Chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa cuối năm

Tết Quý Mão 2023 đang đến rất gần, các hoạt động kinh doanh và mua sắm chuẩn bị cho dịp cuối năm đang sôi động hơn so những năm trước. Các mặt hàng có xuất xứ trong nước có xu hướng được ưa chuộng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa cuối năm

Tại thời điểm kinh doanh sôi động nhất năm, các công ty phân phối thực phẩm lớn trong nước đã tung ra nhiều chương trình, ưu đãi và số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023 nhằm cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu. Năm nay ghi nhận sức mua hàng ngoại nhập của người dân đã giảm hẳn, lý do là giá cả và chất lượng đều không cạnh tranh được so hàng trong nước, đã cho thấy sự cố gắng có hiệu quả của các công ty và chiến lược kinh doanh của họ trong chiến dịch mua sắm lớn nhất trong năm.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực có kế hoạch tăng hàng sản xuất bảo đảm nhu cầu dịp cuối năm, mà các hệ thống phân phối lớn hiện cũng đã chuẩn bị nguồn hàng chủ lực tăng từ 20-30% so Tết 2022. Theo tính toán, giá nguyên liệu nhập khẩu đã tăng khoảng 30%, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp chỉ tăng 3-15% giá thực phẩm Tết, thậm chí nhiều mặt hàng được cam kết giữ nguyên giá.

Cụ thể, tại các chuỗi siêu thị lớn của Hà Nội như Winmart, BigC, Lotte Mart… đã cho trang trí các khu vực bán quà Tết, bánh kẹo chủ đề Tết Quý Mão, cho ra mắt các chương trình giảm giá, mua nhiều tặng thêm, tặng quà, giới thiệu sản phẩm đặc biệt chỉ bán vào dịp cuối năm để kích thích tiêu dùng. Đặc biệt, các mẫu giỏ quà với nhiều phân khúc giá cạnh tranh chỉ khoảng từ 150 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/giỏ với các mặt hàng phổ biến như bánh, kẹo, mứt, trà, cà-phê… của các thương hiệu lớn trong nước và giỏ quà được các chuỗi siêu thị thiết kế riêng đang rất hút khách.

Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, năm 2022 cũng đánh dấu một năm hoạt động có hiệu quả của các sản phẩm OCOP từ chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Phân khúc giỏ quà đặc sản OCOP có giá từ 300 nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/giỏ chủ yếu được bán online hoặc qua các hội chợ, Festival giới thiệu sản phẩm. Những giỏ quà mang đậm mầu sắc Tết, chủ yếu là nông sản, đặc sản địa phương, thực phẩm chế biến có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc được người dân ưu tiên tin dùng vì tính an toàn và sự ý nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nhộn nhịp lại của thị trường là tình trạng gia tăng các hành vi làm giả hàng hóa hoặc bán phá giá nhằm trục lợi từ người tiêu dùng. Dựa vào tâm lý “ngon - bổ - rẻ” của người tiêu dùng, những sản phẩm kém chất lượng được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, hoặc các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Nhiều người vì ham rẻ, tiện lợi nên đã mua phải những mặt sản phẩm có ngoại hình giống đến hơn 90% so hàng chính hãng. Vì vậy, để có sản phẩm chất lượng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, theo các chuyên gia thị trường nên tìm mua sản phẩm tại các siêu thị và cửa hàng phân phối chính hãng.

Theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội, kinh tế Thủ đô đã có khoảng thời gian phục hồi trong năm 2022, nên dịp cuối năm nay nhu cầu mua sắm sẽ cao hơn, ước tính tăng 15% so Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong thời gian này, Sở sẽ siết chặt quản lý, rà soát để chống hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần phòng ngừa các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.