Cuối năm về quê giẫy mả

Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 12 âm lịch, cha lại điện thoại cho từng đứa, hỏi thật nhẹ, “năm nay con có về “giẫy” mả ông bà với mả má con được không?”. Hỏi xong, rồi mỗi buổi chiều, trong bóng hoàng hôn, cha ngồi bên ngoài hàng ba, nhẩm tính từng ngày.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày còn công tác gần nhà, hầu như năm nào vợ chồng tôi cũng theo cha ra đồng. Nhưng nhiều năm gần đây, phần vì điều kiện công tác ở xa, phần vì cuối năm bận mải công việc nên thi thoảng mới có năm chúng tôi được về cùng cha trong ngày quan trọng này.

Tôi nhớ, hôm ấy cha tôi giao cho chị Hai chuẩn bị một mâm lễ thật tươm tất rồi gọi các con ra đi rất sớm. Cha kể, hồi xưa ở vùng này hầu như toàn là mả đất nên cứ đến cuối năm, con cháu lại cùng nhau đến thăm nom mồ mả ông bà, chặt cây, rẫy cỏ, sửa sang cho gọn gàng, ngay ngắn rồi mới mời ông bà tổ tiên về nhà đón Tết. Còn bây giờ, mả đá, mả bê-tông khang trang cả rồi, đi “giẫy mả” chỉ còn là lau chùi, dọn dẹp cho mồ mả sạch sẽ, trang nghiêm để ông bà đón năm mới. Tôi nghĩ, có lẽ theo phong tục đó, từ “rẫy cỏ” ở trong miền Tây lâu ngày được ông bà xưa đọc trại đi thành “giẫy cỏ”. Và từ “giẫy mả” cũng được bắt nguồn từ đây.

Ngôi mộ tổ gia tộc họ Nguyễn nằm ở khu vực Bến Phố, một địa danh có từ thời xa xưa. Ông bà cố tổ chính là những người mở mang trên vùng đất này. Để rồi khi ông bà nằm xuống, con cháu đã đặt phần mộ ngay tại gò đất cao nhất trong vùng.

Cha tôi kể, ngôi mộ đôi của ông bà cố tổ có từ năm 1851, ngay khi ông bà mất, nhưng một thời gian rất dài chiến tranh ly tán, con cháu bị thất lạc. Mãi cho tới năm 1973, khu vực Bến Phố mới nằm trong “vùng tự do”. Một ngày cuối năm, cha tôi may mắn được cùng ông ba Hớn lần theo sơ đồ trong gia phả mà tìm lại được. Trải qua hơn trăm năm nhưng bốn vách ngăn và sáu trụ đá của ngôi mộ tổ vẫn còn nguyên vẹn như mô tả trong gia phả.

Kể từ đó, hằng năm cứ vào buổi sáng, ngày hai mươi tháng Chạp, người cháu đời thứ năm (gần với ông bà cố tổ nhất) của gia tộc đều dẫn các con cháu cùng những người trong dòng họ thực hiện công việc quan trọng và thiêng liêng ấy.

Ngoài việc chuẩn bị dụng cụ dao rựa, cuốc xẻng, xô thùng, khăn lau dọn rửa cho sạch sẽ khu lăng mộ, các chi họ đều chuẩn bị lễ phẩm, tùy theo sản vật nhà mình để dâng cúng lên ông bà tổ tiên. Trong đó không thể thiếu xôi gà, rượu thịt, bánh trái, trầu cau… là những lễ vật truyền thống. Có người còn đưa đến cả cá lóc nướng trui, khô cá trê, cá trèn, thịt heo quay, vịt quay và có cả đồ chay. Để rồi, sau khi hoàn thành nghi thức, con cháu quần tụ nhau lại, hạ mâm lễ, thụ lộc ngay trên nền của ngôi mộ tổ.

Mấy người từ thành phố hay ở nước ngoài mới về, lần đầu tiên được trải nghiệm còn hơi e dè nhưng chỉ một lúc sau đó, hòa chung tình cảm của những người trong cùng dòng họ, cảm giác ấy dần trở nên gần gũi, ấm cúng. Và họ cảm thấy thân thiết, yêu thương quê hương, gia tộc mình nhiều hơn.