoản chân rết, xào xáo CP tạo cung cầu ảo.

Về khách quan, theo thời gian, các tiêu chuẩn, thông lệ của TTCK sẽ được nâng lên và góp phần thanh lọc những hành vi kiểu này. Chẳng hạn, DN thể hiện kết quả kinh doanh bết bát, công bố thông tin không minh bạch đương nhiên không thể thu hút được những dòng tiền lớn, dòng tiền của các NĐT kỳ cựu, chuyên nghiệp. Nhưng vẫn còn đó những “vùng xám” tạo cơ hội cho các hoạt động làm giá mà ở đây là sự mạo hiểm trong giao dịch đôi khi vượt quá khả năng chịu đựng rủi ro.

Chẳng hạn, nếu NĐT nào đó không có kỷ luật trong giao dịch, đánh giá kỹ lưỡng vị thế của DN trong ngành, xem xét báo cáo tài chính, lịch sử biến động của giá CP mà chỉ giao dịch theo kiểu thấy tăng thì mua sẽ rất dễ rơi vào bẫy thao túng. Ngược lại, nếu những NĐT cá nhân, thường chiếm số đông, quyết liệt nói không với những CP dạng này thì có thể dự báo được chỉ trong thời gian ngắn, các hành vi thao túng lập tức giảm rất mạnh. Với 6 hành vi thao túng được đã được chỉ rõ, thậm chí có thể được xây dựng thành những mô hình cảnh báo sớm cho NĐT. Lịch sử đã chỉ ra có những CP tăng quá nóng và từng có công ty chứng khoán cảnh báo. Hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, sẽ có nhiều tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.

Mặt khác, khi dòng tiền không đổ nhiều về những CP bị làm giá, tính ổn định của TTCK sẽ gia tăng, vì dòng tiền sẽ hướng đến những CP có chất lượng. Nhờ vậy, thanh khoản của thị trường sẽ ổn định, những biến động bất thường trong ngắn hạn cũng giảm và đương nhiên, khi dòng tiền tham gia vào những CP tốt thì cơ hội sinh lãi cho NĐT cũng sẽ cao hơn, qua đó nâng cao trình độ cũng như kinh nghiệm cho các NĐT mới một cách nhanh chóng.