Theo số liệu của Dealogic công bố tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức, các thương vụ M&A được công bố trên toàn cầu tính tới ngày 25/9 đạt 846,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỷ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn. Tuy nhiên, trong bình diện chung đó, khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực Đông Nam Á lại khá ảm đạm. Dù lãi suất được điều chỉnh giảm và các chính sách tiền tệ phù hợp được ban hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song do ảnh hưởng từ những thách thức toàn cầu lẫn khu vực, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn thận trọng và hạn chế hoạt động M&A.
Thị trường M&A Việt Nam cũng có chiều hướng chậm lại. 10 tháng qua, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, theo thống kê của KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, với các nhà đầu tư (NĐT) trong nước là động lực chính.
Có lẽ chưa cần dẫn số liệu thì nhiều nhà đầu tư (NĐT) cũng cảm nhận 2024 không phải là một năm quá sôi động của hoạt động M&A, nhưng đây là điều bình thường bởi có lúc thăng, phải có lúc trầm. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là chất lượng của các thương vụ M&A vẫn tiếp tục được gia tăng. Một thống kê đáng chú ý là giá trị trung bình của thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2024 lên đến 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp. Và nên biết rằng, đây vẫn là những ngành hấp dẫn trong nhiều năm, và kể cả bất động sản có đang gặp thách thức thì sức hút trên thị trường M&A vẫn rất lớn.
Về mặt cảm tính, có thể nói M&A thời gian gần đây không có sức thu hút như trước còn do việc NĐT hay thị trường tài chính đã quá quen với công cụ M&A. Mặt khác, việc các thương vụ M&A ngày càng được chuẩn bị, vận hành, thực hiện một cách kỹ lưỡng, mượt mà bởi các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp cũng khiến cho tính chất căng thẳng giảm đi và mục đích cuối cùng là tối ưu hóa lợi ích cho các bên. Những thương vụ M&A gây nhiều tranh cãi cũng giảm khá nhiều. Vì vậy, có thể nói hoạt động M&A trong thời gian sắp tới, dù ở bất kỳ quy mô nào cũng sẽ được nâng cao về chất lượng, cả bên mua và bên bán đều sẽ được “nâng tầm” và lợi ích cho cổ đông nhìn chung sẽ phải được tối ưu hóa.