Công khai, minh bạch quy hoạch nhằm ngăn ngừa trục lợi

Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội (diễn ra từ ngày 5/1 đến ngày 9/1/2023), một trong nội dung quan trọng nhất được cơ quan quyền lực tối cao xem xét, thông qua là quy hoạch tổng thể quốc gia. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử quy hoạch nước nhà, bộ tài liệu quy hoạch lại dày dặn đến thế: 41 hợp phần với khoảng 7.000 trang tài liệu đã được trình lên cơ quan quyền lực tối cao.
0:00 / 0:00
0:00
Cần làm rõ giới hạn của việc điều chỉnh, phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: TTXVN
Cần làm rõ giới hạn của việc điều chỉnh, phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: TTXVN

Chi tiết đến mức nào?

Theo đó, bản Quy hoạch bao gồm 10 nội dung chủ yếu, gồm quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển; mục tiêu phát triển; tầm nhìn đến năm 2050; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giải pháp nguồn lực thực hiện.

Quy hoạch cũng đã xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm như hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục bắc-nam, các hành lang kinh tế Đông-Tây, các vành đai kinh tế ven biển…

Trong khi đồng thuận về những định hướng lớn thì có hai vấn đề nổi lên được các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học cũng như các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan tâm sâu sắc.

Thứ nhất, là về phạm vi và ranh giới của Quy hoạch. "Nếu quá chi tiết thì sẽ trùng vào quy hoạch của ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; nếu chung quá lại như nghị quyết", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng băn khoăn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, Quy hoạch phải "động và mở, có cập nhật trong quá trình phát triển; nhưng phải làm rõ giới hạn của việc điều chỉnh, phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh".

Thứ hai, gắn bó hữu cơ với vấn đề trên, là việc huy động các nguồn lực xã hội để cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể thành các quy hoạch cấp thấp hơn. Đây là một việc mà nếu làm không khéo sẽ có thể tạo ra tiêu cực, trục lợi. Không hề là sớm khi đặt ra nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro này.

Xã hội hóa nhưng không để trục lợi

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ tháng 4/2022, khi Quy hoạch tổng thể còn đang trong quá trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, đặc biệt yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định pháp luật.

Trên thực tế có tồn tại tình trạng nhức nhối, nhà đầu tư "gửi gắm" lợi ích của mình trong quá trình làm quy hoạch để có được quyền sử dụng đất đai với những khoản chênh lệch địa tô khổng lồ. Nhìn lại thời điểm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, riêng trên đất Hà Tây trong năm 2008 có 441 dự án xây dựng với tổng diện tích hơn 48.000ha. Một trong những dự án lớn nhất - "siêu đô thị Thạch Thất" của Tập đoàn Nam Cường được cấp phép vào ngày 26/7/2008-chỉ năm ngày trước khi sáp nhập-có quy mô hơn 800 ha. Năm 2011-bốn năm sau - Nam Cường trả lại đất cho thành phố vì không thể triển khai dự án.

Hay một cái tên quá quen thuộc những ngày này - Công ty AIC- từng có dự án "không gian sống lý tưởng" tại Mê Linh rộng hơn 90ha, cũng được cấp phép cận kề "giờ G" - ngày 21/7/2008. Dự án này rốt cuộc cũng chỉ… nằm trên giấy.

Trong suốt hơn 10 năm sau ngày sáp nhập, Hà Nội liên tục phải thực hiện công tác thanh tra, rà soát và thu hồi hàng trăm dự án xây dựng thiếu hiệu quả hoặc không thể triển khai ở Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, mà đến nay vẫn còn một diện tích không nhỏ bị bỏ hoang, không thể canh tác nông nghiệp được nữa.

Quay trở lại với công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch.

Ngay sau khi Bộ Xây dựng phát đi văn bản nói trên, hàng loạt UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục khẳng định bằng văn bản "chỉ nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch, không nhận sản phẩm quy hoạch" để bảo đảm không gắn việc lập quy hoạch với việc lựa chọn nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, tại tỉnh Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt đã thẳng thắn từ chối đề xuất của một số nhà đầu tư tài trợ bằng sản phẩm là đồ án quy hoạch và cho biết "đang rà soát quy trình, trình tự tiếp nhận tài trợ quy hoạch trên địa bàn theo quan điểm chỉ tiếp nhận kinh phí tài trợ quy hoạch, không tiếp nhận sản phẩm quy hoạch".

Đúng là những bất cập, trục lợi từ quy hoạch phải được ngăn chặn ngay từ đầu bằng cách bảo đảm khách quan tối đa khi thiết kế quy hoạch, nhằm tạo ra công cụ quản lý thật sự hiệu quả, lấy lợi ích chung của cộng đồng làm mục tiêu tối thượng. Văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng cùng các chỉ thị của UBND các tỉnh, thành phố như nêu trên hướng tới mục tiêu này.

Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Còn nhớ, tại diễn đàn Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số đại biểu khác từng chất vấn người đứng đầu Bộ Xây dựng lúc đó, ông Phạm Hồng Hà: "Có hay không tình trạng lợi dụng "đặc quyền" về thông tin quy hoạch để trục lợi? Đã có những tổ chức, cá nhân nào bị xử lý"?

Vị Bộ trưởng khi đó trần tình: "Cam kết có chấm dứt được không ư? Nói thật là cá nhân tôi dù có trách nhiệm cũng không dám cam kết, vì để giải quyết dứt điểm thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành".

Cùng với việc bảo đảm tính khoa học, khách quan của quy hoạch, cần phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong thông tin quy hoạch. Trong suốt quá trình thực hiện quy hoạch, cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bàn về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã từng nhắc nhở về việc phải có quy định pháp lý nhằm ngăn chặn sự tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi quy hoạch…

Và đó là những công việc cần phải làm xuyên suốt nhiều thập niên trước mắt.