Chống độc quyền

Những ngày qua, cuộc chiến của các chính phủ và tập đoàn truyền thông chống những “đại gia” công nghệ và thương mại điện tử lũng đoạn thị trường lại nóng lên. Italy vừa phạt Amazon hơn 1 tỷ USD vì lạm dụng vị thế trên thị trường, một trong những hình phạt nặng nhất đối với một công ty công nghệ Mỹ tại châu Âu. 

Biếm họa: PARESH NATH
Biếm họa: PARESH NATH

Cơ quan chống độc quyền của Italy (AGCM) nêu rõ, Amazon đang giữ vị trí “thống trị tuyệt đối” trong lĩnh vực thị trường và dịch vụ trung gian ở Italy. Điều này tạo thuận lợi cho Amazon quảng bá dịch vụ logistics riêng của hãng, được gọi là FBA. Theo đó, các công ty phải sử dụng dịch vụ FBA của Amazon nếu muốn tiếp cận các lợi ích chính, từ đó cho phép họ tham gia đợt bán hàng giảm giá Black Friday và các sự kiện quan trọng khác. AGCM tuyên bố áp dụng mức phạt cao với Amazon lên tới 1,13 tỷ euro (tương đương 1,28 tỷ USD), vì các hành động của Amazon là “đặc biệt nghiêm trọng”. 

Trước đó, cơ quan chống độc quyền Italy đã phạt Apple và Google (mỗi tập đoàn 10 triệu euro), do hai tập đoàn công nghệ Mỹ này đã vi phạm mã khách hàng, gồm không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng và sử dụng các biện pháp mạnh lợi dụng dữ liệu của khách hàng vì mục đích thương mại. Liên minh châu Âu (EU) cũng phạt Amazon khoản tiền kỷ lục 888 triệu USD vì vi phạm luật bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt của khối.

Tại Nga, Google tiếp tục bị phạt vì không dỡ bỏ nội dung vi phạm tại “xứ sở bạch dương”. Theo đó, một tòa án Moscow đã ra phán quyết yêu cầu Google nộp phạt 121.000 USD vì vi phạm các quy định về nội dung đăng tải, trong đó có các hoạt động cực đoan, khiêu dâm trẻ em hoặc quảng cáo sử dụng chất gây nghiện. Trong năm nay, Nga liên tục tăng sức ép với các công ty công nghệ nước ngoài trong chiến dịch siết chặt quản lý không gian mạng. Tháng 12 này, hai “ông lớn” công nghệ Mỹ là Google và Meta Platforms (chủ quản của Facebook) đều bị đưa ra tòa vì liên tục vi phạm các quy định về nội dung được phép đăng tải tại Nga và có thể chịu mức phạt lên tới vài phần trăm doanh thu cả năm. 

Google cũng vừa phải nộp phạt gần 600 triệu USD cho cơ quan chức năng Pháp vì vi phạm bản quyền tin tức theo quy định của EU. Ngoài khoản tiền phạt nói trên, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp cũng yêu cầu Google trong vòng 2 tháng phải trả tiền cho các hãng truyền thông, vì đã sử dụng những nội dung tin tức có bản quyền của họ. Nếu không thực hiện, “đại gia” công nghệ này sẽ phải nộp phạt thêm 900.000 euro/ngày để bồi thường thiệt hại cho những hãng trên. Đầu năm nay, Google đã đồng ý trả 76 triệu USD trong vòng ba năm cho Hiệp hội gồm 121 nhà xuất bản của Pháp đang bị mất phần lớn doanh thu từ mảng quảng cáo vào tay các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook. 

Luật mới về bản quyền của Pháp và Australia đã giúp các nhà xuất bản có tiếng nói lớn hơn, dẫn đến một loạt thỏa thuận cấp phép trên thế giới với trị giá hàng tỷ USD. Quốc hội Australia đã thông qua dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này. Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, Facebook và Google đã đạt được hợp đồng cấp phép sử dụng tin với các hãng truyền thông lớn của Australia, song chưa đạt được đồng thuận với nhiều hãng nhỏ. Tổ chức từ thiện của tỷ phú dầu mỏ Andrew Forrest (người giàu nhất Australia) tuyên bố sẽ hỗ trợ 18 hãng truyền thông quy mô nhỏ của nước này đàm phán với hai “gã khổng lồ” công nghệ Google và Facebook. 

Trong những năm gần đây, các nước, nhất là tại châu Âu, gia tăng kiểm soát hoạt động kinh doanh của các tập đoàn công nghệ, tiến hành điều tra độc quyền nhiều tập đoàn của Mỹ tại “lục địa già”. Giới chức Đức và Tây Ban Nha cũng theo dõi cuộc điều tra tại Italy và tiến hành những quy trình tương tự. Các nước thành viên EU cũng bày tỏ ủng hộ hai đạo luật cho phép các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các hãng công nghệ. Thực tế này đang đòi hỏi các “đại gia” công nghệ phải điều chỉnh chiến lược, chính sách kinh doanh của mình cho phù hợp hơn để bảo đảm “cùng thắng” với doanh nghiệp của các nước sở tại.