Ngoài việc tuân thủ quy định thì việc CBTT của DN trên thị trường chứng khoán (TTCK) còn phải bảo đảm thông lệ mà thường thông lệ còn cao hơn quy định. Nói nôm na, DN có thể CBTT đúng luật, nhưng chưa chắc đã thuyết phục được nhà đầu tư (NĐT). Nhiều cổ phiếu (CP) được xem là đầu ngành hiện nay trên sàn, ngoài năng lực kinh doanh thì năng lực CBTT cũng thể hiện sự vượt trội.
Nói đơn cử như trường hợp của BVH (Bảo Việt), ngoài lịch sử 60 năm tuổi, vị thế hàng đầu trong ngành bảo hiểm, tài chính thì trong khoảng một thập kỷ qua, BVH đã đầu tư rất mạnh vào các loại báo cáo của mình như báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững… Các DN có nhiều cách quan hệ, tương tác với NĐT hay cổ đông thông qua báo chí, gặp gỡ, còn BVH là thông qua các báo cáo. Thông tin, số lượng đa dạng và chuyên sâu trên các báo cáo của BVH đủ để nhiều nhóm NĐT từ cá nhân đến tổ chức có thể khai thác. Sự quen mặt của BVH tại các giải thưởng liên quan đến CBTT hay thực hiện báo cáo không chỉ nằm ở góc độ thành tích, mà đó là bảo chứng cho chiến lược minh bạch thông tin của tập đoàn này.
Một chi tiết cần lưu ý là việc không thể chần chừ trong việc minh bạch, bởi sẽ phải đối mặt với hai rủi ro “lạc hậu” khi so với các DN khác và so với chính mình. Chuyên gia kiểm toán Bùi Đăng Bảo chỉ ra thực trạng có DN mang quan điểm “chừng nào lên sàn mới cần minh bạch” và đây là một rủi ro. Bởi lẽ, minh bạch cần có lộ trình và là một thói quen phải được tập dượt, lặp lại nhiều lần. Đơn cử, có những loại thông tin khiến DN đặt câu hỏi có nên công bố/không công bố hoặc công bố đến mức nào và nếu rơi vào tình huống như thế, cộng với việc ý thức minh bạch không cao thì tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital nhận định: Báo cáo tài chính của một số công ty tư nhân chưa niêm yết, chưa được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán uy tín theo chuẩn quốc tế có thể dẫn đến rủi ro cho các NĐT đánh giá DN. Từ nhận định này, nếu giả định DN dù sổ sách hay số liệu có “chuẩn” đi nữa, nhưng nếu không có sự bảo chứng từ các đơn vị kiểm toán thì xem như cũng tự làm giảm cơ hội của mình, rõ ràng là đúng nhưng chưa đủ.
Từ đây cũng có thể thấy rằng, trong trường hợp DN làm ăn thuận lợi, nhưng không có chiến lược minh bạch ngay từ đầu cũng đồng nghĩa với việc lơ là và tới khi cần minh bạch sẽ không thể theo kịp được hệ thống của mình cũng như thông lệ thị trường. Được biết, các DN đầu ngành đều có những đội ngũ tinh nhuệ trong việc thực hiện các loại báo cáo và quanh năm chỉ lo đúng một việc như vậy. Nếu một DN từ chỗ không chú trọng minh bạch, chuyển sang việc quan tâm đến báo cáo, sổ sách, thì việc tìm kiếm được nhân sự cho các công việc này, cũng không hề đơn giản.
Nói cách khác, để đánh giá chất lượng của CP, có thể sử dụng nhiều công cụ như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, nhưng giờ đây, nhìn vào chất lượng CBTT của DN cũng có thể đánh giá khá rõ năng lực của DN đó, vì đây cũng là yếu tố có sự phân hóa rất rõ ràng giữa những CP tốt so với nhóm còn lại trên TTCK.