Chuyện như trinh thám

Hắn giật thót người khi nghe tiếng con chó sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Vừa định nép vào góc cầu thang thì đèn phòng khách đã bật. Bà già chủ nhà nheo nheo cặp mắt, sững sờ nhìn cái kẻ đang thập thò rồi lên tiếng đầy khó nhọc:

- Sao về có mỗi mình con vậy Thành? Con Phương vợ con đâu? - Hắn hiểu ngay và chợt chạnh lòng vì sự ân cần ấy, bởi hắn biết mình đâu xứng. Nhưng ngay lập tức tim hắn muốn nhảy khỏi lồng ngực vì tiếng phanh rít của xe jeep ngoài vệ đường cùng giọng nữ lanh lảnh như kim khí vọng vào:

- Bà cụ ơi! Nhà có khách hay sao mà giờ vẫn chưa ngủ vậy?

Cái giọng lanh lảnh ấy chính là của Hà “ớt”. Cô cảnh sát và mấy anh em công an huyện đang tuần tra thì nghe tiếng con Shushi sủa và đèn sáng nên dừng lại. Nhờ ánh đèn sáng từ cửa sổ tầng trệt, Hà ngó thấy một chiếc xe đạp bị cây cỏ phủ lên đang nằm ngay dưới ô cửa. Bà chủ nhà nhoài người trên bệ cửa sổ, nhìn ra đường trả lời:

- Khách khứa gì đâu cô ơi! Thằng chồng con Phương nó về thăm tôi đó mà!

- À. Vậy mà con tưởng có trộm! - Hà “ớt” cười - Thôi, bà cụ ngủ sớm nha!

Ở huyện hầu như ai cũng biết, bà cụ là nhà văn Lan Chi chuyên viết truyện trinh thám. Năm ngoái, cuốn tiểu thuyết của bà được chuyển thể thành phim truyền hình. Hà hay đến thăm hỏi nhà văn. Một phần vì đó là công việc của cảnh sát khu vực, một phần lại chính là những chuyện đời liên quan đến nghề cảnh sát mà bà đưa vào truyện. Ngược lại, bà cũng thích Hà lắm vì những tác phẩm được bà viết gần đây hầu như đều lấy cảm hứng từ những vụ việc mà Hà cùng các anh em trong đội hình sự xử lý. Bà mến phục Hà vì ngưỡng mộ một phụ nữ bản lĩnh, cứng cáp, mấy đối tượng hình sự trong khu này mà ngo ngoe “lấy tiếng” là bị Hà cho “nổi tiếng” ngay.

Khi tiếng xe tuần tra đã nhỏ dần rồi tắt hẳn, hắn vẫn còn lóng nga, lóng ngóng như một gã đàn ông mặc váy, một lúc sau mới đáp lời mẹ vợ:

- Vợ con đang ở nhà, chỉ mình con về thăm mẹ thôi!

Nhốt con Shushi trong phòng viết, nhà văn mới ngó tới con rể mà ngao ngán chán chường: Mặt mày ủ dột như tàu lá chuối héo, thân hình gầy nhẳng trong bộ áo quần nhàu nhĩ cùng vài vết bầm “kỷ niệm” trên gò má và cổ anh ta. Bà chủ nhà già nhìn con rể như thôi miên và liên tưởng đến con mèo mun vẫn hằng đêm chạy trên tường rào nhà bà cứ hay khiến Shushi gầm gừ dậm dọa. Con mèo đen luôn phát ra những âm thanh ghê rợn và phá giấc ngủ của bà. Xem ra bà đã hiểu cơ sự nên húng hắng giọng rồi trịnh trọng nói:

- Con không phải nói, mẹ hiểu hết rồi. Con gái thời nay đúng là quá thể. Gì thì gì, vợ chồng là nghĩa, phải luôn “tương kính như tân, quý nhau như khách”, sao lại dụng võ bạo hành chồng?

Chàng rể hơi chớp mắt. Dường như sự cảm thông đầy yêu thương này hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của anh ta khi vào nhà. Bà chủ nhà phẩy tay:

- Thôi thì con dại cái mang. Mà cũng đã lâu quá rồi, vợ con không về đây thăm mẹ. Chắc nó quên luôn cả mẹ và những lời mẹ dặn rồi. Sao còn đứng đó? Ngồi xuống đi! Con ăn gì chưa? Mẹ chỉ còn mì gói, để mẹ nấu cho con ăn nha!

Thấy bà quan tâm như thế, hắn chỉ muốn chạy đến úp mặt vào vai bà mà khóc. Nghe bà tâm sự, hắn nhận ra rằng sự xuất hiện của mình như một liều thuốc hóa giải sự cô đơn của bà. Tội nghiệp, mắt bà đã lòa, cuộc sống cô đơn một thân một mình chỉ có mỗi con chó cưng bầu bạn. Kể từ khi cô con gái yêu quý của nhà văn đi lấy chồng thì bà phải sống một mình trong căn biệt thự rộng lớn này, chỉ có văn chương nâng đỡ tâm hồn và Shushi là đối tượng để bà gửi gắm yêu thương. Cho nên cứ mỗi chút bà lại phải nhắc chừng con Shushi vì nó không hề an phận khi bị nhốt trong phòng. Ngay cả vị thần bệnh hoạn cũng không dám ghé nhà này vì ông sợ sẽ bị đồng môn chê cười vì ức hiếp những người phụ nữ trong căn nhà thiếu vắng sự chăm sóc của đàn ông. Sự xuất hiện của hắn phải chăng chính là một biến cố đổi thay cảnh ngộ của bà? Hắn nghĩ vậy và yên tâm ngồi xuống ghế… Bà bước đến chạn đựng chén dĩa và loay hoay bắc nồi canh củ mì, xắt vài cọng rau thơm. Bận thế nhưng câu chuyện dang dở vẫn chưa chịu thoát ra khỏi ý nghĩ của bà. Nhà văn liếc nhìn chàng rể đang đói, nói: “Xong ngay thôi con à!”, nhà chỉ mỗi mình bà nên ít khi đi chợ. “Già rồi, ăn được bao nhiêu nữa”, bà luôn nghĩ thế.

Hắn nhìn người mẹ vợ hào phóng đương chuẩn bị bữa khuya cho mình, tự dưng thấy nao lòng khi nhận ra nét mặt của bà phảng phất sự vui tươi lặng lẽ. Điều đó cũng không có gì là lạ, bà làm cho con rể ăn mà. Ừ thì chỉ là mì gói, nhưng lúc đói bụng mà có tô mì trứng với mấy lá hành thơm phức đã rỏ dãi đừng nói đến việc sẽ được dùng đặc sản. Còn bây giờ thì… Hắn được tự do và oái oăm hơn nữa là còn được chăm sóc.

- Lâu ngày không về thăm mẹ, con thấy nhà mình có gì khác biệt không?

Nhà văn chiếu ánh nhìn đầy thiện cảm tới chỗ người con rể đương ăn mì khiến hắn giật mình, vội liếc nhìn khắp phòng khách. Bức tranh treo tường, cặp lọ gốm Huy Phúc chưng ở sảnh nhà, chiếc nhẫn kim cương bốn ca-ra sáng long lanh cô đơn trên bàn trang điểm… Ngăn nắp, sạch sẽ. Có lẽ bà đã dồn vào đây không ít tâm tư, không hề thấy bất cứ một sự cẩu thả nào. Khác hẳn với những căn hộ quanh đây, tất cả đều thiếu ngăn nắp, luôn bề bộn. Sự thân mật của bà làm hắn nhớ đến người vợ ương bướng ở nhà. Bỗng dưng chột dạ, hắn bỏ lửng câu chuyện với mẹ vợ rồi đi vào nhà vệ sinh. Khi hắn quay trở lại bàn, bà lại hỏi:

- Dạo này sa-lông tranh ảnh của con với Phương bán đắt hàng không?

Người con rể ngần ngừ một lúc mới đáp. Anh ta nhe hàm răng trắng ngà như đang quảng cáo cho kem đánh răng P/S.

- Ơ… cũng kha khá mẹ ạ!

- Được vậy thì tốt! Mẹ mừng cho hai con…

Bà tiếp lời:

- Cuối tuần này hai vợ chồng thu xếp dẫn cháu về thăm mẹ nhé. Mẹ ở một mình cũng buồn lắm.

“Mà sao không buồn được khi cứ vò võ trong cô đơn thế này, chắc chắn bà ấy đã già đi nhiều, suy giảm từ thị lực đến trí lực. Cứ đang nói cái này lại lẫn sang cái nọ mà”, hắn buồn rầu thầm nhận xét.

Ăn xong, hắn lóng nhóng trên chiếc bàn ăn không biết phải làm gì thì mẹ vợ đã bước tới đưa cái điều khiển tivi. Hắn vui vẻ nhận lấy rồi ngã vật ra ghế. Bây giờ thì cô vợ hẳn sẽ tức điên lên vì đã để hắn rời đi. Tự dưng hắn cười sằng sặc. Vui sướng nhất là được ngả người trên sa-lông, bập thuốc lá và nhả ra từng cuộn khói trắng bong - điều mà vợ hắn ghét nhất. Sướng. Đúng rồi. Sướng điên lên. “Từ giờ chắc mình phải thường xuyên về đây ghé thăm mẹ vợ thôi”. Màn hình nhấp nháy liên tục chuyển từ thời sự sang bóng đá qua dự báo thời tiết và dừng lại ở kênh ANTV. “Một vụ trộm buồn cười đã xảy ra ở căn nhà K, tên trộm đã ngủ quên trong nhà gia chủ”. Hắn nhếch môi, cười thầm trong bụng: “Lại tên trộm ngu ngốc nào nữa đây?” rồi chuyển kênh khác. Sau khi xem xong hai trận bóng, bốn tập phim lẻ, hắn mệt quá rồi thiếp đi trên ghế sô-pha lúc nào chẳng biết. Hồi khuya, mẹ vợ đã chuẩn bị phòng cho hắn ngay tầng trên nhưng hắn từ chối với lý do “Ngày mai con sẽ đi sớm vì có việc gấp cần giải quyết ở công ty. Mẹ dậy mà không thấy con thì cứ yên tâm”.

- Hê, dậy đi… dậy đi! - Có tiếng ai đó vừa gọi vừa lay hắn dậy khi có một tia sáng nhợt nhạt xuyên qua tấm rèm mỏng.

Hắn uể oải mở mắt sau một giấc ngủ dài như một con thỏ ham ăn ham ngủ và liếc nhìn lên. Trên tường có treo một bức ảnh bà nhà văn chụp chung với Hà mà Hà tặng bà trong buổi ra mắt sách. Rồi hắn giật bắn người khi thấy Hà “ớt” “thật” - Hà “ớt” bằng xương bằng thịt đang khoanh tay đứng trước mặt hắn. Hắn chợt rùng mình chồm dậy nhưng bị trượt chân tuột ngay xuống sàn nhà và ngơ ngác nhìn đồng nghiệp của Hà đang quét bột lấy vân tay của hắn khắp nơi trong phòng. Đằng nào cũng bị tóm nên hắn ngoan ngoãn đưa bàn tay đeo chiếc nhẫn kim cương bốn ca-ra vào chiếc còng sáng loáng quen thuộc. Mặt hắn tái dại khi bị Hà xốc nách kéo dậy. Với Hà thì chiếc nhẫn ấy chẳng lạ lùng gì.

- Luân “khùng”! Mày đã bị bắt!

Bà nhà văn già đang phục vụ việc lấy lời khai, thấy thế, thở dài:

- Đêm hôm qua khi biết có trộm đột nhập, tôi nghĩ rằng mình không thể chống lại tên trộm bằng sức lực nên giả vờ nhận hắn là con rể của mình. May thay, hắn không hề phản ứng gì mà ở lại dùng bữa tối và ngủ lại nữa...

- Hôm qua cháu nghe con Shushi sủa vang, thấy cái xe đạp nằm ngay dưới ô cửa sổ, rồi cô thò đầu ra nháy mắt là cháu nghi rồi. Cho nên cháu để anh em đi tuần tiếp mà lội bộ quay lại để quan sát. Vẫn nghe Shushi sủa, nhưng thấy vẫn có đèn nên cháu không vội gọi vào. Tưởng là ai, hóa ra thằng Luân “khùng”. Hắn vừa ra tù vì tội lừa đảo nhưng không lên công an xã trình diện.

- Thì ra là thế. Chắc hắn nghĩ tôi già, mắt mờ lú lẫn mới chủ quan lơ là đánh chén xong ngủ thẳng - Bà nhà văn già cười cười - Cảm ơn cô!

- Dạ không. Tụi cháu chỉ giữ hắn thôi, chứ bắt hắn là cô đó chứ ạ. Cô xử lý tình huống khéo thiệt!