Cần phải nhấn mạnh, động lực tăng trưởng, chứ không phải giá CP, mới là lực đẩy chính cho CP hiện nay. Nếu nhìn tổng thể mức định giá chung cho cả thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, thì nhiều chuyên gia đều có chung quan điểm là đang ở vùng hấp dẫn. Như vậy, giá rẻ sẽ nằm ở mức phổ biến cho nhiều CP và chọn CP rẻ không quá khó. Nhưng rẻ mà có thể bật tăng hoặc có câu chuyện phục hồi hay tăng trưởng lại là chuyện khác.
Đơn cử, một CP thuộc hàng kỳ cựu trên sàn, có thương hiệu, nền tảng kinh doanh vững chắc và giá đang rất rẻ, nhưng theo một số chuyên gia, khả năng phục hồi trong ngắn hạn của CP này là thách thức. Bởi lẽ CP này dù vẫn bảo đảm minh bạch, hoạt động kinh doanh tốt, nhưng mô hình kinh doanh không tạo ra sức hút cho nhà đầu tư (NĐT) như 10-15 năm trước nữa. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, mua CP này có tính chất tích lũy trong ngắn hoặc trung hạn, còn tăng trưởng có lẽ phải chờ trong dài hạn.
Cũng nên làm rõ, việc không (hoặc chưa) có động lực tăng trưởng khác với giai đoạn tích lũy để đến điểm bùng phát cho việc tăng trưởng. Có thể minh chứng thông qua trường hợp của CP FPT trong năm 2024 đã tăng khoảng gấp đôi. Nhưng trong các năm trước đó, biến động của FPT thường không mạnh vì đây là giai đoạn tích lũy về nền tảng kinh doanh của tập đoàn này trước khi đón những cơn sóng của ngành CNTT như AI hay bán dẫn…
Trong trường hợp NĐT chấp nhận dài hạn, mua những CP tích lũy dần để chờ đến giai đoạn tăng trưởng thì không chỉ mua xong rồi để đó mà không theo dõi, vì vẫn có rủi ro là mô hình tăng trưởng chưa chắc phù hợp, hoặc chiến lược kinh doanh không hợp lý. Vì vậy, dù có là đầu tư dài hạn, cũng cần theo dõi hoạt động của doanh nghiệp thường kỳ, theo quý, theo năm, những thông điệp của lãnh đạo DN, hệ sinh thái sản phẩm.
Gần đây, một số CP khoáng sản nổi sóng cũng có thể gợi mở một diện mạo mới cho nhóm CP này. Tuy nhiên, việc tiếp cận với nhóm CP khoáng sản cần có sự thận trọng nhất định vì trong quá khứ có những CP khoáng sản gắn với sự không minh bạch, thanh khoản kém, hoạt động kinh doanh không ổn định và giá CP thất thường. Và tất nhiên, cần xem xét kỹ nếu có yếu tố tăng trưởng với CP khoáng sản thì yếu tố đó có thực hay không và mức độ lan tỏa sẽ đến đâu, kéo dài trong bao lâu.
Và cuối cùng, NĐT cũng phải đủ nhạy bén để xác định mức độ ưa chuộng của thị trường với “sóng tăng trưởng” nếu có. Việc này chưa bao giờ đơn giản ngay cả với những NĐT dày dạn kinh nghiệm, vì ngoài một vài yếu tố có thể lượng hóa thì sự ưa chuộng của NĐT, kỳ vọng là điều rất khó dự báo. Lời khuyên thường được đưa ra trong trường hợp này là nếu NĐT đã đạt được kỳ vọng lợi nhuận thì nên chốt lãi và tránh để bị cuốn theo nếu giá CP tăng tiếp. Thay vì tiếc nuối nên dành cơ hội săn tìm những cơ hội tăng trưởng khác.