Sức hấp dẫn của chứng khoán

Cho dù có nhà đầu tư (NĐT) nào tuyên bố cắt lỗ, hay đóng ứng dụng giao dịch (app) do VN Index biến động thất thường trong nhiều năm qua, cũng không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán (TTCK). Đó là điều chắc chắn. Và trong một năm 2024 nhiều biến động bất ngờ, thậm chí có những thời điểm bi quan thì kết thúc năm nay vẫn đầy những thành quả lạc quan và năm 2025 cũng sẽ hứa hẹn những điều tương tự.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày cuối năm 31/12/2024, VN Index giao dịch khá trầm lắng ở vùng 1.270 điểm, nhưng nên nhớ rằng, tại mốc này, VN Index đã tăng gần 150 điểm so với cách đây 1 năm. Và suất sinh lời của VN Index trong khoảng thời gian 1 năm vào khoảng 12%, nghĩa là gấp đôi so với đem tiền gửi vào ngân hàng. VN Index đã có 4 lần rơi vào khu vực dưới 1.200 điểm và chỉ cần 1 lần tận dụng thành công cơ hội này thì NĐT có thể sinh lãi 15-20% chỉ trong 7 - 10 ngày. Và kể cả NĐT thận trọng nhất, mua vào những cổ phiếu (CP) được xem là có tính phòng thủ cao trong nhiều năm qua như BVH (Bảo Việt) hay FPT (Tập đoàn FPT) thì suất sinh lời đã có thể đạt từ 20-100%, thậm chí hơn nữa nếu sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) phù hợp. Trong suốt năm 2024 chưa có một đợt bán tháo hay giảm sâu nào quá 100 điểm như năm 2022. Nói tóm lại, không thể đòi hỏi gì hơn với TTCK trong năm 2024 và trong thời gian sắp tới.

Một điều chắc chắn là thị trường đã liên tục thay đổi và nếu NĐT không kịp thay đổi thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Trong xu hướng này nên bỏ đi những cách tiếp cận chưa phù hợp. Chứng khoán là một cuộc chơi dài, nhưng nhiều NĐT, nhất là NĐT trẻ dưới 30 tuổi hiện nay lại tiếp cận thị trường qua mạng xã hội, vốn chuộng nội dung ngắn. Điều này sẽ dẫn đến những tư duy kiểu “đón uptrend thế kỷ” hoặc nếu thua lỗ thì “bán hết, đóng app”. Thị trường bị chi phối bởi cảm xúc, nhưng nếu muốn chiến thắng, NĐT phải kiểm soát được cảm xúc. Có thể những cơn “sóng thần” của thị trường rồi sẽ đến trong tương lai, nhưng nếu chưa đến thì NĐT cần biết thích nghi thay vì giao dịch theo cách cũ, mua CP rồi chờ, nhưng chờ mãi không thấy lên lại đem bán, đến khi bán xong, CP mới lên và dẫn đến cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Thử nhìn sang một ngành nghề trong thời gian dài được xem là hấp dẫn, đó là kinh doanh ăn uống (F&B) thì suất sinh lời đã giảm từ 50 - 100%/doanh thu, xuống chỉ còn khoảng 10-20%/doanh thu hiện nay. Hoặc như mua vàng thì chênh lệch giữa giá mua - bán có thể lên đến vài triệu đồng sẽ khiến người mua bị lỗ nếu muốn bán ra lập tức sau khi mua.

Những thống kê này chỉ ra rằng, trong xu hướng khắc nghiệt của đầu tư kinh doanh nói chung, chứng khoán tất nhiên phải chịu ảnh hưởng, không thể có chuyện các ngành nghề khác khó sinh lời mà chứng khoán lại mua đâu thắng đó. Nhưng cứ nhìn vào suất sinh lời của rất nhiều CP trong rổ VN30, tức những CP đầu ngành, trong năm qua lên đến vài chục % sẽ thấy sức hấp dẫn của chứng khoán vẫn còn nguyên. Điểm khó nhất chính là việc NĐT phải kiên nhẫn, thận trọng hơn trong việc lựa chọn CP và nếu đã chọn được CP tốt rồi, cần sẵn sàng nắm giữ với thời gian tính bằng quý trở lên thay vì theo tháng và theo tuần. Nếu đi theo chiến lược này, năm 2025 với những kỳ vọng (chẳng hạn như nâng hạng thị trường), NĐT sẽ còn nhiều cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận khả quan.