Công tác cán bộ là giải pháp căn cơ

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 có bước tiến mạnh, đột phá. Thực tế cho thấy, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, do đó, những công cụ phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được bổ sung, "mài sắc".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh
Quang cảnh phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh

Những hạn chế tồn tại nhiều năm

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2022, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Qua tiến hành kiểm tra tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so năm 2021) về thực hiện quy tắc ứng xử đã xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so năm 2021).

Cùng kỳ, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; thu hồi tài sản trong các vụ án đang thụ lý hơn 2.204 tỷ đồng, kê biên 20 bất động sản các loại. Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc; với 50.366 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỷ lệ 53,61%) với số tiền 10.327 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%). Có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức một người, cảnh cáo năm người và khiển trách ba người…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng; trong đó có những tồn tại đã kéo dài nhiều năm, song vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Tán thành nhận định này và phân tích sâu hơn, Tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu một thí dụ rất điển hình về hiệu quả của công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Theo báo cáo của Chính phủ, trong kỳ báo cáo, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập với 7.662 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên, có 74 người kê khai sai, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Chưa vội bình luận tỷ lệ gần 1% bị phát hiện không trung thực là nhiều hay ít, cơ quan của Quốc hội cho rằng bản thân việc bốc thăm hay lựa chọn ngẫu nhiên (bằng cách sử dụng phần mềm máy tính) như một số địa phương đang thực hiện để xác minh tài sản, thu nhập của một số cán bộ chưa hẳn đã là giải pháp căn bản, lâu dài để phát hiện tiêu cực, tham nhũng.

Quả thật cách làm này khách quan, nhưng cũng có nhiều nhược điểm. Đối với địa phương, số người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện lựa chọn ngẫu nhiên tương đối lớn thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ không đủ khả năng tổ chức thực hiện. Quan trọng hơn, việc xác minh tài sản, thu nhập thông qua việc bốc thăm và lựa chọn ngẫu nhiên chủ yếu dựa trên bản kê khai, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Nếu tài sản được hình thành một cách hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng và không liên quan đến tham nhũng thì việc kê khai thường là trung thực. Nhưng đối với tài sản có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì người có nghĩa vụ kê khai sẽ chủ động che giấu để không bị phát hiện (bằng cách để người thân, họ hàng, bạn bè giữ hộ hoặc đứng tên quyền sở hữu…). Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu chỉ xác minh dựa trên bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì khó phát hiện sự gian dối, khó "bóc tách" được tài sản bất chính của người có nghĩa vụ kê khai.

Hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức, cán bộ

"Hiến kế" phát hiện tài sản bất minh và không trung thực trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, Luật sư kỳ cựu Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nói, bên cạnh việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải đa dạng các hình thức công khai, minh bạch đối với bản kê khai tài sản, thu nhập, mở rộng khả năng tiếp cận, kiểm tra, giám sát từ nhiều phía. Có thể công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trên cổng/trang thông tin điện tử hoặc niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Cùng với đó là xây dựng, vận hành thực chất những cơ chế tiếp nhận và xử lý đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác về các hành vi gian dối, vi phạm pháp luật trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Một yếu tố then chốt khác được nhiều Đại biểu Quốc hội nhắc đến trong hội nghị vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức để thẩm tra các báo cáo này chính là công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý; không kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp…

Trong bối cảnh hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn và tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ - như chính Báo cáo của Chính phủ đã nhận định - Chính phủ cho biết, sẽ kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về phía cơ quan lập pháp, giải pháp căn cơ là tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời giám sát và kịp thời chấn chỉnh, chế tài việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo nghị trình, trong phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/9, Ủy ban cho ý kiến về Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Chính phủ; các báo cáo công tác năm 2022 của các cơ quan tư pháp; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.