Ông vốn sinh ra ở một miền quê khác, nhưng trải qua “thương hải tang điền” thế nào, bằng cách sắp đặt vô hình nào đó, ông lại gắn bó với mảnh đất này, rồi phải yêu Vinh đến mức nào thì cả giới chuyên môn lẫn người dân nơi đây mới gọi ông bằng danh xưng “Nhà Vinh học”?!
Cuốn “Tìm dấu Vinh xưa” (NXB Nghệ An) như một cuốn địa chí vừa cổ điển vừa hiện đại, sách gồm hai phần rành mạch: “Tìm dấu Vinh xưa” và “Tìm dấu người xưa”. Như một tập đại thành về Vinh, chỉ cần bạn đọc xem trước phần mục lục cũng đã thấy bề dày truyền thống lịch sử, tên đất, tên người và cả những sự kiện lịch sử tầm cỡ, cho thấy cốt cách Vinh và qua đó cũng là cốt cách Việt Nam. Sách được trình bày khoa học, công phu, hiện đại, hấp dẫn bạn đọc cả nội dung lẫn hình thức, nhất là kho ảnh minh họa quý hiếm, trong khi tác giả kỹ lưỡng từng cước chú, trích dẫn. Từ đó, mà chúng ta biết đến, tỏ tường hơn những Bến Thủy, Cầu Rầm, chùa Tập Phúc, quán Thầu Đâu, phố Khách; rồi nhà ga, chợ búa, văn miếu cho đến dinh thự, nhà máy, sân bay ở Vinh - tất cả góp lại thành thổ ngơi xứ Nghệ.
Chưa hết và chỉ đến khi Phạm Xuân Cần đưa vào phần hai “Tìm dấu người xưa” thì tác phẩm mới hoàn thiện một tập thủy chung đồ sộ. Đến đây, tuy đa số những người mở cuốn sách này đâu từng được gặp “những người muôn năm” ấy, mà như nghe sống động thanh âm, rợp sắc màu cờ xí trên sân khấu tuồng Đào Tấn năm nào. Hay trong tâm tưởng còn nghe tiếng guốc mộc cụ Phan reo trên đường về thăm quê dịp Tết Bính Dần năm 1926. Nối tiếp sau đó là bóng dáng cụ Huỳnh Thúc Kháng thăm Vinh năm 1927, cụ Bát Thoàn - một nhà nho giỏi làm kinh tế, lương y Phó Đức Thành, Vương Đình Quang - nhà báo, vợ chồng nhà giáo Nguyễn Đức Bính - Nguyễn Thị Du, đặc biệt hình ảnh thầy giáo Hà Huy Tập và vụ bãi khóa ở Trường tiểu học Pháp - Việt (Vinh) năm 1927… tất cả như còn vẹn nguyên dấu người xưa, những bóng cổ nhân “gừng cay xứ Nghệ”.
Đọc mà nghĩ tới Vinh xưa, để rồi ngẫm Vinh nay, thấy chộn rộn một nỗi niềm khó tả, vừa mừng vừa tiếc. Hãnh diện, tự hào mà cũng không khỏi man mác cho Vinh. Đất đai cương thổ được thiên nhiên tạo tác hàng triệu triệu năm, định hình thế sông dáng núi; song phải có hàng nghìn năm tiếp nối những đời người mới có được hồn cốt Vinh, hiện đại mà trầm tích.
Phạm Xuân Cần không chỉ làm công việc của một người chép sử, tái tạo qua ngòi bút, qua những dấu chân ông cần mẫn đi, cần mẫn lần hồi đọc và viết, đã cho bạn đọc thấy ông yêu Vinh rất mực. Và giờ, tình yêu chân thành và sâu sắc ấy đang lan tỏa và gợi cảm hứng cho chính mỗi chúng ta, những người đọc sách. Bởi, Vinh đã là của quốc gia, dân tộc, trong mỗi người đều có một cõi Vinh, trác tuyệt.