Chuyên nghiệp, từ những điều nhỏ nhất

Theo báo cáo từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam hiện là nước có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động nhanh nhất khu vực. Có thể vẫn chưa cao nếu so sánh với Singapore, Brunei hay Malaysia, nhưng năng suất của người lao động Việt Nam vẫn duy trì vận tốc tăng dần đều.
0:00 / 0:00
0:00
Nông trại Mino, tại làng Makkari, quận Abuta, Hokkaido, Nhật Bản.
Nông trại Mino, tại làng Makkari, quận Abuta, Hokkaido, Nhật Bản.

Bất ngờ và nghịch lý

Một điểm đáng lưu ý, điểm sáng của năng suất lao động Việt Nam được thể hiện rõ ở khu vực nông nghiệp. Trong hơn hai thập niên, từ năm 1995 đến năm 2018, năng suất lao động khu vực nông nghiệp Việt Nam đã tăng gấp ba lần. Con số này ở khu vực công nghiệp và dịch vụ lần lượt là 2,7 và 1,6. Có nhiều nguyên nhân giúp cho năng suất lao động nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng hơn các khu vực khác. Đó là xu hướng đô thị hóa, giảm bớt lao động nông thôn, đồng thời áp dụng canh tác quy mô lớn và khoa học kỹ thuật.

Vào thập niên 90 thế kỷ trước, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của Việt Nam ở mức hơn 70%. Con số này giảm xuống còn xấp xỉ 40% trong những báo cáo mới nhất. Số lượng nông dân giảm bớt phần nào trở thành động lực giúp nông nghiệp Việt Nam thay đổi phương thức sản xuất.

Những điểm sáng là điều được khẳng định, thế nhưng vẫn đang tồn tại những nghịch lý, thách thức. Một trong số đó là chất lượng nguồn lao động còn chưa cao. Nghiên cứu của ASEAN chỉ ra: Ba mươi năm qua, chất lượng lao động Việt Nam chỉ tăng trung bình gần 1%/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (1,7%), Singapore (1,5%) và Indonesia (1,6%).

Chất lượng nguồn lao động không tăng trưởng tương xứng khiến năng suất lao động Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn đầu tư, lên tới 70%. Hệ quả là trình độ, tay nghề người lao động chỉ đóng góp 16% vào tỷ lệ tăng năng suất lao động, thấp hơn nhiều so Thái Lan (41%), Indonesia (39%) hay Singapore (28%). Điều này cũng khiến nguồn vốn đầu tư ở một số lĩnh vực không đạt hiệu quả như mong muốn.

Học từ những người láng giềng

Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Đào tạo Sau đại học Nhật Bản về nghiên cứu chính sách-GRIPS) từng đưa ra quan điểm khá thú vị về phương pháp cải tiến năng suất lao động tại Việt Nam. Ông không nhìn nhận các doanh nghiệp nhỏ và vừa như những trở ngại, mà coi đây là động lực chính để tăng trưởng năng suất lao động. Ông cũng đưa ra đề xuất về những chính sách nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp doanh nghiệp Việt Nam đặt chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Birgit Hansl, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Thái Lan cũng có chung nhận định: "Phương pháp cơ bản nhất là rút lao động ở những ngành nghề có năng suất lao động thấp sang các ngành có năng suất lao động cao. Để làm được điều đó, Thái Lan đã mở rộng các ngành sản xuất, thu hút thêm lao động, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19".

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) Thái Lan cũng chỉ ra những điểm chung của một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có năng suất lao động cao. Thứ nhất, đó là những công ty tập trung vào xuất khẩu. Thứ hai, doanh nghiệp tập trung vào nâng cao tay nghề cho công nhân, cũng như đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm cải tiến phương thức sản xuất.

Emma Allen, chuyên viên thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Indonesia đề xuất về một mô hình phát triển cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp có thể mở những lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân viên. Những người hoàn tất khóa học có thể được nhận tiền thưởng, hoặc được đánh giá tốt để đẩy nhanh tốc độ thăng tiến trong công ty.

Được xem là nước phát triển đầu tiên tại châu Á, gần như tất cả thanh niên Nhật Bản đều tốt nghiệp đại học, nhưng điều đó không có nghĩa họ được xếp vào nhóm "lao động có tay nghề" hay "lao động chất lượng cao có chứng chỉ".

Tại Nhật Bản, mọi công việc từ lao công, quét dọn đều phải học qua các lớp đào tạo cơ bản. Học viên ở đó được hướng dẫn từ cách vắt giẻ lau sao cho khô, dùng loại giẻ nào để sau khi lau không đọng lại nước trên cửa kính. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo, học viên sẽ được cấp chứng chỉ để trở thành một thợ quét dọn chuyên nghiệp. Còn với sinh viên mới ra trường, gần như 100% số họ sẽ cần phải được đào tạo lại.

Phải đến khi hoàn tất các khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ, một người mới được xem như lao động có chứng chỉ, tay nghề. Điều tương tự cũng diễn ra ở các doanh nghiệp Hàn Quốc. Một số công ty còn thực hiện chính sách "luân chuyển công tác nội bộ", đưa nhân viên sang làm việc ở phòng, ban khác trong một khoảng thời gian nhất định. Điều đó giúp họ hiểu phần việc của nhau hơn, qua đó phối hợp nhịp nhàng trong công việc và dẫn đến năng suất lao động tăng.

Nói cách khác, việc cố gắng đẩy cao năng suất lao động từ những điều cụ thể và tưởng như nhỏ nhặt nhất chính là yêu cầu căn bản đối với chất lượng lao động, cũng là chỉ dấu rõ rệt của tính chuyên nghiệp, một ý niệm vẫn còn cần được xây dựng và bồi đắp kỹ lưỡng đối với đông đảo doanh nghiệp cũng như người lao động Việt Nam.