Chấm dứt thời "ăn xổi"

Có một thực tế là, tuy số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ngoài nước ở mức cao và tăng theo các năm, nhưng chất lượng còn khiêm tốn. Trong bối cảnh sự cạnh tranh về chất lượng lao động ngày càng gay gắt, đòi hỏi công tác tuyển chọn và đào tạo người đi làm việc ở nước ngoài phải ngày càng chuyên nghiệp hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao kỹ năng mềm, ngoại ngữ sẽ giúp học viên tự tin hơn khi đi làm việc. Ảnh: Thủy Nguyên
Nâng cao kỹ năng mềm, ngoại ngữ sẽ giúp học viên tự tin hơn khi đi làm việc. Ảnh: Thủy Nguyên

Những con số hứa hẹn

Suốt một thời gian khá dài, người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường tham gia các lĩnh vực không đòi hỏi trình độ cao. Cùng với đó là mức thu nhập của người lao động thấp, thiếu bền vững. Đó là chưa kể đến việc một bộ phận người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật chưa nghiêm. Nhiều trường hợp phá hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc khác nhằm hưởng mức lương cao hơn, đã gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh người lao động Việt Nam, khiến phía nước bạn đã có những động thái gay gắt.

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Phần lớn người lao động của ta đi làm việc ở nước ngoài chỉ được đào tạo rất sơ sài, qua các lớp đào tạo ngắn hạn. Nhưng giờ đây phải bỏ qua thời "ăn xổi" ấy. Chúng ta cần tính toán đến các phương án đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nói chung, phục vụ cho chiến lược đưa nguồn lao động chất lượng có sức cạnh tranh đi làm việc ở nước ngoài nói riêng, hướng đến những thị trường cần nguồn nhân lực cao và mức lương tốt hơn".

Nhiều chuyên gia cũng nhận định: Việc đưa lao động có trình độ, kỹ năng và chuyên môn xuất khẩu sẽ vừa tạo cơ hội cho lao động nước ta vào được các thị trường lao động khó tính, vừa bảo đảm cho người lao động có nguồn thu nhập khá, công việc ổn định và có vị thế ở nước ngoài. Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Cảnh Toàn, Trường đại học Thăng Long Hà Nội chia sẻ: "Hiện lao động đi làm việc ở nước ngoài mang về từ 2,5-3 tỷ USD mỗi năm, nếu nâng cao được chất lượng lao động, đưa lao động đến những thị trường phát triển thì con số này sẽ không dừng ở mức đó".

"Ðón lõng" nhân lực chất lượng

Hiện nay, thị trường lao động Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới vẫn "khát" lao động chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, công nghệ ô-tô, cơ điện, thực phẩm, nhà hàng, khách sạn... Thay vì tuyển lao động tự do tại các công ty chuyên dịch vụ xuất khẩu lao động, các đối tác Nhật Bản mong muốn tìm kiếm lao động tại các trường cao đẳng, đại học. Theo đó, học viên vừa học nghề, vừa tham gia các khóa đào tạo Nhật ngữ, văn hóa để chuẩn bị cho xuất khẩu lao động. Những lao động này thường được đối tác nước bạn đánh giá cao. Chị Nghiêm Thị Hằng (tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Hà Đông), đã làm việc ở Nhật Bản gần 10 năm chia sẻ: "Những người có trình độ, có ý thức, giỏi tiếng sở tại rất được coi trọng, được tạo điều kiện trong môi trường làm việc tốt".

Theo chị Mai Thị Loan, Giám đốc MaiEDU, đơn vị chuyên đào tạo tiếng Hàn cho người đăng ký đi làm việc tại nước ngoài cho hay: "Có nhiều hình thức và yêu cầu khác nhau ở mỗi quốc gia, tuy nhiên chìa khóa chung để hội nhập thành công là học tiếng và kỹ năng trước khi xuất cảnh. Lựa chọn đi nước ngoài làm việc, ngôn ngữ là điều bắt buộc, bởi trong sinh hoạt và làm việc không thể tránh những lúc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp hằng ngày. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, người lao động cần phải trao đổi về quy trình và cách thức làm việc với người quản lý. Việc bất đồng ngôn ngữ sẽ dẫn đến mức độ tiếp thu và hiệu quả công việc không cao".

Lãnh đạo MaiEDU cho biết thêm, người lao động có khả năng giao tiếp tốt và kỹ năng cơ bản trong nghề nghiệp đang làm sẽ được chủ lao động ưu tiên ở những chức vụ cao hơn, như trưởng nhóm, hay đơn giản là được tăng ca nhiều hơn so những lao động khác. Bên cạnh việc thích ứng nhanh thì đức tính cần cù, chịu khó là những phẩm chất mà chủ lao động rất ưa thích ở lao động Việt Nam. Việc thích nghi nhanh với công việc và cuộc sống tại nước ngoài còn giúp người lao động vạch ra được hướng đi sau khi kết thúc quá trình làm việc, về nước.

Trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực, cần tạo sự kết nối giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin, tư vấn, giáo dục định hướng, ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Đồng thời ký kết hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp dịch vụ đối với một số ngành, nghề, trình độ theo yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Việc gắn kết doanh nghiệp với trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài phải được thể hiện bằng các hợp đồng kinh tế. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các bên để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. TS Vũ Xuân Hùng kiến nghị: "Đã đến lúc cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Thậm chí, "đón lõng" sinh viên đại học, cao đẳng tham gia chương trình, ngành nghề cần loại hình lao động này".

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam - đơn vị có lượng sinh viên được đào tạo ngành điều dưỡng đi làm việc ở nước ngoài khá đông thông qua các chương trình ký kết của trường với các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho biết: "Qua khảo sát, lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe đều khẳng định môi trường làm việc an toàn, thu nhập khá, có sự quản lý chặt chẽ của nước tiếp nhận lao động về bằng cấp, thời gian làm việc, thu nhập, được hưởng đầy đủ các chế độ cho người lao động". Còn tại Hưng Yên, Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp dịch vụ, giúp sinh viên có điều kiện tìm hiểu và được tư vấn kỹ lưỡng về du học, việc làm và ra nước ngoài làm việc. Thông qua việc hợp tác này, sinh viên có cơ hội thực tập cũng như giảng viên được cập nhật thông tin về những hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, để truyền tải, bổ sung vào chương trình đào tạo, định hướng về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giúp tạo nên các kênh thông tin đa chiều hiệu quả, giúp nhà trường thực hiện tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo đúng yêu cầu thực tế của thị trường, qua đó, sinh viên có cơ hội định hướng tốt việc học và tăng hiệu quả tìm kiếm công việc phù hợp sau này.