Tránh tâm lý “mua đi kẻo lỡ”

Việc cổ phiếu (CP) sau một pha tăng mạnh sẽ điều chỉnh mạnh (tùy mức độ) vốn là chuyện rất bình thường trên thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng nếu nhà đầu tư (NĐT) thiếu cẩn trọng và mua CP ở những đoạn điều chỉnh này thì hệ quả gặp phải là không hề nhỏ trong ngắn hạn.
0:00 / 0:00
0:00

Khoảng hai tháng trước, FPT có giá hơn 154.000 đồng/CP, nhưng kết thúc phiên giao dịch hôm qua 19/3, giá của CP này chỉ còn gần 125.000 đồng/CP, tức là chỉ trong hai tháng đã giảm khoảng 30.000 đồng/CP, tương ứng khoảng 19%. Những ai mua FPT từ vùng giá 70-80.000 đồng/CP thì giá có là 150.000 đồng/CP hay 120.000 đồng/CP đều vẫn lãi đậm, nhưng ai mua CP này ở vùng giá 140.000 đồng hay 150.000 đồng/CP lại là chuyện khác.

Biến động của FPT thực tế không có gì bất ngờ vì CP của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng tương tự như vậy, tăng mạnh rồi lại giảm mạnh. Một chuyên gia chứng khoán nêu quan điểm rằng, về mặt dài hạn FPT vẫn cho thấy những triển vọng rất đặc biệt, còn biến động giá CP trong ngắn hạn lại là chuyện khác. Vì vậy, việc lỡ mua FPT ở vùng giá cao và không chịu được biến động trong ngắn hạn, phải cắt lỗ cũng là lựa chọn của mỗi người. Vì nhìn lại thì có bên bán vẫn có bên mua, mà phải có kỳ vọng thì họ mới “xuống tiền”. Cần tránh những quan điểm kiểu CP “an toàn” “khó lỗ”. Điều này có thể đúng trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn và bối cảnh thị trường biến động mạnh thì “cẩn tắc vô áy náy”.

Phiên 10/3, STB tăng lên mức giá 40.000 đồng/CP và làm nức lòng rất nhiều NĐT đã đặt kỳ vọng vào CP này. Nhìn vào đồ thị (chart) của STB, có những NĐT kỳ vọng giá CP này còn có thể tăng nữa và tất nhiên lực mua tăng mạnh. Nhưng đến phiên 19/3, giá của STB là 38.400 đồng/CP và phiên 10/3 cũng là phiên duy nhất CP này có giá ở mốc 40.000 đồng/CP. Mức độ điều chỉnh của STB từ giá đỉnh ngắn hạn đến giờ vẫn là rất bình thường, thậm chí chưa đến 5% và trên TTCK hiện nay có nhiều CP cũng giống như STB, tăng tốt và có giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn. Nhưng việc chấp nhận giai đoạn điều chỉnh này lại là thách thức với NĐT. Bởi lẽ, những CP có dấu hiệu phá đỉnh thì thường tạo ra hai dòng suy nghĩ: Liệu CP có tiếp tục vượt đỉnh nữa hay không? Mua CP lúc này có lời hay không?

Đáp án của hai câu hỏi này dù thế nào thì giá CP ở vùng đỉnh ngắn hạn thường tạo ra cảm giác có thể tăng tiếp. Dù thực tế sau khoảng 5-10 phiên thống kê lại, giá CP chỉ biến động 3% quanh vùng đỉnh và giá đóng cửa đi ngang thì trong phiên luôn diễn biến theo kiểu truyền thông điệp cho NĐT rằng, “mua đi kẻo lỡ”. Và chính NĐT khi mua vào cũng có dự liệu rằng, CP tăng khó, nên thường mua nhiều với hy vọng có lãi trên số lượng lớn. Nếu có lãi trên số lượng lớn thì số lượng CP có thể tính bằng trăm nghìn CP, chẳng hạn giữ 100.000 CP bất kỳ mà giá tăng 1.000 đồng thì lãi 100 triệu đồng. Nhưng cũng cần nghĩ ngược lại là giữ số lượng CP hàng trăm nghìn mà giá chỉ cần giảm 1.000 đồng thì cũng “bốc hơi” cả trăm triệu đồng tài sản.

Đây cũng chính là những cái bẫy trong ngắn hạn dành cho NĐT, cho dù TTCK có diễn biến thuận lợi thì nếu không cẩn thận, chuyện thua lỗ trong ngắn hạn vẫn diễn ra.