Hiệu quả nhân sự chứng khoán

Ông Lê Anh Trí, một môi giới chứng khoán kỳ cựu phân tích: “Hiện nay, một môi giới trụ được với nghề sẽ có tổng giá trị giao dịch từ khách hàng vào khoảng 6-7 tỷ đồng/tháng.
0:00 / 0:00
0:00

Để đạt được mức này cần khoảng 10-15 khách hàng có giá trị tài sản trung bình 300-500 triệu đồng/người. Và tôi có thể khẳng định mức này là không khó cho số đông nhân viên môi giới hiện nay. Thậm chí, có bạn nào chưa đạt được doanh số thì cũng có thể được đồng đội hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau”.

Cần biết rằng, tại một số công ty chứng khoán lớn, chỉ tiêu hằng tháng về giá trị giao dịch cho môi giới có thể lên đến 20-30 tỷ đồng. Theo mức này thì nhân viên sẽ được hưởng hoa hồng tầm 6-9 triệu đồng cộng với lương tháng 5-6 triệu đồng, tức là thu nhập dao động từ 10-15 triệu đồng. Dưới mức này thì khả năng sẽ bị đào thải, nhưng hoàn toàn có thể được một số công ty chứng khoán khác chào đón nếu giữ được số khách hàng ruột của mình. Cuộc đua thị phần một mặt rất gay gắt, nhưng mặt khác cũng tạo ra cơ hội cho nhân sự tìm kiếm những môi trường làm việc vừa sức. Chẳng hạn, công ty chứng khoán nào muốn mở rộng thị phần, chưa quan tâm tới lợi nhuận thì có thể chi hoa hồng cao lên, không cần áp chỉ tiêu giá trị giao dịch hằng tháng quá cao, lập tức sẽ hút được nhân viên và cả cộng tác viên tham gia.

Chị Thanh Hương, một môi giới với hơn 10 năm làm nghề cho biết, khó khăn lớn nhất là phải chuẩn bị cơ số khách hàng đa dạng để dự phòng cho những thời điểm thị trường khó khăn. Khi thị trường ảm đạm, khách hạn chế giao dịch nhưng nhân viên vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu. Lúc này, ai có những khách hàng sẵn sàng giải ngân, có tầm nhìn dài hạn thì có lợi, bằng không thì áp lực “chuyển công tác” là rất rõ ràng dù có thể doanh số đạt được lúc thị trường thuận lợi là rất cao.

Một xu hướng thanh lọc cũng đang diễn ra, dù không lớn, nằm ở khối vận hành. Theo đó, việc phát triển công nghệ trong quản lý cũng sẽ gia tăng hiệu quả công việc và cần ít con người hơn, nên khối vận hành tại nhiều công ty chứng khoán cũng có sự cắt giảm.

Việc cắt giảm nhân sự thường không nằm ngoài xu hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Nhưng trong thực tế, việc cắt giảm nhân sự trong ngành chứng khoán diễn ra thường xuyên và bên cạnh đó cũng là hoạt động tuyển dụng. Nên có thể nói một phần nào đó, ngành chứng khoán ít có những cú sốc nhân sự lớn. Cũng nên biết rằng, đầu vào của ngành chứng khoán trong khoảng 10 năm nay liên tục được nâng lên với những yêu cầu cao về bằng cấp, kinh nghiệm và hiệu quả bước đầu. Việc “siết” đầu vào này đã tạo ra một lớp nhân sự nhìn chung là khá chất lượng. Điều này cũng dẫn đến việc phần lớn nhân sự đã “lo xa” ngay từ đầu, liên tục tìm kiếm cơ số khách hàng mới cũng như tư vấn hiệu quả để có thể trụ vững với nghề.