Còn đó những trăn trở
Những năm gần đây, các bộ, ban, ngành trung ương cũng như địa phương đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, nhiều tàu cá thiếu phương tiện cũng như thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, phải quay ngay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến nhằm bảo đảm chất lượng. Vì thế, thời gian bám biển không liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao.
Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, các dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá chưa đồng bộ. Nhiều nơi hạ tầng kém, cảng cá bị bồi lắng, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Quanh khu vực cảng thiếu trạm cung ứng xăng dầu, cơ sở sản xuất đá phục vụ ướp cá, cơ sở sửa chữa cơ khí và cung ứng máy móc, trang thiết bị đánh bắt thủy hải sản. Đó là chưa kể đến các hoạt động tiếp nhận, sơ chế, bảo quản và phân phối các sản phẩm đánh bắt ở nhiều khu vực cảng chưa bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Tồn tại của hệ thống cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tựu trung có ba nguyên nhân chính: Tổng nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí đầu tư cho việc quy hoạch, xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản chưa đúng theo quy định, chưa đáp ứng nhu cầu; các nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng, khu neo đậu chủ yếu thuộc dạng công ích, không thu hút được đáng kể nguồn lực tư nhân. Đã thế, với các cảng hiện hữu đã xây dựng và hoạt động nhiều năm, đang xuống cấp lại thiếu vốn duy tu, sửa chữa.
Với ngư dân, việc đầu tư cho một con tàu đánh bắt đã khá vất vả, chỉ mong sao chuyện ra vào cảng thuận lợi, dễ tiếp cận các dịch vụ hậu cần để thêm động lực trong mỗi chuyến đi biển.
Ông Nguyễn Xuân Chính, chủ tàu đánh bắt xa bờ TH-90436/TS, thường cập tại cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến (Sầm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, khi được các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, ngoài đầu tư cải tạo cảng, khơi thông luồng lạch, có thể khuyến khích các tàu dịch vụ hoạt động hăng hái hơn.
Được biết, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) là một trong những địa phương đầu tư, kết nối xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần rộng khắp, trong đó có khoảng 200 tàu dịch vụ thu mua và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, hơn 30 cơ sở cung ứng đá lạnh, 28 cơ sở cung ứng xăng dầu ven biển. Đó là chưa kể đến hàng chục cơ sở cung ứng kinh doanh vật tư ngư cụ, xe đông lạnh chuyên dùng, đáp ứng tốt việc cung cấp nhiên, nguyên liệu cho những chuyến ra khơi dài ngày.
Tìm hiểu tại Quảng Bình, nơi có 35 tàu hậu cần nghề cá, hoạt động khó khăn do ít việc nhưng chi phí tăng cao. Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình) cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng xăng dầu, đá lạnh...
Mặt khác, ở nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, nhưng việc giải ngân chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tàu cá. “Với loại tàu có chiều dài từ 15m trở lên, đáp ứng đủ điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg thì sẽ được hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS; hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho chuyến biển”, ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.
Chính sách đã có, còn cần sự quyết tâm
Quyết định số 1077/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”, trong đó, đã đề ra nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá.
Hay trong Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, và 54 cảng cá loại III.
Mục tiêu đã rõ, vấn đề là thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết, thời gian tới, cần tập trung bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo hướng hiện đại; kinh phí duy tu, nạo vét luồng của các cảng cá, khu neo đậu để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá vào cảng, khu neo đậu được an toàn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là hơn 60 nghìn tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách. Ngoài ra, huy động vốn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Để thực hiện được mục tiêu này, cơ quan chức năng các cấp cần thể hiện sự quyết tâm lớn, cụ thể đề xuất giải pháp đầu tư thông qua kênh xã hội hóa, chuyển giao mạnh mẽ, thậm chí nhượng quyền kinh doanh cảng cá cho tư nhân; khuyến khích các nhà đầu tư cùng xây dựng, khai thác, kinh doanh, vận hành hoạt động hậu cần.
Đặc biệt, cần bổ sung nguồn nhân lực, trong đó cần lực lượng có trình độ để vận hành hạ tầng, quản lý, đáp ứng những đòi hỏi cao của công việc và hội nhập quốc tế.