LÀ du học sinh ngành Công nghệ sinh học tại Mỹ, Thảo Nguyễn nhìn nhận: "Điểm mấu chốt vẫn là sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi từng không thiện cảm với đồ ăn của châu Phi vì cứ nghĩ rằng nó không hợp vệ sinh. Nhưng khi học ở Mỹ, tôi chủ động nếm thử những món ăn của họ và thấy rất ngon. Sau đó, nhóm bạn châu Phi cũng đến thử đặc sản Việt Nam và khen ngon. Có thể thấy, ý thức về trách nhiệm của một công dân toàn cầu đã giúp tôi gạt bỏ những định kiến để mở lòng hơn. Nếu thế giới được xây dựng bằng sự đối thoại và thấu hiểu giữa các cá nhân, đó sẽ là một thế giới hòa bình".
Còn với Alysa Mekaru - tình nguyện viên người Nhật Bản từng làm việc ở Việt Nam, khái niệm công dân toàn cầu hoàn toàn không mâu thuẫn với chủ nghĩa yêu nước, mà trái lại, giúp các cá nhân tự hào về dân tộc mình. "Những gì chúng ta biết về thế giới nhỏ bé hơn rất nhiều thực tế đang diễn ra. Trong suốt thời gian dài, những giá trị phương Tây thường được xem là tiêu chuẩn. Nhưng suy nghĩ như vậy đã lỗi thời. Nền văn hóa và trí tuệ của các quốc gia châu Á, Arab và châu Phi cũng tuyệt vời không kém. Những trải nghiệm không thể quên ở Việt Nam đã giúp tôi nhận thức rõ hơn điều này".
Nhờ sự phát triển của công nghệ, một người chưa từng ra nước ngoài cũng có thể xác định mình là một công dân toàn cầu. Cuối tháng 8/2023, cộng đồng người dùng internet thế giới thương tiếc sự ra đi của chú chó nổi tiếng tên Cheems. Những con người khác quốc gia hay sắc tộc tìm thấy điểm chung: tình yêu động vật. Thí dụ này cho thấy con người có thể dễ dàng đồng thuận với những giá trị phổ quát, như lòng nhân ái hay sự công bằng. Internet cũng giúp các cá nhân gặp gỡ bạn bè quốc tế, tìm hiểu các nền văn hóa khác một cách đơn giản hơn gấp bội trong quá khứ.
TRỞ thành công dân toàn cầu không có nghĩa là từ bỏ các danh tính công dân khác như quốc tịch, tôn giáo hoặc lòng yêu nước. Một công dân toàn cầu sẽ hướng đến những công việc của thế giới, đồng thời cũng bảo đảm lợi ích của quốc gia mình - vốn là một phần trong thế giới đó. Như chia sẻ của Tibor P. Nagy, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi, các chuyên gia y tế Mỹ góp sức hỗ trợ dập tắt đại dịch Ebola ở châu Phi không chỉ vì lý do nhân đạo, mà cùng với đó, cũng là để ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này lan tới Mỹ.
Các công dân toàn cầu sẽ chung tay giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng xử lý của bất kỳ quốc gia nào: đại dịch, ô nhiễm, tình trạng nhập cư hay hiện tượng nóng lên toàn cầu… Trong thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc chiến xuất phát từ xung đột lợi ích quốc gia/liên minh quốc gia. Các công dân toàn cầu có thể, và cũng đang sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để tìm ra giải pháp, dựa trên sự tôn trọng quyền lợi mỗi bên.
Nhưng muốn vậy, đầu tiên, một công dân toàn cầu cũng cần trang bị tư duy cởi mở, cùng vốn hiểu biết về những thách thức toàn cầu và cách các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau. Trong thế giới hiện đại, nơi những cá thể đơn lẻ không thể sống mà không tương tác với những yếu tố toàn cầu, việc trở thành công dân toàn cầu gần như là yêu cầu bắt buộc chứ không còn là sự lựa chọn. Trong tương lai gần, sẽ thật lạc lõng nếu bạn không có kiến thức gì về biến đổi khí hậu, nạn đói hay tình trạng phân biệt đối xử. Điều này càng cần thiết hơn nữa, khi tiến trình toàn cầu hóa sẽ càng lúc càng khuếch đại quy mô của những thách thức toàn cầu.
Bên cạnh những lợi ích mang tầm vĩ mô, những phẩm chất của một công dân toàn cầu cũng sẽ giúp giới trẻ có thêm nhiều cơ hội thành công. Một người hiểu biết về đa dạng văn hóa sẽ có lợi thế nhiều hơn, khi học tập và làm việc trong một "thế giới phẳng". Tuy nhiên, người trẻ cũng cần sự dũng cảm để bỏ đi những định kiến cũ, lạc hậu, trong khi vẫn giữ được những giá trị đại diện cho cộng đồng mình đang sinh sống.
KHÔNG có nghĩa vụ bắt buộc với công dân toàn cầu nhưng với nhận thức rằng thế giới giống như một quốc gia duy nhất, những công dân toàn cầu sẽ tự đặt ra cho mình trách nhiệm với những thách thức chung. Ngược lại, chính tinh thần trách nhiệm ấy cũng sẽ giúp mỗi công dân toàn cầu tự tin hơn, khi góp sức giải quyết những vấn đề toàn cầu tác động đến chính cộng đồng hẹp của mình.
Quyền của công dân toàn cầu là một trong những yếu tố được Liên hợp quốc coi trọng, thể hiện trong sáng kiến Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED), với mục đích đẩy lùi trạng thái bàng quan trước những vấn đề quốc tế, đồng thời phát triển những kỹ năng cá nhân, nhằm đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, khoan dung, toàn diện và an toàn.
Một số tổ chức giáo dục phi lợi nhuận như Đại học Ana G. Mendez ở Puerto Rico hay tổ chức phi chính phủ Oxfam (hoạt động tại 90 quốc gia trên thế giới) cũng có những chương trình nâng cao nhận thức công dân toàn cầu, với trọng tâm là giới trẻ.
Một bài học từ thực tế: Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới, và cũng "tô đậm" những phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế trước thách thức chung. Bối cảnh này khiến hành động của mỗi cá nhân đều có thể góp phần thay đổi thế giới. Trở thành công dân toàn cầu chính là bước đầu tiên trao cho bạn cơ hội đó.