Thắt chặt tuyển dụng, độ khó tăng cao
Cuối năm 2022, N.T.H (22 tuổi) được tuyển dụng vào vị trí Junior Developer (lập trình viên dưới hai năm kinh nghiệm) tại tập đoàn công nghệ trong top đầu Việt Nam. Tuy nhiên, anh chỉ trụ được gần một năm và đã bị từ chối ký tiếp hợp đồng do không thể đáp ứng được yêu cầu công việc ngày một cao.
Ban đầu, việc tuyển dụng diễn ra suôn sẻ vì ứng viên ngoài kỹ năng được đánh giá cao còn có tố chất và tinh thần. Nhưng như vậy là chưa đủ.
Dù trong hồ sơ của N.T.H giờ đã có thêm một năm kinh nghiệm làm nghề, vẫn rất khó để anh tìm kiếm vị trí Junior Developer tiếp theo. Sau ba tháng bị cho thôi việc, anh vẫn đang miệt mài trải hồ sơ (CV) tới nhiều doanh nghiệp.
Cũng đang chật vật trong quá trình tìm việc lập trình viên sau khi tốt nghiệp, Đinh Minh Phúc, sinh viên Trường đại học Đông Á, chia sẻ: Trước đây, ở cấp độ Fresher (nhân sự dưới một năm kinh nghiệm), nhà tuyển dụng không yêu cầu quá cao, chỉ cần nắm vững kiến thức nền tảng, thực hiện một số dự án cá nhân và đạt trình độ tiếng Anh căn bản. Tuy nhiên, sau sáu tháng liên tục gửi hồ sơ đến nhiều nơi, Phúc nhận ra nhiều công ty đòi hỏi trình độ của Fresher phải nâng cấp bộ kỹ năng tương đương vị trí Junior với xấp xỉ ba năm kinh nghiệm.
Theo ông Dương Đại Hùng, Technical Leader (Trưởng nhóm kỹ thuật) tại VNPT, sinh viên mới ra trường thường ứng tuyển vị trí Fresher hoặc Junior, các vị trí yêu cầu ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, qua từng năm, các vị trí này đang đòi hỏi chất lượng nhân sự cao hơn rất nhiều, doanh nghiệp ngày một kén chọn hơn và chỉ chấp nhận những ứng viên thật sự có năng lực.
"Hiện nay, doanh nghiệp đòi hỏi ngay từ cấp Fresher đã phải có khả năng làm việc trong dự án, biết hoặc có khả năng học các công cụ hay ngôn ngữ mới. Nên ngoài việc sàng lọc CV có điểm trung bình các môn (GPA) cao, tốt nghiệp từ các trường đào tạo top đầu, doanh nghiệp thường bổ sung một số câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực học hỏi và hiểu biết xu hướng công nghệ mới với lập trình viên", ông Hùng bổ sung thêm.
Khó xin việc, yêu cầu ngày một cao là thách thức chung với các Fresher trong ba năm trở lại đây. Ngoài ảnh hưởng do tác động kinh tế sau đại dịch Covid-19, nguyên nhân chính đến từ độ vênh giữa năng lực của sinh viên và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Dữ liệu của nền tảng tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ TopDev cho thấy, chỉ 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn sinh viên ra trường phải được đào tạo lại từ ba đến sáu tháng hoặc chấp nhận bị đào thải.
Chủ động xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao
Trái ngược những trường hợp trên, T.L (sinh năm 2000) tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm GPA 3.8. Anh nhanh chóng lọt "mắt xanh" của VNPT Technology vì đã có hai năm kinh nghiệm làm việc từ trước khi ra trường. Ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên, anh đã được tuyển dụng và ký hợp đồng.
"Mấu chốt vẫn nằm ở năng lực của ứng viên. Thực tế, các nhân sự lập trình, phát triển phần mềm, hệ thống thông tin... luôn được doanh nghiệp săn đón. Nhưng với chất lượng đầu ra của sinh viên hiện nay, chỉ những bạn thật sự làm được việc mới được doanh nghiệp cân nhắc chọn lựa", ông Hùng nhận định.
Nhu cầu sử dụng nhân sự công nghệ thông tin tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm khoảng 25%. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân sự "được việc" vẫn luôn là vấn đề nóng tồn tại suốt nhiều năm qua.
Theo phân tích của Ths Lê Trung Thực, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiến thức căn bản của ngành tuy không thay đổi nhưng các công cụ mới và bài toán sản phẩm thị trường công nghệ thông tin luôn biến đổi qua mỗi năm. Mấu chốt là chương trình đào tạo cần tạo ra bước đệm để tăng cường trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Môi trường dự án, thực hành cùng với chuyên gia của doanh nghiệp có thể gọi là "giai đoạn Delta". Giai đoạn này giúp sinh viên làm quen nhu cầu từ doanh nghiệp và chủ động hoàn thiện năng lực trước khi tham gia thị trường lao động.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không chờ đợi ứng viên xuất hiện mà trực tiếp đưa dự án thật vào môi trường giáo dục đại học trong khuôn khổ các phòng thí nghiệm chuyên đề do chính họ tài trợ. Các sinh viên được rèn luyện cùng thầy giáo và chuyên gia, được tính lương, cũng như học cách giao tiếp và hoàn thành "deadline" tương tự môi trường thực tế. Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học và đạt kết quả tốt sẽ được cấp chứng chỉ, chứng nhận có giá trị trên toàn cầu và có cơ hội làm việc cho các hãng công nghệ lớn. Điển hình như Toshiba Lab tại Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội hay Samsung Lab tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…
"Các lập trình viên, kỹ sư trẻ nếu được đào tạo một cách bài bản cả về kiến thức chuyên môn lẫn thực hành theo giai đoạn Delta đều dễ dàng tìm kiếm việc làm hấp dẫn ngay thời điểm ra trường", ông Thực nhận định.
Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có tiềm lực mạnh cũng chủ động đứng ra xây dựng cơ sở đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân sự "được việc" ngay từ giai đoạn giảng đường. Thí dụ như Trường đại học FPT, Trường đại học Phenikaa hay Trường đại học CMC. Phương án này giúp doanh nghiệp bảo đảm sự đồng điệu giữa việc mở rộng chiến lược kinh doanh và nguồn nhân sự mới.
Một giải pháp khác từ phía doanh nghiệp là quá trình đào tạo nội bộ ngay tại phòng ban chuyên môn. Là người phụ trách đào tạo cho hàng trăm nhân sự VNPT trong hai năm trở lại đây, ông Hùng khẳng định: Các buổi đào tạo được tổ chức dưới hình thức workshop, tập trung huấn luyện từng chủ đề riêng biệt về kỹ năng dự án, công cụ hay ngôn ngữ. Việc trau dồi kinh nghiệm IT liên tục sẽ giúp các nhân sự Fresher, Junior và ngay cả các lập trình viên lâu năm có thói quen cập nhật sự thay đổi, thích ứng trước thử thách. Từ đó, tác động trực tiếp đến độ tự tin và chất lượng công việc.