Phiên 10/2, HPG được mệnh danh là “cổ phiếu (CP) quốc dân” vì tính an toàn cũng như nền tảng kinh doanh đã giảm khoảng 4,7%, đây là điều rất hiếm gặp với CP này. Trong trường hợp nếu sử dụng margin với tỷ lệ tối đa thông thường là 1:1 thì chỉ trong phiên này, NĐT sở hữu HPG lỗ hơn 9% vốn tự có. Tất nhiên nếu là tỷ lệ 3:7 thì tỷ lệ thua lỗ lên đến hơn 15%. Thí dụ này chứng minh rằng, không có CP nào an toàn tuyệt đối ở mọi thời điểm và đã đầu tư chứng khoán, NĐT phải chấp nhận những biến động không thể lường trước. Nếu sử dụng margin hoặc “siêu margin” thì lại càng phải cẩn trọng.
Việc “cháy tài khoản” tức là tài khoản mất trắng chỉ trong một vài phiên là rất khó nếu NĐT sử dụng margin với tỷ lệ tối đa 1:1 và giải ngân vào những CP có chất lượng. Nhưng việc thị trường ngày một khắc nghiệt sẽ dẫn đến áp lực và cả kỳ vọng phải có lợi nhuận cao, nên sử dụng “siêu margin” làm đòn bẩy gia tăng lợi nhuận là một giải pháp được tính đến. Thực tế tại rất nhiều thời điểm, HPG hay một số CP trong rổ VN30 không có nhiều biến động mạnh, và được xem là nơi trú ẩn an toàn, nếu chưa tăng giá, thì cũng khó giảm mạnh. Điều này có thể dẫn đến việc ban đầu NĐT còn khá thận trọng, mua vào nắm giữ, nhưng sau một thời gian thấy giá CP đi ngang hoặc trụ vững thì cảm giác an tâm dâng lên. Lúc này, dù vẫn giữ mục tiêu đầu tư dài hạn, nhưng có thể xuất hiện suy nghĩ vay thêm vốn để mua nhiều hơn, nắm giữ nhiều hơn để tận dụng cơ hội. Điều này có thể đúng với nhiều CP, nhưng không phải với tất cả.
Và đường đi của CP cũng không khác mấy so với đường đi của thị trường, dù có đi lên, vẫn có lúc rung lắc, thậm chí là rất mạnh và NĐT sẽ làm gì ở thời điểm này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá trị tài sản của mình. Giả định NĐT nào đó sử dụng “siêu margin” với tỷ lệ 1:2 hoặc 3:7 thì chỉ cần CP giảm khoảng 3% thì tỷ lệ thua lỗ đã lên đến 10% tài sản, và câu hỏi là nên làm gì, cắt lỗ, hay tiếp tục “gồng”? Trong trường hợp nếu CP giảm tiếp 4% hay 5% thì áp lực bán ra sẽ lại càng lớn vì câu chuyện lúc này không chỉ là thua lỗ cá nhân mà còn phải cân bằng tỷ lệ vay với công ty chứng khoán. Thông thường, với CP có chất lượng nhưng bị quá bán sẽ xuất hiện những phiên phục hồi sau đó. Nhưng sau khi bán cắt lỗ, NĐT thường mang tâm lý “thua cuộc” nên cũng không dễ quay trở lại với chính CP đó để giảm thiểu thua lỗ mà có xu hướng nghỉ ngơi, ổn định. Nhưng cũng chính trong lúc này thì tài sản cũng bị hao hụt đáng kể.
Chính vì vậy, sự thận trọng trong bất cứ thời điểm nào khi tham gia đầu tư không bao giờ là thừa thãi. Trường hợp NĐT sử dụng siêu margin, thì đầu tiên là phải chấp nhận và chuẩn bị tâm lý nếu gặp rủi ro và phải đủ kinh nghiệm để cân đối tỷ lệ đòn bẩy. Không thể lẫn lộn giữa chiến thuật mua và giữ, đầu tư dài hạn với việc sử dụng đòn bẩy quá cao vì rủi ro là luôn hiện hữu, mà đòn bẩy lớn có thể khiến NĐT gặp ảnh hưởng trước khi giá CP kịp tăng đúng theo kỳ vọng.