Anh Ryan Robinson, nhà khoa học trẻ tốt nghiệp ngành sinh học tại Trường đại học Imperial College London (Anh) và nhà thiết kế Elena Dieckmann đã hợp tác đưa ra giải pháp tái chế lông gà. Cụ thể là phương pháp biến lông gà thành chất liệu cách điện, cách nhiệt cho các tòa nhà và vật liệu đóng gói để bảo quản thức ăn hoặc thuốc.
Cả hai đang phát triển dự án chế tạo vật liệu từ lông gà mang tên AeroPowder. “AeroPowder ban đầu là dự án nghiên cứu của Elena tại trường đại học, thể hiện mục tiêu của cô hướng tới việc tái chế lông gà phế thải”, anh Robinson cho biết. Chỉ tính riêng ở Anh đã có tới 1.000 tấn lông gà thải ra mỗi tuần. Con số này là 10.000 tấn trên khắp thế giới mỗi ngày.
“Hiện nay, lông gà chủ yếu được chuyển thành thức ăn chăn nuôi chất lượng thấp. Ngoài ra, lông gà cũng có thể bị đốt hoặc chôn tại các bãi rác. Tuy nhiên, những phương pháp xử lý này không tận dụng hết được các tính chất tự nhiên tuyệt vời của lông gà và gây ảnh hưởng môi trường”, Robinson nhấn mạnh. Thực tế, mỗi chiếc lông gà được cấu tạo từ chất sừng keratin với lõi rỗng giúp chúng có khả năng cách nhiệt và cách điện. Elena còn cho biết thêm: “Vật liệu AeroPowder làm từ lông gà rất nhẹ, dễ phân hủy và không thấm nước. Chúng tôi tin rằng có thể sản xuất ra những sản phẩm mới thật sự hữu ích nhờ những đặc điểm này”.
Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhưng vật liệu AeroPowder đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng và một số thành công đáng ghi nhận. Nhóm nghiên cứu đã vinh dự nhận giải ba trong cuộc thi Sáng tạo Sinh viên Quốc tế năm 2016 và gần đây nhất là giải thưởng LiveWIRE Smarter Future Award của Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell vào đầu năm 2017.